Chụp ảnh khỏa thân nơi công cộng: Đừng vô cảm trước hành vi phản cảm

26/08/2024 15:35 GMT+7

Đã có không ít ý kiến bày tỏ sự bất bình, chỉ trích trước việc nhiều người ăn mặc phản cảm, chụp ảnh khỏa thân nơi công cộng.

Chụp ảnh khỏa thân nơi công cộng: Đừng vô cảm trước hành vi phản cảm- Ảnh 1.

Vụ việc cô gái chụp ảnh khỏa thân ngoài đường khiến dư luận bức xúc

Ảnh: T.L

Gần đây, vụ nhóm người chụp ảnh khỏa thân ven đường được lan truyền trên mạng xã hội, gây bất bình trong dư luận. Nhiều người lên tiếng chỉ trích, cho rằng đây là hành vi vô văn hóa, gây rối trật tự công cộng. Từ vụ việc này, đã có không ít ý kiến bày tỏ sự bất bình trước thực trạng nhiều người ăn mặc hở hang, phản cảm nơi công cộng hiện nay.

Bàn về vấn đề này, tiến sĩ văn hóa học Trịnh Đăng Khoa ( Phó hiệu trưởng Trường đại học Văn hóa TP.HCM) cho rằng người Việt Nam xưa nay quan niệm “người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”. Theo ông, câu nói này hàm ý về cách ăn mặc ngoài mục đích che thân còn để làm đẹp, thể hiện địa vị xã hội và thậm chí thông qua trang phục còn để khẳng định bản sắc dân tộc.

“Chuyện ăn mặc là của cá nhân, phản ánh quan niệm cái đẹp của chính bản thân người mặc, nhưng đồng thời cũng chịu sự chi phối của các chuẩn mực xã hội (chuẩn mực thành văn như pháp luật và chuẩn mực bất thành văn như quan niệm, phong tục, tập quán, dư luận...). Cái đẹp nói chung và cái đẹp của văn hóa mặc cần được hài hòa giữa cái tôi và cái ta chung đó. Nhất là cái ta chung của một dân tộc nhiều đời nay đều ca ngợi sự kín đáo, thùy mị, nết na, tinh tế…”, tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa nhìn nhận.

Chụp ảnh khỏa thân nơi công cộng: Đừng vô cảm trước hành vi phản cảm- Ảnh 2.

Nhiều người cho rằng cần có biện pháp xử lý nghiêm với những hành vi phản cảm

Ảnh: T.L

Theo Phó hiệu trưởng Trường đại học Văn hóa TP.HCM, mỗi người có quyền tự do ăn mặc theo “gu thẩm mỹ” của mình, song sự đánh giá thuộc về xã hội. “Văn hóa của xã hội chính là tấm lưới để 'gạn đục khơi trong', loại bỏ những cái phản cảm. Tôi tin rằng, văn hóa thẩm mỹ của đại đa số người dân Việt Nam sẽ là một thứ miễn dịch mạnh mẽ để kháng cự và loại bỏ những cái không đẹp ra khỏi nền văn hóa mặc vốn dĩ kín đáo, tinh tế mà bao đời nay chúng ta đã thống nhất gìn giữ, phát huy”, ông chia sẻ.

Đồng thời, tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa nhấn mạnh biện pháp văn hóa khi cho rằng “cái phạt bằng văn hóa sẽ hữu hiệu hơn phạt hành chính qua giá tiền. Cần phạt bằng giá trị chứ không chỉ là giá tiền”.

Liên quan đến việc ăn mặc, chụp ảnh phản cảm, cô Thanh Tuyền - giáo viên một trường quốc tế tại TP.HCM nhận định nhiều người muốn nổi bật, tạo dựng “thương hiệu cá nhân” nhưng bất chấp chuẩn mực xã hội và quy định của pháp luật. “Như việc chụp ảnh khỏa thân trên đường phố, mục đích thì chỉ người trong cuộc hiểu. Nhưng rõ ràng, nó đang là dấu hiệu cho thấy sự 'tha hóa' trong suy nghĩ, đáng báo động cho những hành vi phản cảm”, Thanh Tuyền đánh giá.

Theo cô Thanh Tuyền, những hành vi này nếu không bị xử lý nghiêm, đủ tính răn đe sẽ dẫn đến việc “bình thường hóa sự bất bình thường”. Cô thẳng thắn: “Nếu những suy nghĩ và hành động này không có hình phạt, con người sẽ dần vô cảm trước hiện tượng, hành vi phản cảm. Đây là vấn đề đáng báo động, đặc biệt nó ảnh hưởng đến các bạn học sinh đang ở độ tuổi 'học' để thành người”.

Luật sư nói gì?

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Đăng Tư (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết đối với hành vi khỏa thân nơi công cộng, tùy theo mục đích cụ thể mà pháp luật có những quy định khác nhau.

Ví dụ, nếu khỏa thân nơi công cộng nhằm mục đích khiêu dâm kích dục thì hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 5 - 8 triệu đồng theo quy định tại khoản 5, điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Trường hợp khỏa thân nhằm chụp ảnh nghệ thuật thì hiện nay chưa có quy định về việc xử phạt mặc dù hành vi này cũng có thể gây phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.