Dù bị tật nguyền nhưng đôi vợ chồng trẻ chưa bao giờ đầu hàng số phận, luôn động viên nhau lao động để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn…
Đấy là câu chuyện vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Phú (31 tuổi) và chị Lê Thị Thảo (33 tuổi), trú tại tổ 9, P.Duy Tân, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Anh Phú là con đầu trong một gia đình nông dân nghèo, bị liệt chân ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Gia đình quá khó khăn, anh phải rời ghế nhà trường khi còn ở bậc tiểu học để phụ giúp cha mẹ. Được 15 tuổi, anh Phú vào TP.HCM bán vé số để mưu sinh. Một năm sau, Phú xin học việc ở một cơ sở sản xuất xe lăn tại TP.HCM. Chính tại nơi đây, Phú gặp nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ, được chứng kiến sự lao động hăng say của những hoàn cảnh khuyết tật nên càng thêm niềm tin để hướng tới tương lai.
|
Học được nghề cơ khí, anh Phú về lại Kon Tum đi làm cửa sắt với người cậu. Hạnh phúc đến như một giấc mơ khi anh gặp được chị Thảo, cũng bị tàn tật đôi chân, tại một buổi giao lưu ở cơ sở khuyết tật Nguyễn Nga (TP.Quy Nhơn, Bình Định). Sau một thời gian tìm hiểu, hai người đã quyết định kết hôn. Từ ngày lập gia đình, anh Phú tăng cường độ làm việc ở xưởng cửa sắt, chị Thảo thì làm KCS (kiểm tra chất lượng sản phẩm) cho xưởng nên thu nhập cũng đủ để hai vợ chồng sống qua ngày. Hạnh phúc tiếp tục mỉm cười khi chị Thảo sinh đứa con trai đầu lòng vào năm 2008.
Năm 2010, được Quỹ hỗ trợ người khuyết tật ủng hộ 17,5 triệu đồng, anh Phú đã thành lập nhóm Tự lực và mở cơ sở cơ khí người khuyết tật Hoàng Phú. Cơ sở có 5 thành viên khuyết tật khác vào làm, thu nhập ổn định 1,5 triệu đồng/người/tháng. Ban đầu, cơ sở chỉ sản xuất kiềng máng đựng mủ cao su, sau đó chuyển sang gia công cửa sắt, cổng tường rào, mái vòm sắt… “Nhiều lúc rảnh rỗi, anh em chúng tôi làm lồng chim để bán. Có người đặt hàng xe lăn cũng làm luôn, nhưng mà giá cả hữu nghị thôi”, anh Phú cười đầy tự hào khi nói.
Được Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Kon Tum hỗ trợ 30 triệu đồng, vợ chồng Phú đã xây dựng căn nhà hơn 85 triệu đồng. Hằng ngày, ngoài việc làm ở cơ sở, anh Phú có nhiệm vụ đưa con đến trường, đi chợ (bằng xe máy dành cho người khuyết tật). Chị Thảo ở nhà lo quán xuyến sổ sách, đảm đang việc nội trợ. “Việc làm ở cơ sở cơ khí chưa có nhiều, số tiền kiếm được chưa là bao nhưng anh em khuyết tật có điều kiện để lao động cùng nhau, cùng kiếm tiền. Dù kinh tế khó khăn nhưng vợ chồng tằn tiện, tiết kiệm cũng đủ sống hòa thuận, êm ấm. Đấy là hạnh phúc mà không phải ai cũng có được”, chị Thảo tâm sự.
Hoàng Ngọc
>> Phát hiện thi thể vợ chồng trẻ trên sông
>> Vợ chồng trẻ treo cổ chết trong nhà trọ
>> Phá "ổ" bạc của đôi vợ chồng trẻ
>> Đôi vợ chồng trẻ chết trong nhà
>> Vợ chồng trẻ ở Ba Lan
>> Bắt hung thủ sát hại cặp vợ chồng trẻ
Bình luận (0)