Chuyện của Thuận, chuyện của Hội An

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
14/02/2018 15:00 GMT+7

Từ những mảnh đất người dân làng An Bàng ở không hết đem cho thuê, Thuận đã dựng những ngôi nhà theo cách của mình. Hội An với nhiều khách du lịch, chính là An Bàng, là homestay của Thuận.

Biệt thự bằng vỏ thùng bia và que nướng thịt
Chuyện của Thuận, chuyện của Hội An
Kiến trúc sư Lê Ngọc Thuận Ảnh: Ngô Vương Anh
       
Lê Ngọc Thuận đặt mô hình ngôi biệt thự mơ ước lên chiếc bàn nhựa màu đỏ đậm của quán nước ven sông Hoài, trước cái nhìn sững sờ của kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh - người sáng lập nhiều khu công nghiệp sáng tạo. “Biết tôi là kiến trúc sư, Thuận, thanh niên làng An Bàng a lô nhờ tôi góp ý cho cái villa Thuận sắp xây. Mô hình làm bằng que tre trông như kiểu trẻ con làm”, ông Kỳ Thanh nhớ lại. Biệt thự được gắn trên bìa của thùng đựng bia, trên đó vẽ một hình chữ nhật tô xanh mô tả bể bơi. Còn lại phần kiến trúc nhà được dựng bằng que tre nướng thịt, gắn keo 502…
“Thuận chỉ mô hình và nói cả giờ đồng hồ về từng chi tiết, tỷ lệ không gian của nhà mô hình lại rất ngọt. Thuận cũng nói nhiều về văn hóa làng ở Hội An. Thuận chưa bao giờ học qua trường lớp kiến trúc nào. Nhưng giờ các homestay mà Thuận làm ở Hội An đều kín chỗ quanh năm, giá cao vài trăm USD/đêm. Nó giúp người ta nghĩ đến chuyện có thể thu nhập nhiều hơn nhờ sáng tạo dựa trên văn hóa bản địa”, ông Kỳ Thanh nói. Ông Thanh cho biết, sau này khi Thuận gửi thiết kế nhà dự thi Ngôi nhà mơ ước do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức, hạng mục không chuyên, bài thi của anh cũng kỳ lạ như thế. “Thuận không gửi bản vẽ như những người khác, mà gửi trực tiếp ảnh của căn nhà”, ông Thanh nói.
Trong những bức ảnh đó, cơ ngơi của Thuận là một không gian thoáng đãng với những chi tiết của Hội An mà anh muốn giới thiệu. Là Hội An đấy, nhưng lại chưa từng có trong truyền thống. Những mái lá tranh của người Hội An vốn chỉ nhỏ bé với nhà vách lá thì giờ đây rộng dài mãi ra, vượt những khẩu độ lớn. Những chiếc đèn lồng giờ được đan như khác kiểu đi và không cần phất vải lụa nữa. Một trong những chiếc đèn như thế có hình con cá rất to lớn, nằm trải dài trên thanh xà nhà.
Con cá đó, theo Thuận, chỉ có dáng con cá mà không rõ là loại cá gì. Miệng cá rộng ngoác tươi tắn. Đuôi cá xòe ra phóng khoáng như đang bơi. Thuận bảo, homestay của Thuận ở gần biển thì phải có cá cho có linh hồn biển.
Sửa lại và lưu giữ truyền thống
Về chuyện sửa cả kỹ thuật cũ, tính kết cấu mới sao cho bền vững, Thuận có bài học giá 300 triệu đồng hẳn hoi.
“Tôi và một bạn Tây cùng thuê đất để làm. Lần đầu làm homestay đó, cũng mất một số tiền. Hai đứa thuê nhà xong đưa ý tưởng dựng nhà tre, mái lá. Được 1 năm thì tre bị mọt, mọt kêu cả đêm râm ran. Sau một thời gian nhà xuống cấp liên tục, tái đầu tư liên tục nhưng không hiệu quả. Chúng tôi dỡ ra, bỏ gỗ vô, lợp ngói theo tỷ lệ khác. Tốn thêm tiền. Rồi chúng tôi bán lại dự án đó. Tổng cộng mất 300 triệu đồng. Sau này, chúng tôi mới tính được tỷ lệ gỗ, tre, lá thế nào cho ổn”, Thuận nhớ lại.
Công thức homestay của Thuận được chỉnh dần dần nhưng vẫn theo nguyên lý cơ bản, phải làm sao ngôi nhà đó Hội An nhất, An Bàng nhất. “Khi mở homestay, tôi luôn giữ những khu vườn nhiều cây, tránh cây ra khi làm nhà để giữ khung cảnh tự nhiên. Ngay từ đầu đã như thế”, Thuận nói. Chính vì thế, trong những ngôi nhà Thuận thuê đất để xây rồi kinh doanh, những vườn khế, giếng nước lâu năm đều được giữ lại trọn vẹn.
“Cả làng xóm uống cái giếng đó từ thời tổ tiên cho đến khi có nước máy thì không dùng nữa. Giờ mình vẫn giữ cái giếng cổ tích của ngày xưa ông bà để lại. Ông thần giếng ở đó mà phá họ đi sao được. Mình giữ lại là di tích, di sản”, bà Nguyễn Thị Phương Ni nói. Bà Ni là người có đất cho Thuận thuê để xây một villa xinh xắn, làm homestay. Cây cối trong nhà vẫn giữ nguyên như cũ.
Giờ đây, ở làng An Bàng cũng có nhiều người làm homestay như Thuận khởi nghiệp hồi 2012. Người dân An Bàng sống cùng khách du lịch, cùng chia sẻ sự thân quen của đời sống vùng biển Hội An này mỗi lúc một nhiều lên. Quen đến mức nhiều người về nước rồi vẫn còn quyến luyến.
Phó giáo sư - kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho biết ông đánh giá cao các công trình kiến trúc của Thuận. Mới đây, Lê Ngọc Thuận đã được Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao giải nhất hạng mục Kiến trúc không chuyên của cuộc thi Ngôi nhà mơ ước do Hội tổ chức. Ông Thông là trưởng ban giám khảo cuộc thi này. Theo ông, ban giám khảo đánh giá rất cao Thuận ở chỗ anh là người yêu thích kiến trúc và tự thể hiện kiến trúc đó theo cách của mình. Những bài thi của Thuận chỉ gồm ảnh chụp mà không có bản vẽ kỹ thuật cũng khiến ông thú vị. “Tổ tiên của mình đã làm thế. Người ta cứ tự sáng tạo gọi là kiến trúc dân gian và nó tồn tại vĩnh cửu, nó làm nên dân tộc mình. Kiến trúc mà có thiết kế như mình đang xem là người Tây mới đưa vào hơn trăm năm nay thôi. Lâu rồi không thấy một người tự tạo ra các kiến trúc dân gian như vậy. Câu chuyện đó sẽ khuyến khích người yêu kiến trúc, tự tạo kiến trúc của mình. Chính họ sẽ là người khơi nguồn một nền kiến trúc dân gian đã bị lãng quên”, ông Thông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.