Nhiều nông dân ở huyện Đắk Hà (Kon Tum) mấy năm gần đây đã thành công với việc cải tạo đất hoang cằn cỗi, hoang hóa thành đất chuyên canh hoa tươi đa sắc màu cho thu nhập cao.
Vườn hoa tuy líp của vợ chồng anh Sơn - Ảnh: Phạm Anh
|
Anh Lê Ngọc Sơn, một nông dân sản xuất giỏi ở khối phố 5, thị trấn Đắk Hà, là người tiên phong trong việc cải tạo đất hoang thành vườn trồng hoa thương phẩm thu nhập cao. Anh Sơn chia sẻ, trước đây gia đình có trên 5.000¬ m2 đất trồng lúa nhưng cằn cỗi nên bị bỏ hoang. Thế nhưng, từ 2011 đến nay, đất này đã tươi xinh với hoa ly, hoa cúc, hoa đồng tiền…, giúp gia đình thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi mùa.
|
Năm 2011, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đắk Hà phổ biến chủ trương hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cho bà con cải tạo vườn tạp để trồng thử nghiệm 2.000 cây hoa ly có giống ngoại nhập. Với kinh nghiệm cơ bản trồng hoa cúc từ vườn nhà, vợ chồng anh Sơn đã mạnh dạn tham gia mô hình thử nghiệm xuống giống 1.000 cây hoa ly. Sau gần 3 tháng san ủi, cày xới, ủ đất bằng phân bón sinh học, cộng thêm công chăm sóc tỉ mẩn của hai vợ chồng, tết âm lịch 2012, vườn hoa ly phát triển đạt trên 90% diện tích đã trồng và mỗi cây đều đạt 4 - 5 nụ hoa, vợ chồng anh Sơn thu về gần 40 triệu đồng.
Bước vào năm 2013, vợ chồng anh Sơn đầu tư trồng thêm 1.500 củ gốc hoa ly, còn năm 2014 thì tiếp tục trồng 1.000 gốc hoa tuy-líp mới và áp dụng hệ thống tưới tiêu tự động. Đến nay, vào ngày mùng 1 và 14 âm lịch, gia đình anh Sơn bỏ hoa cho các mối các cửa hàng hoa, cộng thêm bán lẻ tại vườn gần 2.000 bó hoa các loại với giá 8.000 - 10.000 đồng/bó. Thu nhập của gia đình khoảng 20 triệu đồng/tháng.
"Nguồn lợi thu về trên 5.000 m2 đất trồng hoa tươi tăng gấp 4 lần so với sản xuất cây lúa trước đây, mà công lao động bỏ ra nhẹ nhàng hơn, kỹ thuật chăm sóc thuận lợi hơn", anh Sơn nói.
Anh Sơn chia sẻ, có được vườn hoa chuyên canh thu nhập 200 triệu đồng/năm nói trên, một phần nhờ UBND huyện hỗ trợ ứng dụng công nghệ sinh học và hỗ trợ các loại giống củ hoa tươi. Đồng thời, cho tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật, truyền đạt kinh nghiệm trồng hoa, chăm sóc, xử lý sâu bệnh và thu hoạch đúng thời vụ. Nhờ đó, sản phẩm hoa tươi cho thu hoạch đạt chất lượng gần 90%, đem lại thu nhập kinh tế cao, ổn định.
Theo đánh giá của UBND huyện Đắk Hà, bước đầu các mô hình thử nghiệm, sản xuất giống hoa chất lượng cao đã có thành công nhất định, đáp ứng nhu cầu thị trường đang cần. Do đó, sản phẩm thu hoạch không bị thất thu về năng suất, giá cả. Các mô hình trồng hoa có sử dụng chế phẩm sinh học từ những năm qua còn cải thiện môi trường sinh thái, hạn chế được nhiều mầm bệnh cho cây trồng và giảm 20 - 30% số lượng phân bón trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Những mô hình này đang được bà con nông dân trên địa bàn quan tâm và có nhu cầu nhân rộng tại địa phương.
Bình luận (0)