(TNO) Khác hẳn máy bay dân sự, chiếc P8-A Poseidon của Hải quân Mỹ cất cánh rất nhanh và chỉ trong vài phút, màu xanh lam của Biển Đông đã hiện ra từ khung cửa sổ của chiếc máy bay do thám săn ngầm hiện đại nhất nước Mỹ, Jim Sciutto, phóng viên mảng tin an ninh quốc gia của CNN, thuật lại trong ký sự đăng ngày 26.5.
>> Mỹ - Trung đối đầu ở Trường Sa
Ảnh phóng viên Jim Sciutto của hãng tin CNN có mặt trên chiếc máy bay P8-A Poseidon của Hải quân Mỹ bay tuần tra Biển Đông ngày 20.5, trong đoạn video đăng tải trên trang web của CNN |
Thanh Niên Online lược dịch trải nghiệm của phóng viên CNN kỳ cựu này về chuyến bay tuần tra Biển Đông bí mật của Hải quân Mỹ.
Phi hành đoàn trên chiếc P-8, gồm hơn 10 phi công hải quân, đã mời tôi vào buồng lái để quan sát và nghe ngóng.
Đến gần chiếc P8-A Poseidon trên đường băng mới thấy rất dễ nhầm lẫn chiếc máy bay do thám tối tân này với một trong những chiếc Boeing 737 đậu gần nó. P-8 có bộ khung được thiết kế dựa trên máy bay 737, nhưng điểm tương đồng chỉ dừng lại ở đó.
Tôi nhìn thấy rất nhiều ăng-ten, các khối hình cầu và camera bên ngoài thân máy bay, cộng với một khoang chứa ngư lôi diệt tàu ngầm và khoảng trống dưới cánh để gắn tên lửa diệt hạm Harpoon.
Bên trong chiếc máy bay là nơi chứa một dãy các thiết bị thu thập thông tin do thám tối tân, và chúng khiến tôi có cảm giác như đang đi vào một trạm do thám trên trời của CIA.
Không phải ngẫu nhiên mà những chiếc P-8 đầu tiên này, chỉ mới 18 tháng tuổi, lại được điều động đến châu Á. P-8 là một cách thể hiện cho chiến lược xoay trục về châu Á của chính quyền Tổng thống Barack Obama, và nhiệm vụ chủ yếu của nó ở đây là theo dõi sát các hoạt động của Trung Quốc.
Khi đã lên máy bay, tôi được ngồi vào tham dự buổi họp tác chiến ngắn cùng các thành viên phi hành đoàn trước khi cất cánh. Thiếu tá Matt Simpson, chỉ huy chuyến bay, trưng ra kế hoạch của chuyến bay.
Chiếc P-8 xuất phát từ Căn cứ Không quân Clark tại Philippines và bay hơn 740 km về phía tây để đến 3 bãi đá ngầm, gồm Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Gạc Ma, nơi Trung Quốc chiếm của Việt Nam và đang hối hả bồi đắp trái phép để biến chúng thành đảo nhân tạo; và cũng là nơi mà Washington đang lo sợ chúng sẽ sớm trở thành các căn cứ quân sự nằm cách bờ biển Trung Quốc khoảng 966 km.
Nhìn từ trên không, mặt nước Biển Đông có vẻ êm ả và hiền hòa, nhưng đây là vùng biển tấp nập tàu thuyền với 60% lưu lượng vận chuyển bằng đường biển của thế giới diễn ra. Dưới đáy biển được cho là có chứa một trữ lượng dầu khí khổng lồ.
Máy bay do thám săn ngầm P8-A Poseidon của Hải quân Mỹ - Ảnh: AFP |
Khi đã bay được 55 phút, mục tiêu đầu tiên đã hiện ra trong tầm mắt: Đá Xu Bi. Hơn 20 tàu nạo vét Trung Quốc đang bơm cát từ đáy biển để bồi đắp một hòn đảo trên biển. Quy mô và tốc độ bồi đắp của tàu Trung Quốc khiến ta không thể rời mắt khỏi chúng. Chỉ trong 2 năm, Trung Quốc đã mở rộng diện tích bề mặt của các bãi đá ngầm ở Biển Đông mà nước này ngang nhiên chiếm lấy, từ 2 km2 lên hơn 8 km2.
Thành viên phi hành đoàn P-8 dự đoán hải quân Trung Quốc sẽ yêu cầu họ bay đi chỗ khác khi máy bay tiến đến gần các bãi đá. Theo lời các phi công trên chiếc P-8, thông thường những “thách thức”, cách họ dùng để nói về phản ứng của phía Trung Quốc, sẽ diễn ra khi máy bay bay cách các bãi đá vài dặm. Và đúng như vậy, từ máy vô tuyến sớm phát ra một giọng nói tiếng Anh bằng giọng Trung Quốc: “Đây là hải quân Trung Quốc. Đây là hải quân Trung Quốc… Xin hãy rời đi ngay lập tức để tránh hiểu lầm”.
Phía phi công Mỹ đã liên lạc lại bằng giọng nói bình tĩnh và chuyên nghiệp. Phi công Mỹ nhanh chóng dùng phần trả lời đã được soạn kỹ trước đó để hồi đáp với phía Trung Quốc rằng đây là máy bay Mỹ đang hoạt động trong không phận quốc tế, ngay trên vùng biển quốc tế.
Tuy nhiên, khi liên lạc viên phía Hải quân Trung Quốc truyền đi cảnh báo lần nữa của họ, tôi có thể nghe thấy sự tức tối tăng dần trong giọng nói của người này. Giọng nói từ đầu bên kia cứ to dần lên, và kết thúc bằng một câu cao giọng: “Các người đi đi!”. Và phía Trung Quốc đưa ra cảnh báo này đến 8 lần trong suốt chuyến bay.
Ngoài máy bay do thám P-8, khi đó hóa ra còn có một máy bay dân sự khác cũng đang bay gần đó. Chiếc máy bay của hãng hàng không Delta Air Lines (Mỹ) cũng nghe được cảnh báo của Trung Quốc và sau đó đã dùng liên lạc qua vô tuyến để xen vào và hỏi xem chuyện gì đang xảy ra.
Liên lạc viên Hải quân Trung Quốc giới thiệu về mình, có lẽ là nhằm trấn an chiếc máy bay dân sự. Tổ lái trên chiếc P-8 nói với tôi rằng đây có lẽ là một trải nghiệm căng thẳng cho máy bay dân sự bay khi vào vùng này.
Hiện tại, thách thức của Trung Quốc đến từ mặt đất, tức là từ các trạm radar cảnh báo sớm mà họ thiết lập trên các hòn đảo hoặc trên các tàu hải quân tuần tra quanh các đảo ở Biển Đông.
Những bãi đá ngầm tại đây nằm quá xa các căn cứ không quân tại Trung Quốc, nên máy bay nước này không thể ngăn cản P-8 hay đối đầu với máy bay Mỹ từ trên không. Tuy nhiên, tình trạng này có lẽ sẽ thay đổi một khi những đảo nhân tạo có đường băng. Thực tế là Trung Quốc đang sắp xây xong các đường băng ngay tại đó rồi.
Sau khi rời khỏi Đá Xu Bi, chúng tôi tiến sang Đá Chữ Thập, nằm cách đó vài phút bay. Đây là nơi Trung Quốc bồi đắp trái phép và cải tạo hiện trạng nhiều nhất. Từ một bãi đá ngầm khó có thể thấy bằng mắt thường, Đá Chữ Thập giờ đã trở thành một đảo nổi với một đường băng sắp hoàn tất, một tháp canh, một trạm radar cảnh báo sớm và các trại lính.
Trong khi đó, tàu nạo vét Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đào một cảng nước sâu cho tàu thuyền vào neo đậu.
Ảnh chụp từ máy bay P8-A Poseidon của Hải quân Mỹ cho thấy tàu nạo vét Trung Quốc tấp nập bồi đắp trái phép tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters |
Trên khoang máy bay P-8, tâm trạng của phi hành đoàn rất bình thản và tự tin. Họ đã tham gia các chuyến bay như thế này trong nhiều tháng rồi. Nhưng các phi công này nói với tôi rằng càng bồi đắp đảo bao nhiêu, Hải quân Trung Quốc càng hung hăng hơn bấy nhiêu trong các cảnh báo gửi đến máy bay Mỹ.
Mặc dù vẫn nói một cách tự tin và bình tĩnh về sứ mạng của họ, nhưng tổ bay P-8 biết rõ rằng họ đang nằm ngay trong lòng một cuộc xung đột tiềm ẩn có khả năng làm bùng phát đụng độ.
Bình luận (0)