Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày phòng chống tăng huyết áp thế giới (17.5) và Tháng đo huyết áp thế giới, giúp nâng cao ý thức cộng đồng trong việc phòng, chống tăng huyết áp, phòng ngừa bệnh lý tim mạch và duy trì trái tim khỏe mạnh.
Chương trình nằm trong khuôn khổ Hội nghị Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch 2023, với sự tham gia của hơn 300 y, bác sĩ chuyên ngành tim mạch trên cả nước.
Để khuyến khích người dân tăng cường vận động, phòng chống tăng huyết áp, các y, bác sĩ đi bộ từ cổng khách sạn Vạn Phát, di chuyển trên đường Nguyễn Văn Cừ và quay về đích tại khách sạn Vạn Phát. Nhờ sự hỗ trợ của UBND TP.Cần Thơ, Sở Y tế TP.Cần Thơ, Công an TP.Cần Thơ, Sở Giao thông vận tải TP.Cần Thơ, UBND Q.Ninh Kiều, chương trình được đảm bảo an ninh, người tham dự đã về đích an toàn.
GS.TS.BS Trương Quang Bình, Trưởng ban Tổ chức hội nghị, chuyên gia BV ĐHYD TPHCM cho biết, “Đi bộ vì trái tim khỏe” là chuỗi chương trình được tổ chức trong khuôn khổ hội nghị khoa học Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch của BV ĐHYD TPHCM, với mục tiêu khuyến khích người dân tăng cường vận động, nâng cao nhận thức trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trái tim của mình.
Chương trình "Đi bộ vì trái tim khỏe" được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2022 tại TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu). Năm nay, chương trình tiếp tục nhận được sự đồng hành của các y, bác sĩ trong việc lan tỏa thông điệp “Hãy nhớ huyết áp như nhớ tuổi của bạn”, khuyến khích người dân chủ động theo dõi huyết áp, phòng chống tăng huyết áp cũng như phòng ngừa các biến cố tim mạch do tăng huyết áp gây ra.
Hiện nay, tăng huyết áp thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì không gây ra các triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu nhưng lại làm tổn thương mạch máu một cách từ từ và lâu dài. Tăng huyết áp có thể gây nhồi máu cơ tim, nhồi máu não và nhiều biến chứng khác như: phì đại cơ tim, suy tim, xuất huyết đáy mắt, suy thận và các bệnh động mạch chủ…
Việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có những yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch là rất quan trọng. Mỗi người có thể chủ động phát hiện tăng huyết áp bằng cách tự đo huyết áp hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất. Chỉ cần một trong 2 trị số: huyết áp tâm thu (số trên) từ 140 mmHg trở lên, huyết áp tâm trương (số dưới) từ 90 mmHg trở lên thì được xem là tăng huyết áp.
Trong trường hợp được chẩn đoán tăng huyết áp, người bệnh cần tuân thủ việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và duy trì chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, tập luyện đều đặn. Về việc tuân thủ sử dụng thuốc, người bệnh chỉ cần nhớ uống thuốc chuẩn theo 3Đ: đúng thuốc đã kê, đủ liều đã dặn, đều đặn mỗi ngày. Người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định các chương trình tập luyện hay đơn giản là đi bộ liên tục 30 phút mỗi ngày, thực hiện nhiều hơn 5 ngày trong tuần để tăng cường lưu thông máu, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp.
Các bác sĩ khuyến cáo, ngay khi phát hiện tăng huyết áp hoặc có những triệu chứng dù chỉ thoáng qua như: hồi hộp, đánh trống ngực, nhức đầu mỗi buổi sáng thức dậy... nên đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Đặc biệt, người có các yếu tố nguy cơ như: có thói quen ăn mặn, ít vận động, uống nhiều rượu bia, căng thẳng thường xuyên, lớn tuổi và gia đình có người mắc tăng huyết áp nên khám sức khoẻ định kỳ. Nên phòng bệnh hơn chữa bệnh và chủ động nhận biết các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp để có kế hoạch loại trừ những yếu tố nguy cơ này sớm nhất có thể.
“Mỗi người chúng ta đều nhớ tuổi của mình. Trị số huyết áp rất quan trọng cho sức khoẻ của mỗi người, chúng ta phải cập nhật trị số huyết áp một cách định kỳ để có thể có kế hoạch phòng tránh tăng huyết áp và phát hiện tăng huyết áp sớm nhất có thể. Từ đó việc điều trị sớm sẽ mang lại lợi ích giảm thiểu được những biến chứng của tăng huyết áp. Tháng 5 - Tháng đo huyết áp và ngày 17.5 - Ngày phòng chống tăng huyết áp thế giới lại về, chúng ta hãy hưởng ứng bằng cách “nhớ huyết áp như nhớ tuổi của mình”, GS.TS.BS Trương Quang Bình chia sẻ.
Bình luận (0)