Chụp hình 'bóc phốt' người khác, coi chừng vi phạm pháp luật

02/03/2023 09:00 GMT+7

Tận dụng sự phát triển của mạng xã hội mà nhiều người có xu hướng gặp chuyện gì cũng chụp hình, quay phim đăng tải lên mạng xã hội "bóc phốt" để cầu mong sự công bằng hay thương hại cho bản thân...

Tuy nhiên, nếu không cân nhắc kỹ câu chuyện thì không chỉ không tìm được sự đồng cảm mà còn bị chỉ trích và thậm chí là vi phạm pháp luật.

Đừng vì một câu chuyện cỏn con mà làm ồn ào trên mạng xã hội

Mạng xã hội ngày nay là một trợ thủ đắc lực cho mỗi người vì tốc độ lan truyền thông tin “chóng mặt”. Bên cạnh những thông tin tích cực, kiến thức bổ ích, thì nhiều người cũng sử dụng mạng xã hội để tìm lại sự công bằng cho bản thân, kêu gọi sự giúp đỡ hay mưu cầu lòng thương hại “chóng vánh” của cư dân mạng.

Đừng hở chút là chụp hình ‘bóc phốt' người khác, coi chừng vi phạm pháp luật? - Ảnh 1.

Đăng bài "bóc phốt" cô gái không nhường ghế cho con mình trên xe buýt nhưng một bà mẹ lại nhận về "gạch đá" vì cộng đồng mạng cho rằng chuyện không đáng

CHỤP MÀN HÌNH

Không thể phủ nhận mạng xã hội từng là nơi giúp đỡ cho những con người thật sự gặp khó khăn, có câu chuyện khuất tất khó giãi bày từ đó nhận được sự giúp đỡ của xã hội. Tuy nhiên, trước khi đăng tải một thông tin nào đó, chúng ta cần suy xét như ông bà ta đã dạy “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, đừng vì một câu chuyện cỏn con mà làm ồn ào trên mạng xã hội.

Dương Minh Đăng, sinh viên Trường ĐH Văn Lang chia sẻ: "Mình thật sự mệt mỏi vì nhiều người dạo này cứ có chuyện gì cũng mang lên mạng xã hội. Ai cũng nghĩ mình là nạn nhân, là người bị hại và mong muốn nhận được sự sẻ chia của hàng triệu người trên đó. Phải chăng họ đang bị thiếu năng lực giải quyết vấn đề hay mong muốn đóng vai nạn nhân quốc dân".

Đồng quan điểm với Minh Đăng, Ngô Anh Minh (26 tuổi), ngụ tại 228 Thạch Lam, P.Phú Trung, Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết khi có mâu thuẫn hay khúc mắc gì thì nên cùng nhau chia sẻ, giải quyết trong êm đẹp, càng ít người biết càng tốt. Theo Minh con người ai cũng có những giây phút mất kiểm soát về mặt cảm xúc, không thể kiềm chế được lời nói và hành động của bản thân trong một sự việc nào đó.

"Vì vậy, khi đối mặt với vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi, không phù hợp ở quan điểm sống thì nên trao đổi thẳng thắn với nhau. Nếu vấn đề không quá nghiêm trọng thì đừng bao giờ đăng tải lên mạng xã hội, chín người mười ý, biết đâu người bị ném đá không phải là đối phương mà là chính mình", Minh chia sẻ.

Những ngày gần đây, mạng xã hội "dậy sóng" với câu chuyện một bà mẹ vì con không được nhường ghế trên xe buýt mà chụp hình, đăng bài viết "bóc phốt" một cô gái. Những tưởng cộng đồng mạng sẽ thấu hiểu, chỉ trích và tìm lại công bằng cho chủ nhân bài viết thì ngược lại, “gạch đá” bất ngờ đổ dồn vào người mẹ kia. Nhiều người đã cho rằng nhường hay không là sự tự nguyện, không phải trách nhiệm và nghĩa vụ của riêng ai.

Tự nguyện và xuất phát từ lòng nhân ái...

Bày tỏ suy nghĩ về câu chuyện trên, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết: “Theo phép lịch sự chung, khi đi trên các phương tiện công cộng như tàu điện ngầm hay xe buýt, nếu có người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em xuất hiện, họ sẽ được nhường chỗ. Nhưng có thể thấy điều đó lại không xảy ra tại Nhật Bản. Người Nhật vốn rất coi trọng sự bình đẳng. Ai lên tàu trước sẽ là người có ghế. Lòng tự trọng cao khiến họ không cho phép mình được người khác nhường nhịn hay đòi hỏi quyền lợi từ ai. Họ không muốn nhận thứ không thuộc về mình”.

Luật sư Bình nói thêm: “Tại Việt Nam, thời gian gần đây, việc tạo dựng văn hóa giao thông trên các phương tiện giao thông công cộng được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Các đơn vị, cá nhân liên quan đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao trách nhiệm, thái độ và chất lượng dịch vụ để phục vụ hành khách. Bên cạnh đó, làm sao để xây dựng nên văn hóa ứng xử cho mọi người đi xe để chuyến xe không chỉ đơn thuần là một không gian đi lại với điểm đầu và điểm cuối mà hơn thế nó là một chuyến xe của sự thân thiện và gần gũi”.

Theo luật sư Bình, hiện nay chỗ ngồi ưu tiên không được pháp luật quy định mà do các công ty đường sắt và công ty xe buýt tự đặt ra. Do đó, nó không có tính ràng buộc pháp lý và không trao cho một người nào đó quyền được ngồi ghế ưu tiên hoặc nghĩa vụ từ bỏ ghế ưu tiên. Luật sư nói tiếp đó là quy tắc xuất phát từ tinh thần nhân ái, vì vậy khi bạn sử dụng phương tiện giao thông công cộng, điều quan trọng cần nhớ là mọi người ở nhiều độ tuổi, vóc dáng và thể trạng đều có thể sử dụng và tự nguyện tuân theo các quy tắc về ghế ưu tiên.

Chụp hình người khác "bóc phốt" trên mạng xã hội, coi chừng vi phạm pháp luật

Còn với hành vi chụp hình khi chưa được sự đồng ý của người khác, luật sư Bình cho biết: "Đó là vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân theo quy định tại Điều 32, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015. Trường hợp này, người bị xâm phạm có thể yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện lên tòa án theo quy định pháp luật để yêu cầu bồi thường”.

Luật sư Bình nói thêm: “Trường hợp người quay phim đăng video về người khác lên mạng xã hội, thì có thể bị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng, cho hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích, theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”.

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, nếu việc đăng tải hình ảnh, video gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nêu như sau:

Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.