Chương trình CMU ở Việt Nam: 4 năm nhìn lại

28/03/2012 08:00 GMT+7

“Các bạn có quyền tự hào vì đã vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất để có được thành quả như hôm nay”, đó là nhận định của GS. Anthony Lattanze, Đại học Carnegie Mellon (CMU), người từng là Trưởng nhóm Khoa học gia của Dự án Mars Rover, robot đầu tiên của loài người chạy trên sao Hỏa tại Hội thảo “Chương trình Carnegie Mellon ở Việt Nam: 4 năm nhìn lại” do Đại học Duy Tân (DTU) tổ chức.

Bên cạnh các đại diện đến từ Carnegie Mellon, hội thảo còn có sự tham gia của các đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Tp. Đà Nẵng, Đại học Văn Lang và đại diện nhiều công ty phần mềm trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc, thầy Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Q.Hiệu trưởng Đại học Duy Tân đã bày tỏ niềm vinh hạnh được đón tiếp các giáo sư hàng đầu của CMU và các đại biểu về với Duy Tân. Thầy Lê Công Cơ chia sẻ: “Chúng tôi đã đi qua chặng đường 4 năm, hôm nay nhìn nhận và đánh giá lại hiệu quả của chương trình CMU tại Việt Nam. Từ ban đầu, chúng tôi đã đầu tư khá lớn để phát triển công nghệ và tập huấn cho giảng viên, chỉ với một mong muốn sao cho chương trình này phát huy được hiệu quả. Và đến hôm nay, thực tế chúng tôi đã có được một đội ngũ giảng viên được tập huấn bài bản và một số lượng sinh viên năm cuối dù chưa ra trường nhưng đã có 85% được mời làm việc sau khi tốt nghiệp. Tôi tin rằng, trong tương lai, nhất định chúng ta sẽ biến chương trình CMU thành chương trình của chính chúng ta, trên đất Việt Nam”.

 

Trên tinh thần ấy, hội thảo đã diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp có ý nghĩa, thiết thực nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chương trình CMU tại Việt Nam.

TS. John Kang - Giám đốc Hợp tác ở Á châu của CMU - cho biết Carnegie Mellon là 1 trong 20 trường nổi tiếng nhất thế giới với 18 học giả đạt giải Nobel và nhiều dấu ấn trong lĩnh vực Giáo dục ở Hoa Kỳ. Một điều rất thú vị là CMU là trường luôn thu hút rất nhiều nhà tuyển dụng từ các công ty hàng đầu thế giới vì trường luôn có những sinh viên giỏi nhất: một sinh viên có thể nhận được 3 đến 4 lời mời làm việc khi tốt nghiệp. Và đây cũng là điểm mạnh mà DTU có được khi triển khai chương trình CMU.

TS. John Kang nhấn mạnh: “Cách đây 4 năm, tôi và các đồng sự đã cố gắng mang chương trình đào tạo này đến Việt Nam với không ít lo âu. Đến hôm nay, sau 4 năm nhìn lại, qua việc kiểm tra chất lượng sinh viên ở Duy Tân, tôi rất hài lòng về kết quả mà đội ngũ giảng viên và sinh viên ở đây đã đạt được.”

 

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đã có những góp ý sát thực về yêu cầu đào tạo sinh viên nhằm đưa chương trình CMU đến gần hơn với doanh nghiệp hơn, đáp ứng những nhu cầu mới theo tình hình phát triển mới ở Việt Nam.

Đặc biệt, tại hội thảo, Đại học Duy Tân đã vinh dự ghi nhận ý kiến chỉ đạo từ các cấp lãnh đạo trung ương và địa phương. Ông Quách Tuấn Ngọc - Cục trưởng cục Công nghệ Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo góp ý về việc nhân rộng Hiệp hội các Trường Đào tạo Công nghệ Thông tin tại Việt Nam (SEGVietnam) và bổ sung những nét mới cho chương trình đào tạo ngắn hạn, đào tạo cao học cũng như xác định chuẩn đầu ra cho nguồn nhân lực CMU.

Được biết, chương trình CMU là chương trình chuẩn quốc tế về Công nghệ Phần mềm, Hệ thống Thông tin và Kỹ thuật Mạng máy tính do ĐH Duy Tân liên kết với Carnegie Mellon - Đại học hàng đầu Hoa Kỳ về Công nghệ Thông tin (theo xếp hạng của U.S. News 2012-2013) triển khai tại Việt Nam (http://cmu.duytan.edu.vn). Sinh viên theo học chương trình này được nhận từ 18 đến 22 chứng chỉ hoàn tất môn học do CMU cấp. Các chứng chỉ này có giá trị quốc tế và sinh viên có cơ hội được các doanh nghiệp đảm bảo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.