Sau khi thực hiện các nghi thức đón chào tại khu VIP, sân bay quốc tế Nội Bài, Tổng thống Pháp cùng đoàn tùy tùng đã di chuyển về khách sạn Sofitel Metropole số 15 Ngô Quyền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trước đó, từ 22 giờ đêm, an ninh khu vực sân bay Nội Bài đã được thắt chặt. Tất cả các phương tiện không được dừng đỗ phía ngoài khu VIP sân bay.
tin liên quan
Tổng thống Pháp sẽ tản bộ tham quan phố cổ Hà NộiDự kiến 0 giờ 25 phút 6.9, Tổng thống Pháp François Hollande có mặt tại sân bay quốc tế Nội Bài, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam trong 3 ngày.
|
Ngày 6.9 sẽ diễn ra lễ đón chính thức Tổng thống Pháp tại Phủ Chủ tịch, sau đó Tổng thống Pháp sẽ hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ký một số văn kiện và họp báo. Tổng thống Pháp sẽ hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc 9 giờ 50 phút. Cũng trong sáng 6.9, ông có bài phát biểu quan trọng tại Đại học Quốc gia Hà Nội trước khi tham dự tiệc chiêu đãi cấp nhà nước tại Trung tâm hội nghị Quốc gia lúc 12 giờ trưa.
Chiều 6.9, Tổng thống Pháp François Hollande đi bộ thăm phố cổ Hà Nội, chào xã giao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sau đó di chuyển tới sân bay Nội Bài, bay vào TP.HCM, tiếp tục chuyến thăm và làm việc với Bí thư thành ủy Đinh La Thăng vào ngày thứ 4, 7.9.
Tổng thống Pháp François Hollande sinh ngày 12.8.1954. Ông là Bí thư thứ nhất của Đảng xã hội Pháp từ năm 1997 đến năm 2008 và là một Nghị sĩ Quốc hội Pháp. Ông từng là Thị trưởng thành phố Tulle từ năm 2001 đến 2008, Chủ tịch hội đồng tỉnh Correze từ năm 2008 đến năm 1012.
Ông François Hollande được bầu làm Tổng thống Pháp ngày 6.5.2012, chính thức nhậm chức ngày 15.5.2012.
|
Một số điểm đáng chú ý trong mối quan hệ Việt Nam - Pháp
Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ ngày 12.4.1973.
Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam (sau Đức, Anh, Hà Lan, Ý). Trao đổi thương mại hai chiều năm 2015 đạt 4,2 tỉ USD, tăng 19% so với năm 2014, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Pháp đạt 2,9 tỉ USD (tăng 23% so với năm 2014) và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Pháp tăng 10% so với năm 2014, đạt 1,3 tỉ USD.
Trong Quý I/2016, tổng kim ngạch thương mại Việt - Pháp đạt 919 triệu USD, giảm 4,32% so với cùng kỳ năm trước.
Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á (sau Afghanistan) với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỉ USD (tính từ năm 1993).
Năm 2015, Pháp dành cho Việt Nam 110 triệu USD. Việt Nam là một trong ít nước được hưởng cả ba kênh viện trợ tài chính của Pháp là viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố, cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP).
Về hợp tác an ninh quốc phòng, Pháp là nước phương Tây đầu tiên có tùy viên quốc phòng tại Việt Nam (1991).
Quan hệ hợp tác này ngày càng phát triển: trao đổi đoàn thường xuyên (Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam thăm Pháp 12.2009; Bộ trưởng Quốc phòng Pháp thăm Việt Nam 7.2010, 6.2016), tổ chức họp tham mưu hàng năm, đối thoại an ninh, hỗ trợ xuất khẩu trang thiết bị khí tài, đào tạo sĩ quan, chiến hạm của Hải quân Pháp cập cảng Việt Nam.
Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng hai nước gần đây, hai bên nhất trí Việt Nam và Pháp là quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng.
Hai nước đã ký Hiệp định hợp tác Thỏa thuận khung vào năm 1997. Tháng 11.2009, hai bên đã ký Thỏa thuận giữa hai Bộ Quốc phòng thống nhất tổ chức luân phiên hàng năm Ủy ban hỗn hợp về hợp tác quốc phòng (cấp Thứ trưởng) để trao đổi về các vấn đề chiến lược và kế hoạch trang bị cho quân đội Việt Nam.
(Nguồn: Bộ Ngoại giao Việt Nam)
|
Bình luận (0)