Sau hơn 25 năm phát triển thiết bị bay không người lái, Bình Nhưỡng được cho là đang sở hữu các dòng UAV chiến đấu và có năng lực xâm nhập sâu vào lãnh thổ miền Nam.
UAV trong cuộc diễu binh tại Bình Nhưỡng - Ảnh: Sputnik News |
Vụ thiết bị bay không người lái (UAV) mới đây lại tiếp tục xâm nhập không phận Hàn Quốc ven khu phi quân sự liên Triều (DMZ) một lần nữa hé lộ phần nào chương trình UAV quy mô của CHDCND Triều Tiên.
UAV mang vũ khí hạt nhân ?
Theo Sputnik News dẫn lời nhà nghiên cứu quốc phòng Joseph Bermudez, CHDCND Triều Tiên đã tậu được UAV đầu tiên từ Trung Quốc khoảng từ năm 1988 - 1990.
Quá trình phát triển được khởi động hầu như cùng lúc với tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc về nỗ lực xây dựng phi đội UAV. Vào cuối năm 1993, Bình Nhưỡng được cho là đã bắt đầu tự sản xuất phiên bản Xian ASN-104 UAV của Trung Quốc, lấy tên ban đầu là Panghyon, nghĩa là “Lá chắn”. Phiên bản kế tiếp dựa trên dòng ASN-105 hiện đại hơn cũng được xuất xưởng.
Đến năm 1994, miền Bắc tiếp cận được các dòng UAV do thám Tu-143 Reys của Syria, chạy bằng động cơ phản lực tua bin. Có thông tin Bình Nhưỡng đã tiến hành trang bị vũ khí cho UAV này, có thể mang được vũ khí hạt nhân hoặc sinh học.
Cùng năm, các chuyên gia Triều Tiên mua 10 mẫu xuất khẩu của dòng Pchela-1T (Con ong) từ Viện Nghiên cứu khoa học Kulon của Nga. Mẫu này được xuất khẩu dưới cái tên Shmel-1 (Ong nghệ). Sản phẩm do Cục Nghiên cứu Yakovlev chế tạo, được kiểm soát qua màn hình, nhưng không thể xuất kích vào ban đêm. Bình Nhưỡng cũng muốn mua thêm nhiều UAV Pchela trong chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Kim Jong-il (1941-2011) vào năm 2001. Cũng vào thời điểm đó, Viện Kulon đã phát triển mẫu Pchela-1IK, có thể hoạt động bất kể ngày đêm nhờ vào hệ thống kiểm soát hồng ngoại.
Vào năm 2005, giới tình báo Hàn Quốc thu được một kế hoạch hành động của miền Bắc trong trường hợp nổ ra chiến tranh. Nội dung kế hoạch cho thấy giới lãnh đạo Bình Nhưỡng sẽ chỉ huy quân đội từ những boong ke đào sâu trong lòng đất, đưa ra những mệnh lệnh dựa trên thông tin tình báo thu được từ các vệ tinh gián điệp và UAV.
Mặc dù UAV lúc đó vẫn còn mới mẻ và Seoul tỏ ra hoài nghi về khả năng miền Bắc có đủ số lượng UAV để đáp ứng nhiệm vụ, nhưng giới chức tình báo miền Nam đã thừa nhận rằng kế hoạch này có thể đang được triển khai.
Phải đến năm 2010, Hàn Quốc mới lần đầu tiên biết được sự hiện hữu thực sự của UAV Triều Tiên, khi binh sĩ nước này phát hiện một UAV “lạ” tại giới tuyến trên Hoàng Hải. Khi đó, chiếc UAV dường như đang giám sát các hoạt động tập trận pháo binh của Triều Tiên và theo dõi phản ứng của đơn vị Hàn Quốc đóng gần đó. Quân đội miền Nam đánh giá UAV này thuộc dòng Tu-143 hoặc phiên bản của nó.
Chính thức xung trận
Vào tháng 2.2012, Hãng thông tấn Yonhap dẫn một nguồn tin quân sự cho biết Bình Nhưỡng đang phát triển UAV chiến đấu dựa trên dòng MQM-107 Streaker của Mỹ, mua từ một quốc gia Trung Đông (có thể là Syria hoặc Ai Cập).
Mẫu này xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc diễu binh chính thức tại Bình Nhưỡng vào tháng 3.2012. Một năm sau đó, các ảnh chụp trình chiếu trên Đài truyền hình Triều Tiên cho thấy UAV chiến đấu được triển khai trong một cuộc tập trận.
Tổng cộng 3 UAV được chụp ảnh trong lúc xuất kích, với một số phát nổ trên không khi đâm vào mục tiêu, trong khi số khác tấn công mục tiêu ở triền núi. Thế nhưng, phải đến tháng 4.2014 Hàn Quốc mới gióng hồi chuông báo động sau khi phát hiện 3 chiếc UAV mini của Triều Tiên trên địa phận nước này.
Các UAV được lập trình thông qua GPS với mục tiêu chụp ảnh những địa điểm chiến lược ở miền Nam, bao gồm phủ tổng thống tại Seoul. Nguyên nhân rơi là do hết nhiên liệu.
Kết quả giám định cho thấy đây là những phiên bản được điều chỉnh từ UAV Sky-09 và UV10 của Trung Quốc.
Ban đầu, tình báo miền Nam hoàn toàn “mù tịt” về các UAV này. Sau đó, các nhà phân tích đã tìm được hình ảnh của chúng trong các bức ảnh chụp nhà lãnh đạo Kim Jong-un thăm một căn cứ không quân hồi tháng 3.2013. Dựa trên phát hiện này, giới chức Hàn Quốc rút ra kết luận không mong muốn rằng miền Bắc nhiều khả năng đã triển khai thành công các sứ mệnh UAV trong lãnh thổ miền Nam mà chính quyền Seoul không hề hay biết.
Thế là quân đội Hàn Quốc vào cuối năm ngoái đã triển khai một mạng lưới radar nhằm phát hiện các UAV bay tầm thấp ở DMZ.
Hệ thống này giúp phát hiện 2 vụ xâm nhập của UAV miền Bắc vào tháng 8.2015 nhưng lực lượng Hàn Quốc đã thất bại trong việc ngăn chặn. Tình hình chỉ trở nên khả quan hơn trong thời gian gần đây. Cụ thể, vào ngày 13.1, các đơn vị bộ binh Hàn Quốc đã bắn cảnh cáo, đồng thời phát loa cảnh báo, buộc phía Triều Tiên phải rút thiết bị bay về.
Tấn công tự sát
Theo thống kê của Hàn Quốc, Triều Tiên có thể sở hữu khoảng 300 UAV các loại, một số đủ năng lực triển khai những vụ tấn công tự sát cũng như phục vụ cho mục tiêu gián điệp.
Bên cạnh vũ khí hạt nhân và tên lửa, UAV được đánh giá có thể mang lại lợi thế nhất định của quân đội Triều Tiên, chẳng hạn như cung cấp thông tin tình báo giúp khoanh vùng mục tiêu nã pháo, và đủ sức loại bỏ các mục tiêu quan trọng của Hàn Quốc mà không cần triển khai những vụ ám sát trực tiếp.
|
Bình luận (0)