Chuyện chưa kể của những thiên thần ‘Đặc nhiệm blouse trắng’

Đằng sau cánh cửa bệnh viện, các y bác sĩ không chỉ chạy đua từng phút, từng giờ để giành lấy sự sống cho bệnh nhân mà còn đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm bệnh hiểm nghèo thậm chí để vuột mất hạnh phúc cá nhân…

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”
Bước sang mùa thứ 3, chương trình gameshow truyền hình “Đặc nhiệm blouse trắng” vẫn tiếp tục lấy nước mắt người xem bởi những câu chuyện có thật, chân thành và xúc động. Ở mỗi tình huống, các y bác sĩ đều ứng xử bằng cả hiểu biết chuyên môn lẫn cái tâm của người thầy thuốc dành cho bệnh nhân của mình. Qua đó, công chúng có cái nhìn đa chiều, thấu đáo hơn về cuộc sống khắc nghiệt của những nhân viên y tế yêu nghề, gỡ bỏ dần định kiến vốn tồn tại bấy lâu về ngành y.
Trong một tình huống đọng lại xúc động mạnh với người xem, nữ bác sĩ Nguyễn Thư Tình công tác tại Bệnh viện Nhân Ái (xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) đã rời bỏ Sài Gòn hoa lệ để chọn lựa chăm sóc và gắn bó với các bệnh nhân HIV/AIDS. Trong quá trình khám chữa bệnh, cô không may bị phơi nhiễm căn bệnh thế kỷ, bị mẹ chồng tương lai chối bỏ, hạnh phúc của bản thân đứng trước bờ vực tan vỡ song cô vẫn quyết tâm bám trụ lại bệnh viện, tiếp tục cống hiến thầm lặng.
Bác sĩ CKI Nguyễn Phi Khanh - Trưởng khoa Chăm sóc đặc biệt Bệnh viện Nhân Ái chia sẻ: “Ngoài thực tế có rất nhiều y bác sĩ gặp tình huống tương tự bác sĩ Thư Tình. Đa số bệnh nhân nhập viện đều bị HIV/AIDS giai đoạn cuối, không người thân, nên các y bác sĩ phải lo mọi việc điều trị, chăm sóc, ăn uống, tắm rửa… Họ đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm HIV, viêm gan B, viêm gan C, lao kháng thuốc… hằng ngày, song vẫn ở lại vì lòng yêu nghề, thương bệnh nhân”.
Kiến thức y tế trong tầm tay
Nếu như trước đây, người dân phải đến các cơ sở y tế gặp y bác sĩ để được giải đáp những thắc mắc của mình thì hiện tại, chỉ cần đến với “Đặc nhiệm blouse trắng” là người xem có thể cập nhật và bổ sung những kiến thức về y khoa trong tích tắc.
Người bệnh HIV thường có tâm lý khước từ điều trị khi gặp thương tích vì cho rằng bản thân không còn cơ hội sống. Song thông qua một tình huống khác tại chương trình, các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) đã làm sáng tỏ điều ngược lại; người bệnh vẫn có thể đi làm, chăm sóc cha mẹ già, cống hiến cho xã hội nếu tích cực điều trị khống chế bệnh từ sớm. Căn bệnh thế kỷ nay được giới y khoa xem như một loại bệnh nan y, có thể chung sống hòa bình cả đời, thậm chí mẹ HIV vẫn có thể sinh con khỏe mạnh.
“Bác sĩ không chỉ chữa con bệnh mà cả về tâm bệnh”
Tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, không ít trường hợp trẻ không may mắn mang dị tật sứt môi, hở hàm ếch ngay từ trong bụng mẹ khiến không ít cha mẹ muốn từ bỏ đứa con của mình. Với sự tiến bộ của khoa học và tay nghề được trau dồi nâng cao, các dị tật trên có thể khắc phục bằng những cuộc phẫu thuật khéo léo, trả lại nụ cười hồn nhiên cho con trẻ. Chứng kiến những sự việc đau lòng đó, bằng những hiểu biết chuyên môn và cái tâm với nghề, họ đã thuyết phục rất nhiều phụ huynh giữ lại sinh linh bé nhỏ.
Một nữ bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM đã ưu tiên nhường suất hỗ trợ xã hội chữa câm điếc bẩm sinh của người nhà để ưu tiên chạy chữa cho bệnh nhi 18 tháng nguy cấp do uống nhầm xăng dẫn đến tràn dịch phổi. Có rất nhiều những câu chuyện như thế, khi mà người bác sĩ vượt qua ranh giới công việc, sẵn sàng đồng hành hi sinh để giúp đỡ bệnh nhân của mình. Họ không phải là những “cỗ máy” chỉ biết làm việc mà họ là những con người đơn thuần, với một trái tim ấm áp tình người.
Bác sĩ và người dân: Khi cả hai đặt mình vào vị trí của nhau
Nghề y thời nay phải đối mặt với quá nhiều định kiến, thậm chí nguy cơ bạo lực từ người nhà bệnh nhân. Thường gặp tại khoa cấp cứu của các bệnh viện, nơi “đầu sóng ngọn gió” của các y bác sĩ khi vừa phải cố gắng hết mình giành lại mạng sống của bệnh nhân thoát khỏi bàn tay tử thần vừa đối diện với những sự nóng nảy, mất bình tĩnh do âu lo của thân nhân. 
TS-BS Phạm Văn Tấn nhấn mạnh: “Ngành y đang nỗ lực hướng tới làm hài lòng bệnh nhân. Thông qua “Đặc nhiệm blouse trắng”, mong rằng khán giả sẽ hiểu thêm được các bác sĩ, điều dưỡng sống thế nào, làm việc ra sao và xã hội sẽ cảm thông và ủng hộ để họ có điều kiện làm việc tốt hơn, phục vụ bệnh nhân ngày càng hiệu quả hơn”.
“Đặc nhiệm blouse trắng” là gameshow truyền hình đầu tiên và duy nhất của ngành y tế, do Media One Sài Gòn phối hợp Hội Y tế Công cộng TP.HCM, Công đoàn ngành y tế TP.HCM và HTV sản xuất và phát sóng, Bộ Y tế bảo trợ, với sự đồng hành của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang. Chương trình được phát sóng vào lúc 20g45 thứ bảy hằng tuần trên HTV9 và HGTV. Đón xem trên:
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.