Chương trình giáo dục phổ thông mới tăng tiết học nhưng định mức giáo viên chưa tăng

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
26/09/2023 18:36 GMT+7

Nhiều ý kiến nhà giáo băn khoăn tại sao chương trình giáo dục phổ mới tăng số tiết học, thêm một số môn học mới nhưng định mức giáo viên/lớp thì vẫn giữ như cũ.

Trong văn bản tổng hợp ý kiến băn khoăn, đề xuất của giáo viên gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mới đây có nội dung: "Khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường tiểu học, THCS dạy 2 buổi/ngày, số tiết học tăng so với chương trình 2006; ngoài ra, có một số môn học mới bắt buộc như ngoại ngữ, tin học. Tuy nhiên, định mức giáo viên/lớp theo quy định hiện nay (kể cả đã thực hiện tối đa) thì vẫn chưa phù hợp".

Chương trình giáo dục phổ thông mới tăng tiết học nhưng định mức giáo viên/lớp chưa tăng   - Ảnh 1.

Chương trình giáo dục phổ mới tăng số tiết học, thêm một số môn học mới nhưng định mức giáo viên/lớp thì vẫn giữ như cũ

B.Đ

Do vậy, nhiều ý kiến nhà giáo mong bộ trưởng quan tâm, chỉ đạo quy định lại định mức giáo viên/lớp đảm bảo tính khoa học, đúng thực tiễn hiện nay, đồng thời bố trí đủ biên chế phục vụ dạy học.

Xung quanh vấn đề này, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã có nhiều thay đổi với yêu cầu cao hơn để phù hợp với xu thế phát triển, đòi hỏi giáo viên thường xuyên cập nhật chuyên môn nghiệp vụ. Giáo viên phải sáng tạo hơn, vai trò của giáo viên chuyển mạnh từ vị trí là "người dạy" sang vị trí là người "tổ chức, kiểm tra, định hướng" hoạt động học của học sinh để phát triển phẩm chất, năng lực của người học và có một số môn học mới, bắt buộc.

Triển khai thực hiện Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10.9.2020 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ GD-ĐT đang triển khai xây dựng thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập phù hợp với điều kiện các vùng miền và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (thay thế Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT).

"Dự kiến, thông tư sẽ được ban hành trong năm 2023. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ tổng hợp báo cáo của địa phương để đề xuất bổ sung biên chế giáo viên đến năm 2026 theo quyết định của Bộ Chính trị để bảo đảm đủ giáo viên đứng lớp, đặc biệt khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018", Bộ GD-ĐT cam kết.

Đến tháng 8, theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên. Số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người so với năm học 2021 - 2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207 người, cấp THPT tăng 2.045 người).

Bộ GD-ĐT chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc tăng số học sinh học 2 buổi/ngày: cấp tiểu học tỷ lệ lớp học 2 buổi/ngày năm học 2022 - 2023 tăng 4,6% so với năm học trước (tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày, cần tăng thêm khoảng 3.000 giáo viên); cấp THPT tăng 669 lớp so với năm học trước.

Nguyên nhân nữa dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên tiếp tục trầm trọng hơn, theo Bộ GD-ĐT, do ở cấp tiểu học, tiếng Anh, tin học trước đây là môn tự chọn nay đưa vào chương trình bắt buộc từ lớp 3; bổ sung mới môn nghệ thuật cấp THPT…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.