Bà Nguyễn Thị Ngát mà mọi người hay thân mật gọi là bà Ngát "tiết kiệm điện" ở xóm tôi người phụ nữ có thân hình nhỏ bé, trắng trẻo, hiền lành. Bà luôn tảo tần, chịu khó và luôn gần gũi với mọi người dù năm nay đã bước sang tuổi 69.
Bà Ngát rời quê nhà Thái Bình lên phố giúp việc cho một gia đình ngay cạnh nhà tôi (Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội). Là vợ liệt sĩ, bà có chồng hy sinh năm 1979 trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc.
Suốt 16 năm đau khổ héo mòn vì nhớ thương người chồng, mới ở bên nhau chưa đầy 6 tháng thì ông lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Mãi đến năm 35 tuổi, bà mới đi bước nữa để có chỗ nương tựa lúc tuổi già. Nhưng đúng là "trăm đường tránh chẳng khỏi số", người chồng sau của bà không được khôn ngoan nhanh nhẹn, lại hay ốm đau bệnh tật, chỉ quanh quẩn ở nhà. Mọi lo toan, gánh nặng gia đình đổ hết lên đôi vai người phụ nữ gầy gò mảnh khảnh, chưa đủ nổi 40kg. Vì vậy mà cả nhà đều trông chờ vào đồng lương giúp việc hàng tháng gửi về của bà…
Có lẽ cũng do hoàn cảnh thiếu thốn, vất vả từ nhỏ mà tiết kiệm đã trở thành thói quen của bà Ngát, nhất là khả năng tiết kiệm điện thì không ai bì kịp.
Quần áo của mọi người trong nhà bà thường gom lại để giặt tay, thi thoảng mới cho vào máy. Vì sợ tốn điện, bà cứ bảo giặt tay cho khỏe người mà quần áo ít nhăn, nhàu. Quạt máy thì bà cũng chỉ bật số vừa phải. Lúc nào không dùng, bà rút hẳn phích ra khỏi ổ cắm. Các đồ dùng khác như ti vi, nồi chiên không dầu, ấm điện, các loại máy xay… cũng vậy, dùng xong là bà tắt bằng công tắc hoặc rút phích chứ không để chế độ đèn báo, vừa hại thiết bị, vừa tốn điện, lại lo chập cháy.
Đối với nồi cơm điện, bà chỉ nấu trước bữa ăn ít phút, vừa đủ độ chín ngon, không để nấc ủ mà tốn thêm điện. Ban ngày, bà thường mở các cửa cho nhà thông thoáng, tận dụng ánh sáng tự nhiên. Điều hòa khi bật, bà cũng chỉ để 27oC trở lên. Còn riêng mình, bà gần như không dùng điều hòa vì... lạnh, dễ bị ốm mà chỉ dùng quạt. Bình nước nóng, bà cũng chỉ bật trước 10 - 15 phút, khi có ai vào tắm là tắt đi cho an toàn và đỡ hao phí.
Buổi tối trước khi đi ngủ, bao giờ bà cũng kiểm tra lại tất cả các đồ điện xem đã tắt hết chưa rồi mới yên tâm.
Không chỉ những việc nhỏ, là quần áo bà cũng rất biết cách xử lý để không tốn nhiều điện, bằng cách điều chỉnh nhiệt độ cao thấp cho phù hợp với từng chất liệu vải: dày là trước, mỏng là sau.
Đặc biệt, bà không cắm rút phích ra vào liên tục làm tiêu tốn một lượng điện nhiều hơn do bàn là phải làm nóng lại từ đầu và còn nhanh hư hỏng. Những quần áo còn ướt, bà để riêng, phơi khô rồi mới ủi.
Đối với tủ lạnh, bà sắp xếp rất thứ tự, gọn gàng theo từng loại thực phẩm, cái nào để ngăn mát, cái nào để ngăn đá, cái nào dùng trước, cái nào dùng sau. Bà Ngát còn thường xuyên vệ sinh sạch sẽ các ngăn tủ, bỏ bớt những thứ để lâu, không mở ra mở vào nhiều lần. Không chỉ vậy, bà còn rất có ý thức trong việc tiết kiệm nước, thích trồng và chăm sóc cây xanh. Những chậu cây ở ban công quanh năm xanh tốt, vừa đẹp cảnh quan, vừa có rau sạch để cả nhà dùng.
Nhờ việc tiết kiệm điện hằng ngày mà mỗi tháng gia chủ của bà Ngát chỉ phải đóng chưa đến 400 ngàn đồng tiền điện, ngoài sức tưởng tượng của mọi người. So sánh với tháng bà về quê... nghỉ phép năm, ai cũng... phát hoảng vì số điện trong nhà tăng vọt lên hơn cả triệu đồng. Bà Ngát xóm tôi không chỉ được mọi người thương quý mà ai cũng học bà ở thói quen tiết kiệm điện, vì bà rất thông mình, chỉ cần hướng dẫn một lần là tường tận.
Bà Ngát trở thành tấm gương tiết kiệm điện của xóm tôi để mọi người cùng ngưỡng mộ và học hỏi.
Bình luận (0)