Dấu xưa
Phải từ thế kỷ 19, vào năm 1836 dưới thời Minh Mạng triều Nguyễn, hành chính nước ta mới thống nhất liền một dải. Cà Mau lúc này thuộc huyện Long Xuyên, tỉnh Hà Tiên. Trong địa bạ của triều Nguyễn, một số địa danh của Cà Mau được nhắc đến, đó là Đảo Vu (tức đảo Hòn Khoai) với nguồn nước ngọt quanh năm. Biển Cà Mau được mô tả với nhiều sản vật như hải sâm, đồi mồi, hàu, tôm, cá cơm, ốc tai voi... Ngoài ra, Cà Mau còn được triều đình đặt nhiều bảo lũy, cửa tấn như Thủ sở Bình Giang (có ý kiến cho rằng là ở ngay TP.Cà Mau ngày nay) và hàng loạt cửa biển trọng yếu có đặt lính trú phòng như Bồ Đề, Tam Giang, Hiệp Phố (Bảy Háp), Hoàng Giang (cửa Ông Đốc). Điều đáng nói, cả tỉnh Hà Tiên chỉ có 3 chợ lớn thì trong đó Cà Mau có chợ Hoàng Giang.
Theo sử liệu, Cà Mau là nơi nhiều rừng trầm thủy, đặc biệt là tràm, đước, sú, vẹt. Dân có nghề ăn ong, làng nghề gọi là "thuộc hoàng lạp". Thuế nộp về triều đình là sáp ong vàng. Còn một nguồn lợi khác mà người Cà Mau nay ít còn hồi ức, đó là "điểu đình". Đại Nam nhất thống chí ghi: "Những chim ở ngoài biển đến đậu từng bầy không biết muôn ngàn nào mà kể". Thường đến kỳ thì dân lấy lông cánh mà bán cho thương lái (chủ yếu là người Hoa). Một số vườn chim nổi tiếng được nhắc đến là Chắc Băng, Đầm Dơi, Cổ Cò, Cái Nước... Ngoài ra, các sản vật vùng Cà Mau thường gắn liền với địa danh, như: than Năm Căn, chiếu Tân Duyệt, mật ong U Minh, ba khía Rạch Gốc, cá thác lác Cái Tàu... Hiện nay, Cà Mau vẫn còn lưu giữ được một số sản vật với cái tên từng vang danh thuở trước như ba khía Rạch Gốc, mật ong U Minh...
Nhiều người thường nghe nói "người Cà Mau dễ thương vô cùng", nhưng chỉ khi nào tận mắt, tận tay, tận lòng mình trải nghiệm thì mới biết đó không là câu nói sáo rỗng, cửa miệng cho vui. Xứ sở này, con người nơi này, giàu có nhất vẫn là tấm lòng hiếu khách.
Đại Nam nhất thống chí ghi lại một số đặc trưng về sinh hoạt, tính cách và văn hóa người Cà Mau xưa: "Kẻ sĩ biết chữ, dân siêng làm ăn, ở gần biển thì làm nghề lưới đáy, cắm đăng để bắt cá. Ở gần rừng thì bắt chim và tổ ong để bán. Người quân tử hay thích điều nghĩa, siêng năng việc công. Kẻ bình dân thì an thường, thủ phận, không gian tham trộm cướp... Tính người mau lẹ, nữ công tinh xảo... Tang chế, lễ nghi theo Nho và cũng theo Phật".
Nhà Nam bộ học Sơn Nam cho rằng, muốn hiểu đất và người vùng Tây Nam bộ, không có gì khác ngoài thành tựu khẩn hoang thành công ĐBSCL, trong đó có vùng đất Cà Mau. Ông Sơn Nam mô tả, quá trình khẩn hoang của lưu dân từ việc "phát dọn, cày bừa, lập vườn, bảo vệ và tô điểm thiên nhiên". Tức là con người biết "tri hành" vừa tiếp thu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo để thích ứng, thích nghi, từ đó sống hài hòa với tự nhiên, chớ không đặt mình ở vị trí người chủ chinh phục và khai thác.
Về để thương, để nhớ
Cà Mau tự hào là vùng đất mới, nhưng có những chỉ dấu riêng trong điều kiện tự nhiên và đặc tính, bản sắc văn hóa của con người. Dòng lưu dân về Cà Mau không chỉ đặt mục tiêu sinh tồn đơn thuần, mà còn kiến tạo nên những giá trị văn hóa - tinh thần, nối dài linh khí ngàn đời của dân tộc. Xứ Giao Khẩu (nay là xã Tân Phú, H.Thới Bình) mấy trăm năm trước đã có "Miếu ông Vua" thờ Vua Hùng, truyền đời đến nay đã trở thành nơi Giỗ Tổ ở miệt cuối đất phương Nam.
Người Cà Mau trọng lẽ phải, đứng về lẽ phải; khi có cường quyền, áp bức là nhất tề đứng dậy đấu tranh, khi có giặc thì đánh giặc. Từ những câu chuyện dân gian về tiễu trừ bọn cướp biển nhũng nhiễu của cư dân vùng biển Viên An, cho đến cuộc khởi nghĩa của anh em anh hùng nông dân Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự đứng lên đánh Pháp... đã minh chứng cho lẽ sống ấy. Trong thời đại Hồ Chí Minh, Cà Mau là căn cứ địa kháng chiến, là nơi diễn ra sự kiện 200 ngày đêm tập kết ra Bắc, nơi cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khởi thảo bản Nghị quyết 15 (1959) có ý nghĩa lớn lao đưa cách mạng miền Nam tới ngày toàn thắng 30.4.1975.
Đất nước thống nhất, người Cà Mau chung tay xây dựng quê hương. Rừng tràm, rừng đước trở thành tài nguyên du lịch độc đáo của Cà Mau. Rừng không chỉ có đước, có mắm, có tràm, mà nuôi nấng trong lòng mình muôn vàn sản vật nức tiếng, đủ sức chinh phục, chiều lòng mọi du khách gần xa. Phía tràm xanh, chỉ cần ăn bữa cơm dân dã có con cá đồng, nếm vị mật ong U Minh Hạ, uống ly rượu trái giác, lắng lòng trong điệu vọng cổ da diết..., du khách bịn rịn không muốn rời xa. Về rừng đước, ăn cua, tôm Cà Mau, bùng nổ vị ba khía muối trên đầu lưỡi, tò mò thử vị con cá leo cây (cá thòi lòi) nướng, nghe đất bãi bồi cựa mình lắng từng giọt phù sa... Bấy nhiêu thôi cũng đủ lý do để ai cũng nên trải nghiệm một lần trong đời.
Về miệt đồng, ăn bữa cơm gạo mới thơm lừng cùng với mấy món chế biến đơn giản như tôm càng kho tàu, tôm càng nướng hoặc con cá lóc nướng trui, mớ đọt choại luộc cũng thấy ấm lòng. Nhà nào tươm tất hơn sẽ bày ra món lẩu mắm trứ danh, rau tạp tàng sẵn có sau vườn, ăn mà thấy thèm chớ chẳng bao giờ biết no. Hay một chuyến đi đầm Thị Tường, giữa bao la sông nước, ăn loài cá có cái tên thiệt ngộ là cá vồ chó, rồi nghe kể chuyện cổ tích còn mới nguyên về xứ sở này, như chuyện đi chài cá tôm, chỉ một buổi phải thả bớt cá tôm lại đầm vì sợ chìm xuồng... Quà cầm tay về, khách mang cây bồn bồn Cái Nước, lạ lùng, dân dã mà cái ngon không biết sao tả cho đầy đủ; là khô cá bổi U Minh, Trần Văn Thời... hương vị thơm ngon không đâu sánh bằng.
Và khi về Cà Mau, ai cũng nên nhớ tìm ít nhất một người quen làm bạn đồng hành. Nhiều người thường nghe nói "người Cà Mau dễ thương vô cùng", nhưng chỉ khi nào tận mắt, tận tay, tận lòng mình trải nghiệm thì mới biết đó không là câu nói sáo rỗng, cửa miệng cho vui. Xứ sở này, con người nơi này, giàu có nhất vẫn là tấm lòng hiếu khách.
Mời bạn về Cà Mau, chí ít là một lần, để thương, để nhớ và đừng để lòng băn khoăn vì trở ngại "nghe nói Cà Mau xa lắm!". Chớ thật ra, Cà Mau giờ đã gần lắm, dễ đi lắm và đang sửa soạn để duyên dáng hơn, đẹp hơn chào đón mọi người.
Bình luận (0)