Chuyện các 'nàng tiên cá'

Quang Viên
Quang Viên
27/08/2018 08:07 GMT+7

Làm nàng tiên cá là một nghề rất đặc biệt. Nhìn các tiên cá tung tăng bơi lội trong thủy cung như cuộc dạo chơi kỳ thú, nhưng 'thâm cung' của các nàng cũng có lắm chuyện.

Phóng viên Thanh Niên đã có dịp tiếp cận với họ rồi ngẩn ngơ trước sắc đẹp, bất ngờ trước những màn biểu diễn và những tâm sự thầm kín.
Vượt biển bằng... cáp treo
9 giờ sáng, tôi vội vã lên cáp treo từ cảng Cầu Đá (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) để đến thủy cung trước giờ chương trình “Nàng tiên cá” biểu diễn với ý định thâm nhập “nội cung” của các nàng. Nhưng phải nói là hơi bị khó để tiếp cận khi họ còn ở trong phòng kỹ thuật nằm ngay trên thủy cung. Đơn vị quản lý hình như không muốn ai quấy rầy các nàng tiên cá mà họ coi là con cưng ấy trước giờ biểu diễn. Ngay cả khi các nàng tiên cá biểu diễn xong, tôi cũng phải đợi người quản lý dàn xếp với các bộ phận này, bộ phận kia hồi lâu thì họ mới thả cửa cho những nàng tiên cá gặp tôi.
Xuất hiện trước tôi là hai nàng tiên cá trẻ trung xinh đẹp Trần Thị Tuyết (sinh năm 1990) và Lê Thị Quan (1992). Cả hai cô đều sinh ra và lớn lên tại thành phố biển Nha Trang nên biết bơi lội từ khi còn học cấp 1. Nhìn gương mặt còn khá “nai vàng ngơ ngác” và “nghía” ba vòng rất quyến rũ của họ, tôi không thể nghĩ rằng hai nàng tiên cá đã có “hoàng tử” rước về dinh và con đã lên 5, lên 6 rồi. Kể cả nàng tiên cá Uyên Phương hôm sau tôi gặp cũng lấy chàng thợ lặn và làm mẹ. Tôi hỏi, vì sao có con rồi mà các bạn vẫn giữ được vóc dáng “đẹp từng cen ti mét” thế kia, Lê Thị Quan cười nói: “Chắc là nhờ bơi lặn dưới nước mỗi ngày”. Nhưng tôi được biết, để lọt vào mắt xanh của đơn vị tổ chức biểu diễn tiết mục “Nàng tiên cá”, các cô gái không chỉ biết bơi lặn giỏi mà còn đòi hỏi phải có gương mặt xinh đẹp và cơ thể gợi cảm. Năm 2014, Quan, Tuyết, Phương đã vượt qua nhiều cô gái khác trong đợt tuyển chọn để trở thành của hiếm trong đội tiên cá Vinpearl Land Nha Trang.
tien_ca
Tiên cá Uyên Phương (trái) và Lê Thị Quan sau giờ biểu diễn
Mỗi ngày như mọi ngày, từ 9 giờ 30 các “tiên cá” vượt biển đến với thủy cung bằng đường cáp treo. Đến 10 giờ 45, các cô vào phòng kỹ thuật để khởi động, thay bộ xiêm y lộng lẫy của nàng tiên cá. Rồi đúng 11 giờ là bắt đầu biểu diễn suất 1 trong vòng 10 phút. Sau đó, đội tiên cá sẽ ở lại Vinpearl Land để buổi chiều biểu diễn suất 2 từ 15 giờ. Trong 10 phút, các nàng tiên cá biểu diễn với kịch bản phỏng theo câu chuyện cổ tích Nàng tiên cá nổi tiếng của nhà văn Hans Christian Andersen. Trong thủy cung, các cô đúng là đẹp như nàng tiên cá trong cổ tích. Tiên cá lúc bơi lơ lửng trong làn nước, lúc lao mình từ trên xuống, thực hiện những vòng lộn nhào đẹp mắt khiến du khách trầm trồ thán phục. Trong vương quốc như đại dương thu nhỏ của các nàng cũng đẹp lung linh với những rặng san hô, rùa biển, các loài cá rực rỡ màu sắc và cả loài… cá mập hung dữ nữa. Điều thú vị là tất cả các loài sinh vật biển đó đã trở thành bạn của các nàng tiên cá nên chúng rất thân thiện.

Nhiều tiên cá đã bỏ nghề, hoặc dự tính làm nghề này chừng mấy năm là giải nghệ. Vì tiên cá càng lớn tuổi thì càng không phù hợp với nghề biểu diễn dưới nước. Hơn nữa, tiên cá còn dễ mắc các bệnh phụ nữ nữa

“Nàng tiên cá” Uyên Phương

Chuyện “thâm cung”
Nhìn các tiên cá tung tăng bơi lội trong thủy cung như cuộc dạo chơi kỳ thú, nhưng “thâm cung” của các nàng cũng lắm chuyện. Những cô gái trong đội tiên cá cho biết biểu diễn ở thủy cung là nghề kiếm sống của họ. Nhưng hầu như các nàng đều cho rằng, nếu không có đam mê thì khó có thể bước vào cái nghề “múa dưới nước” này. Trần Thị Tuyết rất mê câu chuyện cổ tích Nàng tiên cá.
Từ nhỏ cô đã mơ ước có một ngày mình sẽ hóa thân thành tiên cá để dạo chơi thỏa thích với đàn cá và gặp hoàng tử của lòng mình. Nhưng khi bước vào nghề thì cô nàng mới biết cuộc chơi này cũng lắm công phu. Uyên Phương, Lê Thị Quan cũng cho rằng nếu không yêu thế giới lung linh trong lòng thủy cung thì họ sẽ không chọn nghề này. Bởi, để có 20 phút biểu diễn mỗi ngày, họ phải khổ luyện để có dáng vóc đẹp, sức khỏe dẻo dai và quan trọng hơn là có những màn biểu diễn đẹp mắt phục vụ khán giả.
Mỗi ngày, các cô phải dành ra từ 1 - 2 giờ luyện kỹ thuật bơi trên cạn, rồi thực tập ở các hồ nước bên ngoài.
“Quan trọng nhất là phải biết luyện hơi để ở dưới nước được lâu, luyện bơi chìm và các động tác khó dưới nước để phối hợp với bạn diễn. Ngoài ra còn phải biết biểu cảm theo các tình huống của kịch bản và giao lưu với khán giả”, Lê Thị Quan chia sẻ.
Chuyện các 'nàng tiên cá'2
Tiên cá Lê Thị Quan (trái) và Trần Thị Tuyết ngoài đời
Những ngày đầu biểu diễn, có nàng vừa bơi lặn vừa… run vì sợ cá mập cắn và nhiều cô thấy cơ thể mỏi rã rời. Các sự cố bị vướng đuôi cá vào san hô, trầy xước cơ thể hay ngoi lên đội nhầm cụ rùa, va chạm với cá nhám gai là chuyện đã xảy ra. Còn có những nỗi niềm và chuyện thầm kín hơn của họ mà không phải ai cũng biết.
Ngày nào cũng trầm mình dưới nước, các tiên cá rất lo sẽ ảnh hưởng sức khỏe về sau như bệnh về da, cảm cúm, thấp khớp và nhất là các bệnh phụ nữ…
“Nhiều tiên cá đã bỏ nghề, hoặc dự tính làm nghề này chừng mấy năm là giải nghệ. Vì tiên cá càng lớn tuổi thì càng không phù hợp với nghề biểu diễn dưới nước. Hơn nữa, tiên cá còn dễ mắc các bệnh phụ nữ nữa”, Uyên Phương thổ lộ.
Còn Tuyết cũng tính đường: “Có lẽ vài năm nữa anh đến đây không còn thấy em làm nàng tiên cá nữa. Hiện nay em đang học thêm nghề hướng dẫn viên du lịch để sau này có một công việc ổn định và giữ gìn được sức khỏe lo cho chồng con…”.
Tôi còn nghe kể lại có những nàng tiên cá buộc phải bỏ nghề do chồng phản đối kịch liệt vì họ không muốn cô vợ xinh đẹp của mình “trơ cái hồng nhan với nước non” cho thiên hạ ngắm. Có tiên cá đã tan vỡ trái tim khi ngậm ngùi chia tay chồng bởi vì “cái tội” làm nghề tiên cá. Cũng có tiên cá bị cha mẹ ngăn cản quyết liệt đành rời bỏ thủy cung lung linh huyền ảo mà cô yêu mến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.