Sau một thời gian tương đối yên ắng, tình hình chính trị an ninh trên biển Đông lại có dấu hiệu diễn biến sôi động. Nhiều quốc gia trong cũng như ngoài khu vực trực tiếp góp phần vào chiều hướng ấy.
Mỹ không còn đề cập xa gần mà đã công khai bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc Trung Quốc đẩy mạnh mở rộng bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa. Đích thân Tổng thống Barack Obama đã thể hiện thái độ đó.
Rồi đến chuyện Nhật Bản cùng Mỹ dự định tiến hành tuần tra chung ở biển Đông, Mỹ và Philippines tiến hành tập trận chung ở quy mô lớn chưa từng thấy. Indonesia cũng đã vào cuộc với tuyên bố trật tự chính trị an ninh ở biển Đông chỉ ổn định và có lợi cho tất cả khi không bị một cường quốc quân sự duy nhất chi phối. Indonesia nhằm vào Trung Quốc nhưng đồng thời cũng còn ám chỉ cả Mỹ.
Nước này lo ngại việc Bắc Kinh dùng sức mạnh và ưu thế về quân sự để áp đặt trật tự ở biển Đông, nhưng đồng thời cũng có phần ngần ngại với các ý định của Washington.
Tình hình mới đang bất lợi đối với những nỗ lực ngoại giao của các bên trong lẫn ngoài khu vực nhằm giảm căng thẳng, kiểm soát tình hình, kiềm chế nguy cơ đối đầu và phòng ngừa hành vi manh động.
Có thể thấy qua đó sự nghi ngại và phòng ngừa lẫn nhau gia tăng chứ không phải lòng tin được củng cố và thiện chí đối thoại được duy trì để giải quyết hòa bình mọi vấn đề chính trị an ninh ở khu vực biển Đông.
Bình luận (0)