Chuyên viên tư vấn bao gồm các thầy cô: Hà Phương Minh (Tổ trưởng Tổ Văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM), Ngô Minh Oanh (Trưởng khoa Sử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), Trần Văn Quang (Tổ trưởng Tổ Địa lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa TP.HCM), Bùi Văn Viện (giáo viên phụ trách đội tuyển chuyên Toán Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa), Nguyễn Thanh Bình (giáo viên Vật lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), Nguyễn Bác Dụng (giáo viên Hóa học, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa), Phan Kỳ Nam (Tổ trưởng Tổ Sinh học Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), Lê Quang Vinh (giảng viên khoa Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM).
Các bạn học sinh tại Hội trường đã đặt ngay các câu hỏi với các chuyên viên tư vấn
* Xin cho biết chương trình ôn tập môn Sinh.
- Thầy Phan Kỳ Nam: Chương trình Sinh học chủ yếu tập trung ở lớp 12. Tuy nhiên nội dung kiến thức lớp 12 có kế thừa một số kiến thức lớp 10 và lớp 11, ví dụ chương chủ yếu là cơ sở vật chất và cơ chế di truyền, một chương cực kỳ quan trọng, bài tập thường rơi vào kiến thức chương này - Các quy luật di truyền. Các đề thi năm trước, 60% câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12, còn lại thuộc kiến thức lớp 11 và lớp 10.
* Em thấy môn Vật lý rất khó. Xin các thầy cô hướng dẫn cách làm bài thi môn này.
- Thầy Nguyễn Thanh Bình: Để đạt được điểm tối đa các môn Toán, Hóa, Lý là rất khó. Phương pháp học từ nay đến khi thi: bài giáo khoa: đọc chậm; bài tập: đọc lại các dạng bài đã học từ trước đến giờ, lưu ý không nên học thêm bài mới. Những năm vừa qua, đề môn lý, điểm lý thuyết không nhiều, tuy nhiên học sinh không thể bỏ qua phần lý thuyết nếu muốn giải được bài tập. Ở thời điểm này, học sinh nên ôn theo trình tự ngược lại: Vật lý hạt nhân học trước, Quang lý, Quang hình, Địa và cơ... Hiện nay, khuynh hướng đề thi đại học là Hạt nhân quang lý được xem trọng nhiều hơn.
* Môn Văn khối D bao gồm kiến thức từ giai đoạn nào?
- Cô Hà Phương Minh: Kiến thức môn Văn thi cả 2 khối C và D đều bao gồm kiến thức văn học hiện đại, phần lớn ở lớp 12, một phần ở HK2 lớp 11. Đề thi trong 3 năm nay (cả khối C và D) đều có 3 phần câu hỏi: phần 1 kiểm tra kiến thức cơ bản trong SGK (3 điểm) - học và trả lời giống thi tốt nghiệp. Câu hai 5 điểm tương tự một bài văn, yêu cầu học sinh có kỹ năng làm bài. Câu 3 điểm đánh giá cao khả năng văn chương của thí sinh, thể hiện sự sáng tạo. Năm nay Bộ cũng triển khai phương hướng ra đề như vậy.
* Môn Sinh chú trọng lớp 12 hay rải đều ở 3 khối lớp? Khi học, chỉ học trong SGK hay cả tài liệu tham khảo?
Thầy Phan Kỳ Nam |
* Thi khối A, ôn từng môn như thế nào cho hiệu quả, nên sắp xếp thời gian học tập như thế nào?
- Thầy Nguyễn Bác Dụng: Riêng về môn Hóa: đây là môn cần sự chính xác cao. Phần thực hành là phần rất quan trọng: thực hành qua bài tập, qua thực tế cuộc sống, trong phòng thí nghiệm. Hiện thực hành trong phòng thí nghiệm chưa có điều kiện để áp dụng nhiều. Tuy nhiên, qua bài tập giáo khoa và qua thực tế cuộc sống, học sinh có thể phát huy trí tưởng tượng của mình.
Nguyễn Bác Dụng (giáo viên Hóa học, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) |
Hệ thống hóa kiến thức trong đề thi: Phần đại cương: 10% (kiến thức lớp 10 sẽ chiếm 10% trong đề thi, 15% lớp 11 và 75% lớp 12); Vô cơ: 40%; Hữu cơ: 50%. Lý thuyết và bài tập nhỏ: 50-60%; bài toán: 40%.
Lý thuyết chia làm 3 cấp: đại cương 1/6, vô cơ 2/6, hữu cơ 3/6. Phần toán: tập trung ở lớp 11 và 12, toán vô cơ và hữu cơ chiếm tỷ lệ tương đương. HS cần phân biệt chính xác các khái niệm trong kiến thức hóa (ví dụ nguyên tử - nguyên tố). Vì thời gian còn rất ít, những kiến thức cơ bản HS đã phải nắm được rồi, giờ là lúc hệ thống hóa lại toàn bộ chương trình hóa (như đã nói ở trên). Ví dụ: phần đại cương, cần nắm bài nguyên tử với các kiến thức cấu tạo nguyên tử, sự sắp xếp nguyên tử, nguyên tố; phần liên kết hóa học: mối liên kết ion, hóa trị… Các kiến thức từng bài không độc lập với nhau mà chúng có sự liên hệ với nhau, do vậy cách ôn là nắm kiến thức chung, tổng quát sau đó đi vào những kiến thức chi tiết. Hợp chất hữu cơ với các kiến thức định nghĩa, tính chất, đặc trưng… Sau khi nắm các phần cơ bản, nếu có điều kiện, HS đọc thêm các tài liệu ngoài giáo khoa. HS không nên sa đà vào những bài tập khó quá, nên xem lại những bài đã giải (tránh học thuộc đáp án); HS cũng cần dành thời gian làm toán nhiều vì khi giải bài toán là sự ôn lại lý thuyết tốt nhất.
* Trong đề thi ĐH thường có câu hỏi thêm không nằm trong kiến thức giáo khoa không? HS có được sử dụng những công thức không có trong SGK không?
- Các kiến thức trong SGK đủ để cho thí sinh làm bài thi 10 điểm. Những công thức ngoài SGK có được chấp nhận hay không còn tùy thuộc vào quan điểm chủ quan của người chấm.
Thầy Lê Quang Vinh
* Môn Tiếng Anh: Kiến thức cần, chỉ học trong SGK thì có đủ không?
- Thầy Lê Quang Vinh: Môn Tiếng Anh có đặc thù là không giới hạn như các môn học khác. Trong đề thi tiếng Anh hầu như không giới hạn. Cấu trúc bài thi gồm các phần chính: Văn phạm và viết yêu cầu thí sinh nắm vững văn phạm; từ ngữ: từ lớp 6 đến lớp 12, từ nào cũng có thể gặp trong bài thi; phát âm: yêu cầu thí sinh học từ không chỉ học nghĩa từ mà còn phải biết cách sử dụng, cách phát âm (dấu nhấn) của từ. Tóm lại, HS phải học hết, không những chỉ trong SGK mà cả các tài liệu liên quan.
Thầy Trăn Văn Quang
* Đề thi môn địa lý có thường cho vẽ bản đồ không? Làm cách nào vẽ bản đồ một cách dễ dàng và nhanh chóng?
- Thầy Trần Văn Quang: Trong những năm gần đây, yêu cầu vẽ bản đồ không còn được đề ra trong đề thi. Cách để nhớ: vẽ đường ven biển trước (chú ý tỷ lệ), vẽ phía trên đầu (phần giáp Trung Quốc), nhớ các chỗ lõm. Cách tốt nhất: luyện nhiều lần.
* Ở môn Văn, cùng một hình ảnh có nhiều ý kiến khác nhau, nên theo ý nào?
- Cô Hà Phương Minh: Đối tượng thi của HS là tác phẩm văn học, sự hiểu và tiếp nhận tác phẩm khác nhau là hiển nhiên. HS có thể đưa ra cách lý giải riêng, điều quan trọng là khi đưa ra lý giải phải phù hợp trên văn bản, hợp logic. Tác phẩm văn học trong nhà trường là một đơn vị kiến thức, giá trị cơ bản là bản chất của tác phẩm văn học mà học sinh đã được học trên lớp, trên cơ sở đó thí sinh đưa vào cảm nhận của mình.
* Đối với môn Anh văn nếu chỉ học trong SGK 12 thì tối đa được bao nhiêu điểm? Phần còn lại học ở đâu? Có phải phần còn lại trong giáo trình Streamline không? Cách hệ thống như thế nào?
- Thầy Lê Quang Vinh: Nếu nắm vững kiến thức trong SGK lớp 12 thì vẫn có thể làm bài tốt. Tuy nhiên, nếu chỉ học thuộc từ trong chương trình lớp 12 thôi thì không thể làm bài tốt. Đề thi không dựa hẳn vào một giáo trình nào. Dù giáo trình nào cũng tuân theo nguyên tắc văn phạm.
Cô Hà Phương Minh
* Xin cho biết những yêu cầu cần thực hiện trong thi môn văn khối D?
- Cô Hà Phương Minh: Môn văn, kể cả thi tốt nghiệp, thi đại học khối D và khối C, việc quan trọng đầu tiên là phải đọc tác phẩm, ít nhất là những trích đoạn trong sách giáo khoa, nhớ một cách chính xác. Yêu cầu thứ hai, đọc kỹ đề, xác định luận điểm làm bài, không đi lan man. Ngoài vận dụng những kiến thức học trên lớp, thí sinh cần vận dụng những kiến thức, vốn sống, cảm xúc của bản thân. Học sinh lưu ý tận dụng thời gian thi, phân bố thời gian làm bài hợp lý, tránh sa đà vào 1 phần.
* Môn Lý, những phần nào phải chú ý khi ôn, phần nào phải ôn trong chương trình lớp 10, 11? Trọng tâm môn lý nằm ở đâu? Cách học đạt hiệu quả cao? Phần lý thuyết trong đề thi rất nhiều, khả năng chú trọng vào đâu?
Thầy Nguyễn Thanh Bình
- Thầy Nguyễn Thanh Bình: Những năm gần đây, đặc biệt trong 3 năm vừa qua, đề thi môn Lý chỉ ra trong chương trình phổ thông, SGK cũng đã bỏ các phần không nằm trong đề cương ôn thi của Bộ. Khi phân phối đề thi, 90% kiến thức nằm trong lớp 12 - các câu hỏi đều bắt đầu từ kiến thức lớp 12, nhưng có những câu phải vận dụng kiến thức lớp 10, 11.
Cách ra đề thi môn Lý rải đều chương trình, không có trọng tâm. Tuy nhiên nên lưu ý những phần phổ biến. Cách làm an toàn nhất: trình bày bằng công thức, cuối cùng mới viết kết quả vào để tránh sai số cao. Thí sinh nên đọc kỹ toàn bộ đề thi, chọn những câu dễ làm trước, những câu đòi hỏi suy nghĩ nhiều làm sau.
HS không nên học tủ, cho đến giờ phút này, có thể ôn phần nào thì nên ôn phần đó, nên ôn theo thứ tự phần sau trước.
* Cho em hỏi bất đẳng thức Bunhiacopxki và Hệ thức Vi-ét bậc 3 có được sử dụng khi thi ĐH không?
- Thầy Bùi Văn Viện: Cả bất đẳng thức Bunhiacopxki và Hệ thức Vi-ét bậc 3 đều được sử dụng trong khi làm bài thi đại học.
Thầy Bùi Văn Viện
* Trong những tuần cuối nên ôn môn Toán thế nào để tự tin khi bước vào phòng thi? Nên chú trọng phần nào? Những câu khó trong đề toán thường ở dạng nào? Việc vận dụng những công thức ngoài giáo khoa?
- Thầy Bùi Văn Viện: Không có phần chú trọng và không chú trọng. Xuyên suốt bộ môn Toán là phần Hàm số với các ứng dụng của hàm số trong giải toán phương trình, lưu ý kỹ năng giải phương trình vì hầu hết các bài toán đều liên quan đến giải phương trình. Đề thi toán không có một câu lý thuyết nào nhưng muốn giải được bài tập phải vững kiến thức lý thuyết. Đặc biệt, HS lưu ý khâu tính toán. Những năm gần đây không có phần biện luận theo tham số m, vì vậy HS không nên sa đà vào những phần khó như thế này. Chỉ có phần xác định tham số m để phương trình có 2, 3,... nghiệm.
- Những năm gần đây, câu 5 là câu khó, không thể nói chắc nó nằm ở phần nào nhưng học sinh cũng nên lưu ý phần bất đẳng thức. Những công thức ngoài giáo khoa HS có thể áp dụng để tính toán rồi ghi kết quả vào bài thi, miễn không ghi công thức vào bài thi.
* Việc sử dụng từ viết tắt trong bài thi? Câu trả lời trong bài thi có bắt buộc giống y hệt SGK hay không?
- Thầy Nguyễn Bác Dụng: Trong bài thi tuyệt đối không nên viết tắt, hết sức bất lợi cho thí sinh.
Yêu cầu chung các câu trả lời trong bài làm là trả lời đúng ý chính, không bắt buộc phải đúng nguyên văn nguyên từ như trong SGK, trừ một vài trường hợp như định luật..
* Nếu làm bài như “Bài văn lạ” thì có được điểm không?
- Cô Hà Phương Minh: “Lạ” nếu hiểu theo nghĩa sáng tạo, vận dụng kiến thức ngoài giáo khoa, đưa cảm nhận vào bài làm trong phân tích tác phẩm, bài làm có thể được điểm cao. “Lạ” theo kiểu bài của Nguyễn Phi Thanh là không thực hiện đúng yêu cầu đề thi, chắc sẽ không được điểm.
Thầy Ngô Minh Oanh
* Các bài trọng tâm trong đề thi môn Lịch sử thường nhằm vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn có đúng không? Cách trình bày bài thi môn Sử, có giống bài môn Văn không?
- Thầy Ngô Minh Oanh: Chương trình lịch sử lớp 12 tập trung vào những sự kiện có tác động đến cả quá trình, giai đoạn của lịch sử dân tộc hay ảnh hưởng đến lịch sử thế giới và ngược lại. Quy trình ra đề thi bao gồm việc bốc thăm chọn vấn đề, chọn câu hỏi, do vậy không ai biết trước. Trọng tâm nằm ở tất cả các bài trong chương trình lớp 12, cả sử VN và TG.
- Cấu trúc bài làm môn Sử cũng gồm 3 phần giống bài văn: mở đề, giải quyết và kết luận. Thông thường, phần mở đề rất ngắn rồi đi vào nội dung. HS không nên trình bày theo dạng gạch đầu dòng mà nên viết thành từng câu từng ý rõ ràng, nếu cần phân biệt ý thì chia thành các đoạn nhỏ. Cần trình bày rõ ràng, mạch lạc, ngày tháng phải chính xác, lưu ý chữ viết phải rõ, dễ đọc.
* Thang điểm chấm thi bài môn văn có theo ý không hay theo tổng thể bài văn?
- Cô Hà Phương Minh: Trong đáp án có các ý về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật, tuy nhiên cũng không có ranh giới rạch ròi (về điểm) giữa các phần mà sẽ có sự đánh giá tổng thể bài văn.
* Có được phép mang bảng Tuần hoàn hóa học vào phòng thi?
- Theo quy chế của Bộ, không cho phép thí sinh mang bảng tuần hoàn Hóa học vào phòng thi trong kỳ thi ĐH-CĐ. Trên nguyên tắc, đề sẽ chỉ đề cập đến những nguyên tố được đề cập đến xuyên suốt trong cả chương trình, HS nên lưu ý dãy thứ 2 trong bảng tuần hoàn.
* Trong bài làm môn Lý có phải diễn giải từ công thức gốc?
- Nên trình bày từ công thức gốc.
* Có nên trình bày môn Lý bằng lời không?
- Nói chung là phải có lời giải, nhất là phần lý luận.
* Bài thi có cho phép vẽ bằng bút chì?
- Có thể vẽ bằng bút chì nhưng nên đồ lại bằng bút mực.
* Có quy định không được viết màu mực đen trong bài thi?
- Không có quy định thí sinh không được viết mực màu đen. Thí sinh có thể sử dụng bất cứ màu mực nào, trừ màu đỏ.
Lời khuyên cho các thí sinh 1. Về sức khỏe: Ăn ngon miệng, ngủ đủ giấc... 2. Về tinh thần: Thư giãn thoải mái, nhẹ nhõm. 3. Về kiến thức: Ôn tập đầy đủ các kiến thức; làm đầy đủ hoặc đọc qua tất cả các dạng bài tập. 4. Về phương pháp: Đọc kỹ đề thi; làm nháp trước khi viết vào bài thi; làm câu dễ trước, câu khó sau, trình bày bài làm rõ ràng, dễ nhìn; kẹp đầy đủ giấy nháp vào bài thi khi nộp. Vĩnh Thắng |
TNO - Ban Giáo Dục - Đào Ngọc Thạch
Bình luận (0)