Những người trẻ 25-30 khi nhận được thiệp cưới 99% họ biết đó là đám cưới của ai. Ở tuổi tôi, khi nhận thiệp cưới 99% nhìn tên cô dâu chú rể… không biết đấy là ai. Muốn biết thì nhìn vào tên cha mẹ của cô dâu hoặc chú rể.
Cưới xin tùy theo phong tục mỗi miền mà khác hay giống nhau. Trong phạm vi hẹp của bài viết này ta cứ tạm chọn những đám cưới ở ngay Sài Gòn, trong nhà hàng, khách sạn cho dễ hình dung. Đám cưới đã trở thành công nghệ, cái công nghệ không còn chỉ tùy thuộc vào ăn uống mà còn đòi hỏi nội dung và hình thức tổ chức. Tất nhiên tùy theo túi tiền, nhà hàng 5 sao hay trung bình, hình thức ấy sẽ được thể hiện một phần theo ý muốn của chủ nhân, phần nữa quan trọng không kém là từ “tư vấn” của nhà hàng hoặc theo phong cách tổ chức của nhà hàng ấy.
Đời sống kinh tế đã khá lên nhiều nên đi “ăn đám cưới” dường như đã trở thành thứ yếu, bây giờ người ta đi là để “xem đám cưới”. Xem, nghĩa là nhìn ngắm cách tổ chức nhiều hơn là ăn uống. Sân khấu, bài trí, ban nhạc, không khí nó sẽ ra sao? Nó Tây hay ta? Ta hay Tàu… Nhưng đi đám cưới hôm nay cũng quá nhiều hệ lụy phải bàn. Có một câu thành ngữ xuất xứ tận bên Mỹ, nơi cộng đồng người Việt đã hình thành vững vàng từ hơn 30 năm qua: “Không ăn đậu không phải Mễ. Không đi trễ không phải Việt Nam…”. Hệ lụy đầu tiên là vấn đề giờ giấc.
Đúng giờ là biểu hiện ứng xử đầu tiên của văn minh lịch sự. Nhưng với đám cưới ta tin chắc 100% đúng giờ là chuyện viễn mơ cho dù thiệp mời ghi rõ mấy giờ đón khách, mấy giờ vào tiệc. Thói đi trễ hình thành thoạt đầu là phong cách lề mề, cái tâm lý ỷ lại ta đi đúng giờ thì ta vẫn phải ngồi chờ kẻ đến trễ, tội gì mà đi đúng giờ. Chuyện trễ nải giờ giấc có khi chủ nhân đám cưới phải mất thêm tiền giờ cho nhà hàng vì lấn qua giờ của một chương trình tiệc tùng khác. Chỉ ở những nhà hàng hạng sang, hợp đồng tổ chức mới có thể tính toán chặt chẽ hơn, chu đáo hơn.
Sau vấn đề giờ giấc là chuyện dẫn chương trình đám cưới. Những “cái máy nói” của nhà hàng lắm khi hoa mỹ và sáo rỗng đủ để người nghe, khách tham dự hoặc lắc đầu cười hoặc ngượng hết cả tai. Khổ nhất là đọc thơ như đọc vè lại là thứ làm xấu hổ cả vè vì vè không kỳ cục như thế. Thơ lục bát mà vần luật cãi nhau loảng xoảng, câu trên ngang phè với câu dưới, hình thức cầu kỳ như một show tạp kỹ. Nhưng rõ ràng những điều ấy tùy thuộc vào trình độ và đẳng cấp của chủ nhân đám cưới. Gạt bỏ những đám cưới tổ chức kiểu trưởng giả tiền nhiều nhưng văn hóa ít (ma chê cưới trách), ta cũng không nên nặng lời. Những đám cưới có hình thức ấm áp, trang trọng nhưng giản dị phần nghi thức bao giờ cũng làm người tham dự hòa nhập được cái vui của cô dâu chú rể. m nhạc nhẹ nhàng, khung cảnh lịch sự, tuyệt nhiên không có những màn “tấu hài” hay hát với nhau (mà nguy cơ tranh giành sân khấu của khách tham dự biến thành “uýnh với nhau” là chuyện có thật, đã từng xảy ra). Những đám cưới có khuynh hướng văn minh ngày càng xuất hiện nhiều nếu cô dâu chú rể là người có cái nền văn hóa thật sự, cái nền ấy giúp cho sự chọn lựa từ bài trí khung cảnh đến nội dung mang nhiều mỹ cảm cho người tham dự.
Để cưới xin là nét đẹp văn hóa, điều thách thức đầu tiên là đừng đi trễ. Đó là tiền đề cho những hình thái ứng xử văn minh văn hóa khác sau đó. Khi cầm một thiệp mời đám cưới, thử thách đầu tiên của chính tôi - người viết cũng chỉ là: Ta không được phép trễ giờ! Hãy làm được điều ấy trước đã. Bạn đồng ý với tôi?
|
Những đám cưới đặc biệt nhất hành tinh Đám cưới triệu đô
Các tỉ phú và ngôi sao điện ảnh, ca nhạc thường không tiếc tiền "trát vàng, dát… kim cương" cho đám cưới của mình như một dịp để đánh bóng thêm tên tuổi. Lan Chi Đám cưới của người đàn ông nặng nhất thế giới
Đám cưới tập thể dưới nước Vào ngày “may mắn toàn phần” 8.8.2008 đã diễn ra lễ cưới tập thể dưới nước tại Hòn Mun (Nha Trang). Lễ cưới được chia làm hai phần, trên tàu và dưới nước. Phần nghi thức cưới diễn ra hết sức thú vị dưới độ sâu 5m. Khoảnh khắc đáng nhớ nhất là các cặp uyên ương đã trao nhẫn cưới ngay trong thủy cung lung linh, kỳ thú bên những rặng san hô lạ, và những đàn cá đủ sắc màu. Đám cưới qua Internet
Sự phát triển vũ bão của internet đang ngày càng khẳng định vị thế của nó trong đời sống xã hội toàn cầu. Người ta xài internet để tìm kiếm thông tin, đọc báo, giải trí và thậm chí là để cưới nhau. Một anh chàng ở Thượng Hải (Trung Quốc) đã cưới một cô gái ở tận đất nước Brazil xa xôi qua mạng. Thông qua webcam máy tính xách tay của mình, cô dâu đã nói "đồng ý" với chú rể. Lễ cưới này còn được truyền hình trực tiếp hẳn hoi. Đám cưới từ vũ trụ
Trần Ka |
Đỗ Trung Quân
Bình luận (0)