Chuyến công du của ông Tập Cận Bình giữa hữu hảo Trung - Nga

20/03/2023 07:10 GMT+7

Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc, thăm Nga từ ngày 20 - 22.3 trong bối cảnh hai nước đang tăng cường quan hệ và đều bị áp lực lớn từ phương Tây.

Hôm nay (20.3), Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du đến Nga kéo dài đến ngày 22.3, theo tờ Hoàn Cầu thời báo. Chuyến đi được thực hiện theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

"Chuyến đi thúc đẩy hòa bình"

Tờ báo dẫn lời ông Uông Văn Bân, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết ông Tập và ông Putin sẽ trao đổi sâu sắc về quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế, các vấn đề lớn trong khu vực mà 2 bên cùng quan tâm, thúc đẩy phối hợp chiến lược và hợp tác thực chất giữa 2 nước, tạo động lực mới cho quan hệ song phương. Cũng theo ông Uông, Bắc Kinh và Moscow sẽ tiếp tục thực hành chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy nền dân chủ lớn hơn trong quan hệ quốc tế, đóng góp cho sự phát triển và tiến bộ trên thế giới.

Hoàn Cầu thời báo cũng dẫn một số ý kiến cho rằng chuyến thăm của ông Tập mang tính chất "hữu nghị, hợp tác và hòa bình" để cho thấy những nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hòa bình và đàm phán. Hai nước đứng trước những cơ hội mới, đặc biệt là về sự phát triển chung và trong lĩnh vực năng lượng.

Chuyến công du của ông Tập Cận Bình giữa hữu hảo Trung - Nga - Ảnh 1.

Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra tại Uzbekistan vào tháng 9.2022

Reuters

Trả lời câu hỏi về việc liệu ông Tập Cận Bình có làm rõ hơn lập trường và đề xuất của Trung Quốc về vấn đề Ukraine, cũng như việc tác động Nga để giải quyết chính trị cuộc khủng hoảng Ukraine trong chuyến thăm hay không, tờ báo dẫn lời phát ngôn viên Uông nói rằng chuyến thăm của ông Tập tới Nga "cũng là vì hòa bình".

Vấn đề Ukraine trong chuyến đi

Trả lời Thanh Niên ngày 19.3, PGS Kei Koga (Chương trình các vấn đề toàn cầu và chính sách công - Trường Khoa học xã hội - Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) cho rằng một trong những tâm điểm của chuyến đi có thể là đề xuất hòa bình gồm 12 điểm cho cuộc xung đột ở Ukraine mà Trung Quốc đưa ra hồi tháng 2.

"Tôi nghĩ rằng Bắc Kinh đang cố gắng giải thích chi tiết hơn về đề xuất 12 điểm và tạo lập trường ngoại giao rằng Trung Quốc nghiêm túc với kế hoạch này và đóng góp cho hòa bình và ổn định quốc tế, như Trung Quốc đã đóng vai trò trung gian để Ả Rập Xê Út và Iran hòa giải gần đây. Động thái này của Bắc Kinh cũng hướng đến giữ thể diện để Moscow xem xét đề xuất một cách nghiêm túc và có thể thực hiện một số phần trong đó ngay lập tức, chẳng hạn như liên lạc ngoại giao với các đối tác Ukraine", theo PGS Koga.

Trong đề xuất 12 điểm của Trung Quốc là hai bên "tôn trọng chủ quyền của nhau", nhưng việc diễn giải "chủ quyền" như thế nào lại là vấn đề mà giới quan sát thắc mắc. "Chủ quyền" 4 vùng ở Ukraine mà Moscow sáp nhập vào Nga thì được tính cho Ukraine hay Nga? Vì thế, vị chuyên gia này cho rằng: "Ukraine khó có thể đồng ý với kế hoạch của Trung Quốc, vì Kyiv đã khẳng định không đàm phán các vấn đề về biên giới".

"Ngoài ra, một thách thức khác là nếu Nga không chấp nhận đề xuất của Trung Quốc hoặc trì hoãn vô thời hạn việc xem xét lựa chọn này, thì câu hỏi đặt ra là mức độ Trung Quốc sẵn sàng gây sức ép với Nga về đàm phán", PGS Koga phân tích thêm.

Ngoài ra, liên quan vấn đề Ukraine, phương Tây gần đây liên tục cáo buộc Trung Quốc đang xem xét viện trợ quân sự cho Nga.

Chia sẻ lợi ích chung

Cũng trả lời Thanh Niên, GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản; Học giả cao cấp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, Singapore) nhận xét: "Trung Quốc và Nga đang tăng cường quan hệ nhờ vào những lợi ích. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cán cân quyền lực tương đối giữa hai bên đã thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Ngày nay, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow đã khiến Moscow phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh. Điển hình, Trung Quốc mua dầu và khí đốt của Nga với giá được giảm khá nhiều. Trung Quốc đã bảo vệ Nga về mặt ngoại giao trước các biện pháp trừng phạt từ LHQ".

"Cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Trung Quốc và Nga lần này còn nhằm đối phó sự liên kết ngày càng tăng giữa các quốc gia phương Tây, chẳng hạn như AUKUS (thỏa thuận ba bên Mỹ - Anh - Úc) hay hợp tác quốc phòng ba bên Mỹ - Nhật - Hàn", theo ông Sato.

TS Patrick M.Cronin (Chủ tịch về an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) phân tích thêm: "Hiện tại, Nga cần sự hỗ trợ của Trung Quốc thì Trung Quốc cũng muốn giữ cho Nga không bị thua cuộc hoặc sa lầy lâu dài trong cuộc xung đột ở Ukraine. Ngoài ra, nếu Moscow tranh thủ sự ủng hộ của Bắc Kinh, thì Bắc Kinh cũng đang hưởng lợi khi tiếp cận một số nguồn tài nguyên của Moscow, nổi bật là nhập khẩu dầu giá rẻ để phát triển nền kinh tế Trung Quốc đang tìm cách phục hồi sau đại dịch Covid-19".

"Nhưng quan hệ hai bên cũng vẫn bị hạn chế bởi sự cạnh tranh lẫn nhau", ông Cronin kết luận. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.