Tôi nhớ như in lúc đó là kỳ nghỉ hè trung học cơ sở kinh khủng của tôi. Cứ đúng 6 giờ mỗi buổi sáng là loa phát thanh thông báo lịch cắt điện lại vang lên, sau đó đúng 30 phút thì căn nhà của gia đình tôi lại rơi vào tình trạng không có điện hoàn toàn.
Lịch cắt điện diễn ra đến tận 18 giờ vào buổi tối, có khi cắt điện kéo dài đến 19 giờ và lặp đi lặp lại trong cả tháng nghỉ hè. Do nắng nóng kéo dài liên tục gây ra tình trạng hạn hán trên nhiều sông suối trên cả nước, mực nước tại các hồ chứa thấp đến báo động và các đập thủy điện không thể đi vào hoạt động để sản xuất điện năng.
Giải pháp duy nhất cho các gia đình lúc ấy là sắm máy phát điện chạy bằng xăng hay còn gọi là “máy nổ”. Nhưng sử dụng máy nổ rất tốn xăng, không tốt cho môi trường lại còn gây ra quá nhiều tiếng ồn nên gia đình tôi chỉ sử dụng mỗi lúc ăn cơm tối.
Bắt đầu sang tháng 7, tháng 8 thì mùa lũ kéo về. Các nhà máy thủy điện hoạt động trở lại với công suất cao nên đã đáp ứng cho nhu cầu sử dụng của người dân. Từ đó trở đi, có một nỗi sợ cứ hiện hữu trong mỗi người dân Hà Tĩnh nói chung lại có một nỗi sợ là không có điện để dùng, sợ những ngày cắt điện liên tiếp trong mùa nắng nóng lại đến một lần nữa.
Thế nên sau đợt cắt điện lịch sử ấy, ý thức tiết kiệm điện trong tôi và mỗi người dân được hình thành từ đây. Từ già trẻ, lớn bé đều có ý thức tiết kiệm điện rất cao và bên cạnh đó các sở ban ngành, các tổ chức trên địa bàn tỉnh cũng đã tuyên truyền, tổ chức nhiều chương trình nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm điện trong cộng đồng.
Các hoạt động và hành động được các cơ quan có thẩm quyền, các doanh nghiệp tổ chức được rất nhiều người dân ủng hộ. Ngành điện hướng tổ chức các chương trình, chiến dịch tuyên truyền và giáo dục cộng đồng về việc sử dụng điện hiệu quả, khuyến khích việc sử dụng năng lượng tái tạo như mặt trời và gió, các cửa hàng thiết bị điện cũng đưa ra giá cả ưu đãi cho các sản phẩm tiết kiệm điện trong các đợt thiếu điện cao điểm,...
Đối với tôi ấn tượng và hiệu quả nhất trong các chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện được tổ chức tại Hà Tĩnh là chương trình Giờ Trái đất. Các hoạt động chính của chương trình này bao gồm: Trong một giờ cụ thể, thường vào một ngày cuối tuần, mọi người tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết để giảm lượng tiêu thụ điện; Các tổ chức và cơ quan thông tin thường tăng cường tuyên truyền và giáo dục công chúng về ý nghĩa và lợi ích của việc tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Ngoài việc tắt đèn trong một giờ cụ thể, chương trình Giờ Trái đất còn khuyến khích mọi người hành động tiết kiệm năng lượng hàng ngày thông qua việc sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng và thực hiện các biện pháp tiết kiệm khác.
Hy vọng rằng qua việc các đơn vị có thẩm quyền cùng những công ty có liên quan tiếp tục tuyên truyền, phổ biến thêm các chương trình, cách thức tiết kiệm điện hữu hiệu đến với người dân tỉnh Hà Tĩnh và cả nước. Mỗi người trong chúng ta cùng nhau đóng góp một phần công sức, chung tay tiết kiệm điện để giảm tải gánh nặng cho hệ thống điện và bảo vệ môi trường. Tất cả vì một tương lai luôn tươi sáng, không còn khổ sở vì... cúp điện.
Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, kéo dài đến hết ngày 10.7.2024
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 là nơi để độc giả chia sẻ các câu chuyện hay, sáng kiến mới, phương thức tiết kiệm điện hiệu quả, đã được chứng minh từ thực tế của các hộ gia đình, cơ quan công sở, doanh nghiệp... để mọi người cùng tham khảo, thực hiện.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc đường bưu điện, gởi về tòa soạn Báo Thanh Niên (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen. Thể lệ chi tiết được đăng tải trên thanhnien.vn.
Bình luận (0)