Chuyển 3 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công, hoàn thành năm 2022

Lê Hiệp
Lê Hiệp
19/06/2020 09:31 GMT+7

Với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết chuyển đổi 3 dự thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư bằng ngân sách nhà nước.

3 dự án được Quốc hội đồng ý chuyển sang đầu tư công bao gồm dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết; dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý nghị quyết này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, trong quá trình thảo luận, một số ý kiến không tán thành việc chuyển đổi 2 dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây vì cho rằng 2 dự án này có tiềm năng, khả thi nhất để thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) và đề nghị Chính phủ cần lựa chọn dự án khác để chuyển đổi.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc chuyển đổi sang đầu tư công là cần thiết, cấp bách nhằm sớm giải quyết nhu cầu giao thông lớn (nhu cầu vận tải lớn nhất trong 11 dự án thành phần) do kết nối với cửa ngõ các trung tâm kinh tế, chính trị lớn nhất của cả nước (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh).
Bên cạnh đó, 2 dự án này, mặc dù đã có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, nhưng có tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia ít, cần huy động số vốn ngoài ngân sách lớn, nhất là vốn tín dụng, vì vậy việc lựa chọn được nhà đầu tư có thể gặp khó khăn.
Việc chuyển đổi 2 dự án thành phần này sang phương thức đầu tư công sẽ bảo đảm khả năng thành công cao hơn cho các dự án thành phần.
Với phương án chuyển đổi này ngân sách nhà nước sẽ bổ sung vốn đầu tư cho dự án 23.461 tỉ đồng.
Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ trình Quốc hội bố trí vốn theo quy định và điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm một cách hợp lý, linh hoạt, hạn chế các tác động đến nợ công và trần nợ công. Bên cạnh đó, các dự án sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền để thu hồi vốn nhà nước, đây cũng là giải pháp phù hợp để huy động nguồn lực xã hội và giảm thiểu tác động đến nợ công.
Ông Thanh cũng cho biết, việc chuyển đổi phương thức đầu tư chỉ thực hiện đối với 3 dự án thành phần như Chính phủ trình. Các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP còn lại vẫn được thực hiện theo đúng quy định tại nghị quyết trước đây của Quốc hội.
Đối với các dự án chuyển đổi từ phương thức đầu tư PPP sang đầu tư 100% vốn đầu tư công, dự thảo nghị quyết yêu cầu các dự án phải hoàn thành chậm nhất là cuối năm 2022.

Đấu thầu không thành công sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, hiện nay, dù 5 dự án còn lại đều có từ 2 nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, tuy nhiên chưa thể khẳng định việc đấu thầu sẽ lựa chọn được nhà đầu tư, do còn phụ thuộc vào kết quả đấu thầu.
Ngoài ra, trong trường hợp có nhà đầu tư trúng thầu, thì sau khi ký kết hợp đồng dự án, nhà đầu tư có tối đa 6 tháng để huy động vốn tín dụng.
Sau thời hạn nêu trên, trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, sẽ phải hủy hợp đồng, tịch thu bảo lãnh và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Việc tham gia đấu thầu của nhà đầu tư và việc quyết định cung cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại được thực hiện theo cơ chế thị trường, phụ thuộc chủ yếu vào tính hấp dẫn, mức độ rủi ro của từng dự án...
Do vậy, trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định tại nghị quyết Quốc hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.