“Mình chưa bao giờ cảm thấy hối hận khi tham gia chống dịch, nhưng cũng có lúc thấy sợ. Nỗi sợ đó không lớn bằng trách nhiệm mình dành cho nghề, cho chiếc áo blouse trắng đang mang trên người. Mình muốn cống hiến nhiều hơn nữa. Và cuối cùng, mình đã chiến thắng để lại tiếp tục được cống hiến”, bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Hàng tâm sự về quyết tâm chiến thắng Covid-19.
Một ngày chỉ ngủ 2 - 3 tiếng
Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược Huế, bác sĩ Nguyễn Văn Hàng (26 tuổi) vào công tác tại một phòng khám chuyên khoa ở TP.HCM. Ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM, bác sĩ Hàng đã đi vào “trận chiến” như bao bác sĩ và đội ngũ y tế khác.
“Mình tham gia từ những ngày đầu tiên khi thành phố bùng dịch. Trong cuộc chiến này, đội ngũ áo trắng như mình không thể đứng nhìn được. Nhìn thấy sự tàn khốc của dịch bệnh đang hoành hành, đe dọa tính mạng và ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người, mình muốn dùng hết công sức, năng lực có thể để góp phần giúp bệnh nhân sớm vượt qua được đại dịch”, bác sĩ Hàng chia sẻ.
|
Từ đầu mùa dịch đến nay, bác sĩ trẻ này đã tham gia hỗ trợ chống dịch tại Trung tâm y tế Q.Bình Tân và đảm trách nhiều nhiệm vụ khác nhau như lấy mẫu test, chuyển F0 đi cách ly, khám sàng lọc trước tiêm vắc xin…
“Từ khi tham gia chống dịch đến nay, thời gian nghỉ ngơi rất ít. Rất nhiều lần phải làm đến khuya, có hôm phải đi vận chuyển F0 đến 3 giờ sáng mới về. Vì phải làm nhiều công việc, nhiều nhiệm vụ trong một ngày nên nhiều hôm chỉ ngủ được 2 - 3 tiếng đồng hồ”, bác sĩ Hàng kể. Mà nói như chàng bác sĩ trẻ này, khi tham gia tuyến đầu, họ còn không màng đến nguy hiểm của vi rút có thể lây nhiễm cho bản thân, thì chuyện phải làm việc từ sáng sớm hôm nay đến tận sáng sớm hôm sau là hết sức bình thường.
Trong những ngày tham gia chống dịch, bác sĩ Hàng cho biết khó khăn nhất không phải từ bản thân, mà đến từ tâm lý của người dân.
“Mình còn nhớ có lần đi lấy mẫu, có một người bảo: Thôi lỡ nhiễm rồi đằng nào cũng chết, có gì đâu mà sợ. Những lúc đó, mình phải giải thích rất nhiều để người dân yên tâm. Rồi cũng không ít lần người dân không chịu hợp tác, gọi họ ra để lấy mẫu cộng đồng thì họ không chịu vì sợ lây nhiễm chéo, nhưng đến khi ra thì lại giao tiếp với nhau quá nhiều mà không đảm bảo an toàn. Nhắc nhở thì họ không nghe. Tụi mình đang rất cố gắng nhưng thấy cảnh dân không hợp tác khiến bản thân vừa buồn vừa không biết phải làm gì. Cảm giác thật sự bất lực, mình chỉ biết cố gắng và cố gắng hơn nữa thôi”, bác sĩ Hàng kể.
Đã có lúc suy sụp và không ít lần bật khóc
Ngày 23.7 là ngày bác sĩ Nguyễn Văn Hàng nhận kết quả nhiễm Covid-19. Dẫu biết khi xung phong vào tuyến đầu, khả năng lây nhiễm sẽ rất cao nhưng Hàng không nghĩ điều này lại đến quá nhanh như vậy.
|
“Chiều 23.7, lúc đó mình vẫn đi làm nhiệm vụ bình thường, không có triệu chứng gì. Nhưng sau đó thì kết quả PCR của mình là dương tính. Cũng biết đi chống dịch tuyến đầu, chắc chắn sẽ đối diện nhiều nguy hiểm, cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần rằng mình có thể dương tính bất cứ lúc nào. Ngay khoảnh khắc đó, mình đã suy sụp. Tâm trạng chùng xuống, lo sợ và hoang mang nhiều. Trong lúc dọn đồ qua phòng cách ly, cũng đã nhiều lần bản thân phải bật khóc”, bác sĩ trẻ nhớ lại.
Bác sĩ Hàng cho biết khóc không phải vì sợ bản thân sẽ bị gì, mà bật khóc khi nghĩ đến gia đình đón nhận tin này (Hàng đã giấu bố mẹ ở quê về chuyện mình nhiễm bệnh), và lo rằng không tham gia chống dịch được nữa.
“Sau khi nhận kết quả dương tính, mình nghĩ nhiều lắm. Lo bản thân mình không thể tiếp tục nhận nhiệm vụ. Cuộc chiến này thật sự căng thẳng và nguy hiểm, nếu đồng đội mình cũng bị nhiễm như mình thì sẽ ra sao, ai sẽ tiếp tục chống dịch... Mình nghĩ đến nhiệm vụ cần phải hoàn thành, trong đó nặng lòng hơn hết là trách nhiệm bác sĩ đối với bệnh nhân, đối với đất nước”, bác sĩ Hàng bộc bạch.
Chính sự quyết tâm ấy, vực dậy tinh thần ngay sau đó, mỗi ngày bác sĩ Hàng đều cố gắng ăn uống đầy đủ, tập thể dục, tập hít thở để bổ trợ lượng ô xy cho phổi.
“Trong những lúc cơ thể đấu tranh với vi rút thì có yếu đi, sốt nhiều, đau họng và mệt mỏi. Đồng đội ai cũng lo lắng, hỏi han, nấu cháo để trước cửa phòng rồi gọi mình ra lấy để bồi bổ. Rồi các anh chị ở khoa gửi cho mình những bài tập thở, bản thân thì cố gắng ăn uống, tập thể dục thường xuyên nên sức khỏe nhanh chóng phục hồi”, bác sĩ trẻ kể lại những ngày nhiễm Covid-19.
|
Sau thời gian điều trị và có kết quả âm tính, Hàng cách ly thêm 7 ngày, hết cách ly và test lại âm tính thì ngay hôm sau Hàng tiếp tục nhận nhiệm vụ đi vào tuyến đầu chống dịch.
“Covid-19 thật sự rất đáng sợ, nó có thể lấy đi sinh mệnh của một con người bất kỳ lúc nào nếu bản thân người đó không biết bảo vệ mình. Những chiến sĩ tuyến đầu gồm cả các y bác sĩ, tình nguyện viên vẫn đang cố gắng gồng mình 200% công lực của bản thân để chiến đấu. Chúng mình không sợ mệt mỏi, không sợ nguy hiểm cho bản thân, chỉ sợ nhân dân không đồng lòng và không tin tưởng, hợp tác", bác sĩ trẻ này gửi gắm.
Bình luận (0)