Học để lấy bằng quốc tế Đó là các chương trình liên kết với các trường ĐH nước ngoài với 2 năm học tại Việt Nam và 2 năm chuyển tiếp. Như vậy là sinh viên có 2 năm “du học” tại Việt Nam thay cho 4 năm theo cách thông thường. Theo ông Trần Thái Trung, ĐH Quốc tế Sài Gòn, du học như vậy sẽ tiết kiệm hơn nửa chi phí. “Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn xét tuyển khối A, D1 cho bậc ĐH và CĐ các ngành Khoa học máy tính, Tiếng Anh, Quản trị du lịch, Thương mại quốc tế, Quản trị kinh doanh với bằng cấp có giá trị quốc gia và quốc tế. Trường có chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và chương trình chuyển tiếp du học Hoa Kỳ. Học 2 chương trình này được liên thông 2 năm cuối đến trường ĐH Suffolk - Boston, Hoa Kỳ để lấy bằng cử nhân và có thể học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ tại các trường ĐH Hoa Kỳ, Anh, Úc...” - ông Trung cho biết. Với ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM ngoài các ngành Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Quản trị kinh doanh, Công nghệ sinh học... được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh do trường cấp bằng, trường còn liên kết với ĐH Nottingham, ĐH West of England, ĐH Auckland University of Technology, ĐH New South Wales, 2 năm đầu học ở Việt Nam và 2 năm chuyển tiếp với nhiều ngành hấp dẫn như: Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh... Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn cũng liên kết đào tạo với trường ĐH Troy - Hoa Kỳ để cấp bằng, với 50% giảng viên nước ngoài và các giáo sư được đào tạo từ nước ngoài về. Chương trình đào tạo đặc biệt là gì?
Nguyễn Thanh Hà, học sinh trường THPT Trưng Vương thắc mắc: “Em thấy trường CĐ Công nghệ thông tin có chương trình đào tạo đặc biệt, vậy chương trình đó tuyển sinh như thế nào?”.
TS Trịnh Thanh Toản, đại diện trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM giải đáp: “Gọi là đặc biệt vì số sinh viên trong một lớp học chỉ 25-30, phòng học được nối mạng internet, kết hợp học lý thuyết và thực hành, mỗi SV được sử dụng riêng 1 laptop trong suốt thời gian học cho đến khi tốt nghiệp. Hằng năm, tuyển sinh 60 chỉ tiêu cho các chuyên ngành Kinh doanh thương mại, Điện tử công nghiệp, Điện tử viễn thông và Kế toán. Ngoài ra trường còn đưa chương trình CCNA của học viện CISCO Hoa Kỳ vào đào tạo chính khóa, SV sẽ được cấp chứng chỉ của học viện CISCO”.
Học sinh Đỗ Thị Lan hỏi: “Học lực em trung bình, em muốn học nghề thiết kế thời trang thì học ở đâu ạ?”.
Thạc sĩ Lê Văn Hồng, Đại diện trường CĐ Công nghiệp dệt may thời trang TP.HCM cho hay: “Trường chúng tôi đào tạo 10 ngành, trong đó có ngành may và thiết kế thời trang có lẽ rất phù hợp với các em nữ. Ngoài ra còn nhiều ngành khác để em chọn như Kế toán doanh nghiệp, Tài chính doanh nghiệp... Các ngành này thi khối A”. Ông Nguyễn Đức Hiếu, ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng cho biết: “Trong số 22 chuyên ngành thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, trừ 2 ngành học xong phải đi biển ra thì thì vẫn có nhiều ngành phù hợp với các em nữ như Vận tải đa phương thức, Quản trị Logictic và nhóm ngành kinh tế...”.
Báo Thanh Niên trao 7 suất học bổng Nguyễn Thái Bình, trong đó 2 suất nằm trong chương trình vườn ươm nhân tài Lienvietbank. Viễn thông Viettel Bình Định tặng 10 suất học bổng, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng. Các trường ĐH Văn Hiến, ĐH Hồng Bàng, ĐH Lạc Hồng, ĐH Marketing, CĐ Kỹ thuật công nghệ Đồng Nai, CĐ Kinh tế kỹ thuật miền Nam trao 14 suất trị giá 7 triệu đồng. Trường CĐ Kinh tế công nghệ trao 2 suất mỗi suất 1 triệu đồng. |
Mỹ Quyên
Bình luận (0)