Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Không học sinh đăng ký, nhiều môn thừa giáo viên

Bích Thanh
Bích Thanh
24/10/2024 06:06 GMT+7

Đã xuất hiện tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên khi bước vào năm thứ 5 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khiến việc thực hiện chương trình không đạt hiệu quả như mong muốn.

CHẮP VÁ Ở NHIỀU MÔN HỌC

Sau 4 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, hiệu phó phụ trách chuyên môn của nhiều trường THCS, THPT tại TP.HCM cho hay ở một số môn hiện nay đang phải thực hiện chắp vá, chưa tạo được sự liền mạch nên chưa thể đạt kết quả cao nhất. Việc triển khai thực hiện dạy nội dung giáo dục địa phương, tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp… còn gặp khó khăn. Các hoạt động trong giờ học đôi khi vẫn còn biểu hiện hình thức, thiếu hiệu quả, chưa đúng bản chất. Giáo viên (GV) còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu đảm nhận toàn bộ môn học... dẫn tới việc triển khai thực hiện còn chưa đúng với tinh thần đổi mới, gây khó khăn, kém hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện.

Một hiệu phó trường THCS tại Q.1 (TP.HCM) thừa nhận không đủ GV để đáp ứng tốt chương trình. Chẳng hạn, chương trình mới có thêm nội dung hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục địa phương, dù được phân về các tổ chuyên môn nhưng do GV không chuyên nên chưa đảm bảo tốt các hoạt động.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Không học sinh đăng ký, nhiều môn thừa giáo viên- Ảnh 1.

Thực hiện chương trình giáo dục mới, nhiều trường thiếu trầm trọng giáo viên âm nhạc nhưng lại thừa ở các môn khác

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Cũng theo vị hiệu phó này, việc tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp còn nhiều vấn đề. Chẳng hạn phân bổ 105 tiết/năm, trung bình mỗi tuần có 3 tiết. Một số trường dành một tiết cho sinh hoạt dưới sân trường, một tiết cho GV chủ nhiệm và một tiết GV dạy theo chủ đề. Việc tổ chức trải nghiệm theo kiểu tập thể như vậy sẽ không đạt được yêu cầu như mong muốn và lại tăng áp lực số tiết cho GV.

Tương tự, ông Nguyễn Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết hoạt động giáo dục trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục địa phương không có GV chuyên trách nên ai cũng có thể phải tham gia đứng lớp sau khi tập huấn.

Một giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM từng nhận xét GV từ các lĩnh vực khác ngoài tâm lý học thường gặp khó khăn trong việc tiếp thu và áp dụng các khái niệm cơ bản của tâm lý học. Bên cạnh đó, theo giảng viên này, có bộ phận GV tham gia khóa đào tạo tư vấn và hướng nghiệp chỉ vì sự phân công chứ không phải từ đam mê cá nhân. Hệ quả là chất lượng công tác tư vấn giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hỗ trợ học sinh (HS), khiến HS không nhận được sự giúp đỡ đầy đủ và chất lượng cần thiết để phát triển cá nhân và nghề nghiệp. Điều này tác động không nhỏ đến hiệu quả của mục tiêu chương trình.

GIÁO VIÊN NHIỀU MÔN KHÔNG CÓ TIẾT DẠY

Một thực tế khác, theo lãnh đạo các trường, là khi thực hiện chương trình mới do HS được lựa chọn môn học nên đã nảy sinh tình trạng dôi dư GV cục bộ từng trường.

Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4, TP.HCM), theo ghi nhận của PV Thanh Niên, các môn công nghệ công nghiệp, công nghệ nông nghiệp hầu như không có HS lựa chọn. Chỉ một số ít HS có định hướng thi các ngành liên quan y, dược mới chọn môn sinh học.

Còn theo ông Nguyễn Quang Đạt, tại Trường THPT Tây Thạnh, xuất hiện tình trạng dư GV sinh học, công nghệ, tin học, giáo dục kinh tế và pháp luật. Như vậy những GV này không đủ số tiết nghĩa vụ (17 tiết/tuần). Chính vì vậy nhà trường phân công dạy các hoạt động giáo dục hoặc quy đổi sang các công tác như trực giám thị, trực văn phòng để đảm bảo cơ sở nhận lương, và là cơ sở để đánh giá tiêu chí xét thu nhập tăng thêm theo nghị quyết của TP.HCM.

Còn ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), cho biết chỉ tính riêng môn hóa học, trước đây, theo định biên nhà trường phải có đủ GV để dạy cho 15 lớp mỗi khối theo chương trình cũ nhưng nay khi chọn môn học theo chương trình mới thì mỗi khối chỉ có 4 lớp học môn hóa. Theo quy định, hiệu trưởng vẫn phải đứng lớp dạy một số tiết nhưng GV giờ còn thiếu tiết dạy nên ông Phú cho hay: "Chuyên môn của tôi là hóa học nhưng không thể dạy do GV dư quá nhiều. Tôi phải chuyển sang nghiên cứu môn giáo dục địa phương để dạy cho đủ số tiết theo quy định".

Cũng theo Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, GV thuộc tổ công nghệ cũng không có tiết dạy. Và nhà trường phải tìm mọi cách để phân công và chuyển đổi số tiết sao cho phù hợp và đảm bảo yêu cầu để nhận lương, thu nhập.

Theo ông Phú, tình trạng mất cân bằng, thừa thiếu GV mỗi trường mỗi khác. Tại một số trường, HS có xu hướng chọn các môn tự nhiên thì sẽ dư GV các môn xã hội hoặc công nghệ; ngược lại có trường HS chỉ chọn các môn xã hội, dẫn đến dư GV môn tự nhiên.

"Thông thường ở những trường tốp trên, HS chọn các môn khối tự nhiên thì GV các môn xã hội thiếu tiết dạy định mức và ngược lại. Do đó, nếu chỉ căn cứ vào dôi dư GV để tinh giản biên chế nhưng nếu "lỡ" năm nào HS có sự biến động thì các trường không thể tuyển bổ sung GV kịp thời", ông Phú nhận xét.

Thế nên ngoài những giải pháp trong nội bộ từng trường, ông Phú đề xuất nên chăng sau khi các trường hoàn tất biên chế lớp, các trường rà soát và báo cáo với Sở GD-ĐT để điều chuyển GV giữa các trường, có thể trong cụm với nhau để hạn chế việc trường A thì thiếu mà trường B lại thừa GV.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Không học sinh đăng ký, nhiều môn thừa giáo viên- Ảnh 2.

Khi thực hiện chương trình mới do học sinh được lựa chọn môn học nên đã nảy sinh tình trạng dôi dư giáo viên cục bộ từng trường

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH


THIẾU TRẦM TRỌNG GIÁO VIÊN ÂM NHẠC, MỸ THUẬT

Ngược lại, phần lớn các trường THPT hiện nay đều rơi vào cảnh thiếu trầm trọng GV âm nhạc và mỹ thuật do không có nguồn tuyển. Hiện rất nhiều trường THPT đang phải bỏ môn, phân môn vì thiếu GV 2 môn nghệ thuật này.

Vì vậy, ông Nguyễn Quang Đạt thẳng thắn thừa nhận: "Mục tiêu chương trình đưa ra là HS được lựa chọn môn học nhưng chưa thực hiện đúng nghĩa. Nếu cho các em chọn đúng nghĩa thì lấy đâu ra GV".

Ngoài ra, theo ông Đạt, hiện tại GV dù đã chuyển đổi từ việc dạy tập trung vào kiến thức sang hình thành phẩm chất và năng lực. Tuy vậy, đâu đó còn GV vẫn theo cách cũ. Trong đó có bộ phận GV không đọc kỹ và thực hiện theo yêu cầu cần đạt của chương trình mà vẫn cứ chạy theo sách giáo khoa. Trong đó không ít GV chọn phương cách an toàn là gom lại nội dung các bộ sách để dạy.

Một số trường chưa có đủ phòng chức năng theo quy định

Trong báo cáo gửi Bộ GD-ĐT về triển khai nhiệm vụ năm học mới vào đầu tháng 10, Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay TP vẫn còn có một số địa phương (Q.12, Bình Tân; H.Bình Chánh, Hóc Môn…) chưa đảm bảo điều kiện dạy học 2 buổi/ngày, một số trường chưa có đủ các phòng chức năng theo quy định của Chương trình GDPT 2018.

Một số trường có sĩ số HS còn quá đông, ảnh hưởng chất lượng học tập. Một số cơ sở giáo dục vẫn còn tình trạng thiếu GV nhiều môn, bộ môn nên phải hợp đồng, thỉnh giảng để đảm bảo đủ GV giảng dạy các lớp. Tình trạng thiếu GV chủ yếu tập trung các môn tiếng Anh, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật do không có nguồn GV dự tuyển.

Ngành GD-ĐT TP.HCM còn gặp khó khăn trong việc phát triển đội ngũ GV, đầu tư trong phát triển hệ thống trường, lớp tại một số quận, huyện, nhất là các quận, huyện có dân số đông.

Việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khóa gặp khó khăn về phương án bố trí thời gian thực hiện đảm bảo sự đồng thuận của các đối tượng HS tham gia với điều kiện tổ chức thực hiện của nhà trường.

GV tại các cơ sở giáo dục chưa được đào tạo chuyên sâu, ít kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống nên đa số cơ sở giáo dục phối hợp với doanh nghiệp để thực hiện. Một số cơ sở giáo dục chưa cung cấp đầy đủ thông tin của các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa cho phụ huynh HS đã gây ra một số nhầm lẫn, ngộ nhận là hoạt động giáo dục bắt buộc. Điều này đã làm ảnh hưởng chủ trương xã hội hóa giáo dục trong việc tăng cường các hoạt động trải nghiệm, thực hành, thực tế… cho HS.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.