Cuộc so tài với Olympic Mông Cổ ở ngày ra quân ASIAD 19 đóng vai trò quan trọng trong hành trình giành tấm vé đi tiếp của Olympic Việt Nam.
Nếu có trọn vẹn 3 điểm, các học trò HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ có đà tâm lý thuận lợi cho 2 trận sau, lần lượt gặp Olympic Iran và Olympic Ả Rập Xê Út. 3 điểm là bước đệm tốt, bởi ngay cả khi nếu có đứng thứ ba chung cuộc, Olympic Việt Nam cũng có cơ hội lớn để lọt vào vòng 16 đội, khi ban tổ chức sẽ chọn 4 trong 5 đội thứ ba có thành tích tốt nhất vượt qua vòng bảng.
Tuy nhiên, trước khi tính toán đường dài, Olympic Việt Nam cứ phải đánh bại Olympic Mông Cổ. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng.
Trước hết, Olympic Mông Cổ không phải đối thủ yếu, dù thành tích của bóng đá trẻ Mông Cổ ở sân chơi châu Á chưa có gì quá nổi bật. Mặc dù vậy, ở vòng loại U.23 châu Á 2024, U.23 Mông Cổ từng làm khó U.23 Ả Rập Xê Út lẫn U.23 Li Băng. Dù phải chơi trên sân khách, nhưng U.23 Mông Cổ đã cầm hòa U.23 Ả Rập Xê Út đến những phút cuối (trước khi thua bởi đối thủ bản lĩnh hơn trong thời gian bù giờ), trước khi giành 1 điểm trước Olympic Li Băng.
Điểm mạnh của Olympic Mông Cổ là những tình huống đánh biên, chuyển đổi trạng thái linh hoạt và tốc độ. Đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Ichiro Otsuka luôn thi đấu rất quyết tâm, đeo bám đối thủ đến cùng. Olympic Mông Cổ cũng sở hữu một số cầu thủ đang chơi bóng tại châu Âu như Filip Andersen (Áo) và Tsogtbayar Batbayar (CH Czech). Với tinh thần thoải mái, Olympic Mông Cổ càng là đối thủ khó lường ở sân chơi ASIAD 19.
Tuy nhiên, như HLV Hoàng Anh Tuấn đã nhận định, đối thủ lớn nhất của Olympic Việt Nam là chính mình. Các cầu thủ cần vượt qua trở ngại tâm lý, đặc biệt trong trận đấu ra quân.
Điểm chung của Olympic Việt Nam (hay đội U.23 Việt Nam) trong 3 giải đấu gần nhất là "thói quen" khởi đầu rất chậm. Ở SEA Games 32, U.23 Việt Nam từng bị U.23 Lào dồn ép trong trận ra quân. Các học trò của HLV Philippe Troussier thi đấu chệch choạc, bị đối thủ lấn lướt và "bắn phá" cầu môn liên tục trong nửa cuối hiệp 2. Nếu thủ môn Văn Chuẩn cùng hậu vệ không chơi lăn xả, U.23 Việt Nam đã có thể mất điểm.
Đến giải U.23 Đông Nam Á, U.23 Việt Nam thắng U.23 Lào với tỷ số 4-1 ở trận ra quân, nhưng thực tế đã gặp khó khăn suốt 70 phút khi để đối thủ cầm hòa 1-1, để rồi có liền 3 bàn trong thời gian cuối trận. Ở vòng loại U.23 châu Á, U.23 Việt Nam thắng U.23 Đảo Guam với tỷ số 6-0, nhưng thực tế đã gặp khó trong hiệp 1 với chỉ 1 bàn vào lưới đối thủ yếu.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những màn ra quân kém suôn sẻ. Trước hết, với bộ khung thay đổi qua từng giải, các cầu thủ luôn cần thời gian để “khớp” nhịp chơi của nhau, từ đó tạo nên sự đồng điệu, cân bằng. Minh chứng là sau những trận đấu khó khăn, U.23 Việt Nam càng chơi càng vào guồng. Bên cạnh đó, tâm lý của cầu thủ thường căng cứng khi mới bước vào giải đấu, điều này đã được các HLV Troussier và Hoàng Anh Tuấn thừa nhận.
Sức ép tại ASIAD 19 còn lớn hơn, khi Olympic Việt Nam với nòng cốt là những cầu thủ 19, 20 tuổi sẽ đối đầu với những đối thủ lớn hơn đến 2, 3 tuổi. Trong bóng đá trẻ, chênh lệch 1 tuổi đã có rất nhiều khác biệt về thể hình, kỹ năng, trình độ lẫn kinh nghiệm.
Ngoài ra, Olympic Việt Nam cũng không có quá trình chuẩn bị lâu dài. Suốt thời gian diễn ra giải đấu, HLV Hoàng Anh Tuấn chỉ làm việc với khoảng 11, 12 cầu thủ. Đến sát ngày lên đường, ông mới có đủ quân số. Quỹ thời gian tập luyện ở Trung Quốc của Olympic Việt Nam là vỏn vẹn 2 ngày.
Tuy nhiên, việc chuẩn bị cho ASIAD 19 của nhiều cầu thủ Olympic Việt Nam có lẽ đã bắt đầu từ vòng loại U.23 châu Á. Nhờ 3 trận đấu tại Phú Thọ, các cầu thủ đã có sự sẵn sàng, làm nóng cơ bắp cũng như có nền tảng tinh thần chắc chắn. Ngoài ra, qua từng giải đấu, các học trò ông Hoàng Anh Tuấn lại có thêm bài học để tiến bộ hơn.
HLV Hoàng Anh Tuấn cũng “mát tay” ở khâu làm tâm lý, thúc đẩy tinh thần học trò. Chiến lược gia sinh năm 1968 liên tục động viên cầu thủ ra sân với tinh thần thoải mái, gạt bỏ áp lực. Với cái đầu thông thoáng, Olympic Việt Nam hứa hẹn có khởi đầu tốt ở ASIAD 19.
Bình luận (0)