Chúng tôi đến nông trường Ia Ko, Công ty cao su Chư Sê vào một sáng đầu thu. Hai bên đường, những vườn cao su xanh ngắt trải dài đến vô tận. Ngồi trên xe, lãnh đạo công ty nhắc mãi đến anh Trần Hữu Thắng, 38 tuổi - là công nhân đã có 5 kỳ liên tiếp đoạt danh hiệu Bàn tay vàng, kiện tướng của ngành cao su.
Buổi sáng ở nông trường Ia Ko, hàng trăm công nhân đang hối hả đưa những đường cạo uốn lượn trên thân cây cao su. Theo đường cạo tỉ mẩn, dòng nhựa trắng từ thân cây cũng bắt đầu chảy dài xuống chén hứng mủ.
Hòa chung vào khung cảnh tất bật ấy, anh Trần Hữu Thắng cũng say sưa đưa từng đường cạo hết cây này đến cây khác. Chốc chốc anh lại đưa tay gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt.
Thấy chúng tôi, anh Thắng tạm dừng công việc rồi kéo những vị khách đến khu vực thoáng gió nói chuyện để tránh muỗi vì mùa mưa trong rừng cao su xuất hiện muỗi rất nhiều. Anh Thắng sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo khó ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Cảnh nhà khó khăn, anh phải tạm dừng việc học để phụ giúp cha mẹ nuôi các em.
Nhà có ít ruộng, trồng lúa bao năm cũng chẳng khấm khá hơn, năm 18 tuổi anh quyết định vào huyện Chư Sê (Gia Lai) lập nghiệp. Năm đầu tiên đến với vùng đất đỏ Tây nguyên, anh Thắng phụ việc cho gia đình một người thân. Thời gian này anh cũng đôi lần được tiếp xúc với cây cao su và không khỏi ngạc nhiên, thích thú khi thấy cách khai thác mủ.
"Hồi trước ở quê mình chỉ quen thu hoạch các loại củ, quả, hạt chứ có bao giờ thấy ai thu hoạch bằng cách lấy mủ cây đâu. Đến lúc vào đây thấy cây cao su có cách khai thác lạ lùng nên mình rất ngạc nhiên, thích thú", anh Thắng tâm sự.
Một năm sau, Công ty cao su Chư Sê có đợt tuyển công nhân, để có công việc ổn định, anh Thắng liền đăng ký. Ngay sau khi công ty tuyển dụng, anh Thắng được đào tạo kỹ thuật khai thác mủ cao su. Những ngày đầu, tay chân anh cứ lóng ngóng chẳng biết cạo thế nào cho đúng. Những vết cạo lúc thì nông quá không ra mủ, lúc thì sâu quá ăn phạm vào thân gỗ, lúc lại ngập ngừng không liền mạch. Sau một thời gian được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cụ thể, đường cạo của anh Thắng mới thành hình và đạt tiêu chuẩn.
Nhờ chịu thương, chịu khó nên khi vào làm công nhân, anh Thắng đã cố gắng rất nhiều để luôn hoàn thành công việc được giao.
NêN DUYÊN TỪ NÔNG TRƯỜNG
Sau thời gian đào tạo, anh Thắng được phân công về làm việc tại tổ 5, nông trường Ia Ko. Công việc của anh bắt đầu từ mờ sáng và kéo dài đến giữa trưa. Mỗi ngày lao động, anh Thắng phải liên tục đi lại, làm việc trên 1 ha cao su.
Phải liên tục làm việc trong thời gian dài với tư thế cúi lom khom khiến cơ thể anh Thắng mỏi nhừ. Sau khi cạo xong phần thân vỏ, anh Thắng lại quay về từng gốc cao su để trút mủ vào xô mang về điểm tập kết. Công việc nặng nhọc là vậy nhưng anh Thắng luôn thực hiện vượt mức chỉ tiêu khai thác mà công ty đã đưa ra.
"Khai thác mủ cao su là công việc nặng nhọc, độc hại. Để đảm bảo an toàn cho người lao động, công ty luôn quan tâm cấp phát cho công nhân bao tay, ủng bảo hộ. Nhờ vậy mà anh em cũng yên tâm lao động, sản xuất", anh Thắng nói.
Lúc bấy giờ trong tổ khai thác chỉ toàn những người trung niên, anh Thắng là một trong những người trẻ nhất. Với tính cách hòa đồng lại thường xuyên giúp đỡ đồng nghiệp nên anh Thắng luôn được mọi người yêu quý. Một năm sau, công ty có đợt tuyển công nhân mới, chị Hồ Thị Mỹ Nhi (38 tuổi) được tuyển dụng và phân công về công tác cùng tổ với anh Thắng.
Anh Thắng được phân công nhiệm vụ kèm cặp, hướng dẫn cho nữ công nhân mới này. Sau vài tháng, với sự hỗ trợ của anh Thắng, tay nghề chị Nhi được nâng cao. Ngày tháng trôi qua, cặp đôi từ cảm mến rồi yêu nhau lúc nào chẳng hay.
Và một mái ấm nhỏ hình thành. Lễ cưới đơn giản được tổ chức dưới sự chứng kiến của tập thể công nhân trên nông trường. Thế là anh Thắng, chị Nhi nên đôi chồng vợ. Giờ đây đã hơn 16 năm, anh Thắng, chị Nhi đã sinh được 2 người con. Đứa lớn năm nay vào lớp 9, đứa nhỏ đã hơn 10 tuổi.
ĐẾN BÀN TAY VÀNG, KIỆN TƯỚNG
Gần 20 năm làm việc tại công ty, với sự rèn giũa qua từng ngày, anh Thắng đã sở hữu cho mình đôi "bàn tay vàng" mà hiếm có người công nhân nào làm được.
"Khi mới vào làm công nhân, tôi thấy nhiều anh chị đi trước được chọn vào đội tuyển để thi cấp nông trường, rồi những người đạt giải được chọn thi cấp công ty và những người giành được giải cao ở công ty được chọn đi thi cấp ngành. Tôi ngưỡng mộ lắm, tôi tự nhủ với lòng mình sẽ cố gắng nhiều hơn nữa, nỗ lực bằng tất cả khả năng để được như họ", anh Thắng Tâm sự.
Kể từ đó, anh Thắng càng chuyên tâm với công việc, đúc kết kinh nghiệm qua từng đường cạo. Anh luôn suy nghĩ làm cách nào để rút ngắn thời gian cạo mà vẫn đảm bảo quy trình, kỹ thuật.
Lâu dần, tốc độ cạo mủ của anh Thắng ngày càng nhanh hơn trong khi đó quy trình, kỹ thuật lại đảm bảo. Khi tay nghề đã thành thục, anh liền hướng dẫn lại cho vợ và các anh em trong tổ khai thác. Thế rồi tay nghề của công nhân cả nông trường được nâng cao, hầu như cả nông trường đều vượt chỉ tiêu do công ty đề ra.
Khi tay nghề đã chuyên nghiệp, anh Thắng mạnh dạn tham gia các cuộc thi do công ty, ngành tổ chức. 11 năm qua, trong các cuộc thi, hội thi Bàn tay vàng các cấp của ngành cao su, anh Thắng đã cùng hàng ngàn lượt thí sinh khác trong công ty, trên khắp các miền đất nước, các đồng nghiệp đến từ Campuchia, Lào cùng nhau tranh tài.
Anh Thắng luôn là thí sinh xuất sắc giành số điểm tuyệt đối. Không chỉ đạt thành tích tốt trong các cuộc thi, trong công tác anh Thắng còn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khai thác vượt chỉ tiêu mà công ty đề ra. Theo lãnh đạo công ty, để đạt được thành quả ấy, anh Thắng đã miệt mài làm việc và rút ra những kinh nghiệm đã đúc kết trong quá trình công tác.
Nhắc đến Bàn tay vàng Trần Hữu Thắng, ông Mai Ngọc Lực, Phó phòng kỹ thuật Cao su Chư Sê, cho hay ở các kỳ Hội thi Bàn tay vàng cấp công ty, anh Thắng là thí sinh rất xuất sắc. Anh đã từng giành giải Bàn tay vàng liên tiếp vào các năm 2012, 2014, 2016 và 2018, năm 2020 anh là kiện tướng ở hội thi cấp tập đoàn. Chưa năm nào anh tham gia hội thi các cấp mà chưa có giải. Đặc biệt trong Hội thi Bàn tay vàng lần thứ 13 được Tập đoàn công nghiệp cao su VN (VRG) tổ chức, anh Thắng đã xuất sắc giành giải nhất.
"Ở tổ sản xuất anh là người rất chịu khó, luôn thực hiện tốt các nội quy, quy chế của đơn vị, năm nào cũng xuất sắc hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng giao. Những thành tích mà anh Thắng đạt được sẽ càng lan tỏa mạnh về phong trào "Luyện tay nghề - Thi thợ giỏi" không chỉ ở tổ sản xuất của anh, mà còn lan tỏa rộng trong toàn công ty và lớn hơn là toàn khu vực Tây nguyên", ông Lực nói.
Không những thế, theo ông Lực, cả 2 vợ chồng anh Thắng đều là công nhân ưu tú, tiêu biểu cả trong công việc chuyên môn và phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con ngoan. Năm 2021, gia đình anh Thắng được Công đoàn Cao su Việt Nam tuyên dương là gia đình "Công nhân cao su Việt Nam tiêu biểu", bản thân anh Thắng, chị Nhi đều được tuyên dương là "Công nhân cao su Việt Nam ưu tú".
Bình luận (0)