Mới đây, một trong những tựa game thu phí hiếm hoi tại thị trường Việt Nam - Cửu âm chân kinh đã bất ngờ đổi chiến lược vận hành sang mở cửa miễn phí cho người chơi. Giải thích cho sự thay đổi này, bà Lê Nguyệt Minh, Giám đốc Công ty CP trực tuyến Gosu cho biết: “Sau khoảng hơn năm tháng phát hành tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy áp dụng mô hình P2P (Pay to Play - thu phí) là không phù hợp tại thị trường nước ta.”
Cửu âm chân kinh phải chuyển sang miễn phí sau năm tháng vận hành
Nhận xét của bà Minh là hoàn toàn có cơ sở khi thực tế cho thấy game miễn phí đang hoàn toàn chiếm ưu thế trên thị trường game online Việt, trong khi những sản phẩm thu phí như Võ lâm truyền kỳ, Võ lâm truyền kỳ 3D… chỉ là thiểu số rất nhỏ. Rào cản trả phí hàng tháng đã khiến mô hình chơi miễn phí lên ngôi và chiếm ưu thế tuyệt đối tại nước ta.
Võ lâm truyền kỳ 3D là tựa game thu phí mới nhất tại Việt Nam
Thế nhưng, miễn phí liệu có thực sự tốt hơn trả phí? Hãy cùng Thanh Niên Game điểm qua vài điểm khác biệt giữa hai chiến lược vận hành này.
Tiếp cận của người chơi với game
Miễn phí rõ ràng sẽ giúp người chơi cảm thấy thoải mái hơn khi tham gia vào game. Vì vậy, thường thì lượng tài khoản của game miễn phí sẽ đông hơn so với trả phí, trừ phi game… quá dở hoặc gặp vấn đề trong công tác quảng bá. Việc không bắt buộc phải trả tiền khi chơi game cũng đem lại cho game thủ nhiều lựa chọn hơn khi có thể dễ dàng chuyển từ trò chơi này sang trò chơi khác mà không cần lo lắng gì.
Mặt trái của một thị trường toàn game miễn phí là người chơi sẽ có thể… mau chán và khó gắn bó lâu dài với một tựa game nào. Dù vậy, về mặt tiếp cận người chơi với game, rõ ràng game thu phí hoàn toàn bị đánh bại. Đó cũng là lý do để NPH quyết định chọn miễn phí khi cần giải quyết bài toán tối đa hóa lượng người chơi.
Doanh thu của nhà phát hành
Có một thực tế khá trái ngược là game thu phí thường đem lại doanh thu… thấp hơn so với game miễn phí. Vị trí đầu bảng về doanh thu của Võ lâm truyền kỳ đã sớm bị Audition, Kiếm thế, Gunny, Đột kích, Thiên long bát bộ,… lần lượt bỏ rơi từ mấy năm về trước, cho dù lượng người chơi của tựa game thu phí này vẫn rất đông và ổn định. Thống kê cho thấy trung bình game thủ Việt chi khoảng… 400.000 đồng vào game mỗi tháng, cao hơn hẳn so với mức thu phí 120.000 đồng được cho là đắt đỏ của Võ lâm truyền kỳ 3D. Con số này thậm chí còn khủng khiếp hơn nhiều ở các tựa game hot như Kiếm thế, Gunny, Thiên long bát bộ, Võ lâm chi mộng,… với những câu chuyện về “đại gia tiền tỉ”.
Người chơi khi tham gia các game miễn phí đương nhiên sẽ không phải trả tiền cho giờ chơi, nhưng bù lại, sự chênh lệch giữa “đại gia” và “dân cày” sẽ ngày một mở rộng để khuyến khích các game thủ “chịu chi” nạp thẻ. Không có gì là lạ và cũng chẳng thể trách NPH là “hút máu” được, vì việc bán “lợi thế” này gần như là nguồn thu duy nhất của họ. Khoảng cách “giàu nghèo” trong game đôi khi xa đến mức một nhân vật “hàng khủng” có thể thoải mái “một mình chấp hết” hàng chục nhân vật “nông dân” khác.
Game thủ nếu chỉ đơn thuần tham gia trải nghiệm game và không ham đấu đá sẽ ít chịu ảnh hưởng từ hệ lụy của “miễn phí”, nhưng với đa số người chơi, sự “bất công đối xử” này rất khó chấp nhận được. Họ chỉ có hai lựa chọn: hoặc là chi tiền tham gia cuộc đua tranh top hoặc… nghỉ game.
Ở game thu phí, hiện tượng “thiên vị” này rất ít khi xảy ra do tất cả đều đã phải trả phí giống nhau. Game thủ chịu chi có thể bỏ tiền thật ra để mua vật phẩm từ người chơi khác mà không ảnh hưởng nhiều đến hệ thống kinh tế của trò chơi. Đây là một lợi thế lớn của game thu phí khi so sánh với hình thức vận hành miễn phí nhưng ít khi được nhìn nhận đầy đủ tại Việt Nam.
Hack/cheat và văn hóa trong game
Bất kỳ một tựa game nào cũng có thể bị dính hack/cheat dù là thu phí hay miễn phí. Thế nhưng, ở những trò chơi thu phí, công tác “chống trả” các hacker có phần dễ dàng và hiệu quả hơn chỉ bằng việc khóa tài khoản vi phạm. Có rất ít người dám bỏ tiền ra “nuôi” một tài khoản chỉ để “thử” hack/cheat rồi bị khóa. Rào cản thu phí lúc này đã đóng vai trò sàng lọc người chơi rất hiệu quả.
Còn với các game miễn phí, việc tạo tài khoản clone để phá hoại game quá đơn giản và không hề… mất tiền. Khóa tài khoản này lại có tài khoản khác, cuộc chiến chống hack/cheat với game miễn phí gần như không có hồi kết.
Lợi thế của game thu phí với chiêu “khóa tài khoản” cũng phát huy hiệu quả rất cao trong cuộc chiến chống những hành vi vô văn hóa và lừa đảo trong game. Trong khi đó, ngăn cản những thói xấu này trong game miễn phí gần như là điều bất khả thi với các NPH.
Lời kết
Trừ lợi thế giúp người chơi dễ dàng tiếp cận sản phẩm, hình thức miễn phí hoàn toàn không hơn gì so với thu phí mà thậm chí còn yếu hơn ở khía cạnh cân bằng kinh tế và đối phó với tình trạng gian lận, vô văn hóa trong game. Thế nhưng, áp lực tối đa hóa lợi nhuận của NPH và tâm lý thích hàng “free” chung từ người chơi đã tạo nên một thị trường mà game miễn phí chiếm ưu thế gần như tuyệt đối hiện nay. Liệu đã đến lúc game thu phí cần được nhìn nhận một cách công bằng hơn?
Bình luận (0)