Chuyến công du nhiều ý nghĩa của Thủ tướng Phạm Minh Chính

16/01/2024 07:00 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rạng sáng nay 16.1 đã rời Hà Nội, bắt đầu chuyến công du 8 ngày tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 54, thăm chính thức Hungary và Romania.

Việt Nam sẽ có phiên đối thoại riêng với WEF

WEF Davos lần thứ 54 diễn ra từ ngày 15-19.1.2024 tại Davos (Thụy Sĩ) với chủ đề "Tái thiết lòng tin". Đây là hội nghị có quy mô lớn nhất từ sau đại dịch Covid-19 và có sự tham dự của nhiều lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế nhất từ trước đến nay.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự kiến sẽ có một chương trình liên tục các hoạt động tại WEF Davos năm nay, gồm tham dự và phát biểu tại các phiên thảo luận quan trọng, trong đó có một số phiên đặc biệt dành riêng cho Việt Nam, chủ trì nhiều tọa đàm với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu, tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp.

Chuyến công du nhiều ý nghĩa của Thủ tướng Phạm Minh Chính- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân rời sân bay Nội Bài rạng sáng nay, bắt đầu chuyến công du 3 nước châu Âu từ ngày 16-23.1.2024

NHẬT BẮC

Chuyến công du nhiều ý nghĩa của Thủ tướng Phạm Minh Chính- Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam-WEF hồi tháng 6.2023

NHẬT BẮC

"Việc Việt Nam là một trong 9 đối tác được WEF đề xuất phối hợp tổ chức Đối thoại Chiến lược quốc gia với WEF và Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong 8 lãnh đạo các nước có phiên đối thoại riêng với WEF thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao của WEF cũng như các tập đoàn đa quốc gia đối với vai trò, vị thế quốc tế, những thành tựu và tầm nhìn phát triển của Việt Nam", bà Hằng cho biết.

Theo Bộ Ngoại giao, tại WEF 54, Thủ tướng Chính phủ sẽ chia sẻ đánh giá, nhận định, quan điểm của Việt Nam về triển vọng, thời cơ và thách thức, xu hướng điều chỉnh của kinh tế thế giới cả về cơ cấu và mô hình, tác động đến phát triển của thế giới và từng quốc gia. Từ những kinh nghiệm và bài học của Việt Nam và ASEAN, Thủ tướng sẽ đề xuất những giải pháp cả trước mắt và lâu dài nhằm tăng cường đoàn kết quốc tế, tái thiết lòng tin, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, giữa chính phủ với doanh nghiệp và các đối tác nhằm chia sẻ trách nhiệm chung, xoay chuyển tình thế, biến thách thức thành cơ hội.

"Chúng ta cũng sẽ tiếp tục nhấn mạnh đóng góp trách nhiệm của Việt Nam trong xử lý các thách thức toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực ta có thế mạnh như an ninh lương thực, nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng…; chia sẻ kinh nghiệm điều hành kinh tế vĩ mô, kịp thời nắm bắt và chủ động đón đầu xu thế mới, sự sẵn sàng của Việt Nam trong thu hút đầu tư, nhất là trong những lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, nghiên cứu phát triển, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn…", bà Hằng cho biết thêm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến cũng sẽ trao đổi và đề xuất những định hướng nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, vai trò trung tâm của ASEAN và Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng, củng cố các liên kết thương mại, đầu tư, chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu, giúp phục hồi kinh tế, tăng cường tính chống chịu của kinh tế toàn cầu.

Việt Nam và WEF đã hợp tác những gì ?

Từ khi Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ vào năm 1989, hợp tác giữa hai bên không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực. Với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Davos 54 lần này, Việt Nam có 5 lần tham dự Hội nghị thường niên WEF Davos ở cấp Thủ tướng Chính phủ (2007, 2010, 2017, 2019, 2024), các năm khác thường tham dự ở cấp Phó thủ tướng. Việt Nam cũng đã có 4 lần tham dự Hội nghị WEF ASEAN (trước năm 2016 là WEF Đông Á) cấp Thủ tướng Chính phủ (2012, 2013, 2014 và 2017).

Việt Nam và WEF đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị quan trọng như Đối thoại Chiến lược quốc gia (CSD) giữa Việt Nam và WEF lần thứ nhất (ngày 29.10.2021) chủ đề "Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo". Đối thoại được nhận định là đối thoại chiến lược quốc gia thành công nhất mà WEF phối hợp với một quốc gia tổ chức, cả về cấp tham dự, nội dung, thời điểm và công tác tổ chức.

Tại Hội nghị WEF Thiên Tân 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược quốc gia lần thứ 2 (26.6.2023) với chủ đề "Thúc đẩy động lực tăng trưởng mới để kiến tạo tương lai đất nước".

Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội, Hội nghị WEF - Mê Kông lần đầu tiên ngày 25.10.2016 tại Hà Nội và Hội nghị WEF Đông Á từ 6-7.6.2010 tại TP.HCM.

Ngoài ra, WEF và các bộ, ngành Việt Nam ký kết nhiều biên bản ghi nhớ, tập trung vào 6 lĩnh vực: Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực lương thực thực phẩm; Phát triển kỹ năng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh; Cụm công nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng 0; Thúc đẩy các hành động về nhựa, bao gồm chương trình hành động đối tác toàn cầu về nhựa (GPAP); Tài chính cho chuyển đổi năng lượng tái tạo; và Hợp tác chuyển đổi số và thúc đẩy thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (C4IR).

Cơ hội chuyển tải thông điệp về một Việt Nam năng động

Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị WEF Davos 54 có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện: Thứ nhất, hội nghị là cơ hội giá trị để nắm bắt những tư duy, ý tưởng, mô hình phát triển, mô hình quản trị và các xu thế phát triển của thế giới, hay nói cách khác là trao đổi, lắng nghe "nhịp đập" của thế giới, từ đó tranh thủ, tận dụng kịp thời những thời cơ, xu thế mới, ứng phó hiệu quả với những thách thức đặt ra, thu hút tối đa nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thứ hai, đây là thời điểm lý tưởng để chúng ta chia sẻ, thông tin, quảng bá những thành tựu, định hướng, chiến lược phát triển đất nước, chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam, chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam năng động, đổi mới, là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các tập đoàn toàn cầu; từ đó chuyển hóa môi trường đối ngoại thuận lợi của chúng ta hiện nay thành những kết quả hợp tác kinh tế cụ thể, những dự án đầu tư thiết thực, tạo các động lực mới thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Thứ ba, sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị cùng những chia sẻ, đánh giá, đề xuất của Thủ tướng về tình hình, quan điểm, tư duy phát triển ở tầm toàn cầu, giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết các thách thức nổi lên sẽ tiếp tục khẳng định đóng góp trách nhiệm, hiệu quả của Việt Nam đối với hòa bình, phát triển và các vấn đề quan tâm chung, qua đó nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế, đặc biệt với cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng

Theo kế hoạch, trong chiều 16.1 (giờ địa phương), ngay khi đặt chân đến Davos, Thủ tướng sẽ tham dự 12 sự kiện quan trọng, đáng kể như: Phát biểu tại Tọa đàm về hợp tác phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghệ ô tô, công nghệ bán dẫn và hệ sinh thái; Chủ trì Phiên đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam - WEF (CSD) với các tập đoàn hàng đầu của WEF về chủ đề "Chân trời phát triển mới: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam"; Gặp GS Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Điều hành WEF, và chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác với WEF và nhiều cuộc gặp song phương với Thủ tướng Bỉ, Thủ tướng Hàn Quốc…

Hội nghị năm nay chào đón đại diện của hơn 100 chính phủ, các tổ chức quốc tế lớn và 1.000 công ty đối tác của WEF, cũng như các nhà lãnh đạo tổ chức dân sự, các chuyên gia hàng đầu, những người trẻ đang tạo ra thay đổi, giới doanh nhân và truyền thông. Theo danh sách được công bố, những gương mặt nổi bật tham dự hội nghị có Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres hay Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Chủ tịch WEF Borge Brende cho biết các nhà lãnh đạo sẽ dành phần lớn sự tập trung cho việc đối thoại ngoại giao cấp cao về các cuộc xung đột tại Trung Đông, Ukraine và châu Phi, theo Reuters. Bên cạnh đó, các chuyên gia WEF năm nay xác định thời tiết cực đoan, nạn thông tin sai lệch và nỗi lo về việc trí tuệ nhân tạo được sử dụng cho mục đích xấu là những nguy cơ hàng đầu, theo khảo sát được công bố trong tuần qua.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.