Nhiều người dân ở bản Hào (xã Yên Hòa) khẳng định sau khi nhóm người do anh Lô Văn Ối đứng đầu đào được khối vàng ròng nặng 2,1 kg ở khe Pu, một nhóm người khác cũng đào được 1,1 kg vàng ngay gần vị trí mà nhóm anh Ối đã đào. Để kiểm chứng thông tin này, chúng tôi đã tìm đến UBND xã Yên Na để xác minh thực hư.
Trong tự nhiên, chỗ nào có vàng cục thì xung quanh nó thường sẽ có những cục vàng khác. Vì vậy việc người dân đào được cục vàng nặng 2,1 kg, sau đó người khác phát hiện một số vàng cục ở vùng lân cận là điều dễ hiểu. Khối vàng này được phát hiện chôn sâu dưới khe cùng với đá và cát sạn nên có thể xác định được là vàng sa khoáng, tức chưa qua chế tác. Khi hình thành, vàng “gốc” ra đời cùng lúc với đá. Sau đó, do tác động của môi trường như mưa, lũ nên nó được di chuyển đến địa điểm khác (thường là trôi xuống sông, suối) và được gọi là vàng sa khoáng
|
|
TS Đào Khang, Trưởng khoa Địa lý - ĐH Vinh |
Chủ tịch UBND xã Lô Hoài Thơm xác nhận có nghe được thông tin này. Ông Thơm cho biết trưởng nhóm người đào đãi vàng may mắn này là anh Vi Văn Đào ở bản Xiềng Nưa. Số vàng 1,1 kg gồm vàng cám, nhiều mảnh vàng vụn, trong đó có cục lớn nhất nặng cỡ 0,5 kg. Người nhà anh Đào cũng xác nhận có đào được số vàng này và đã bán được hơn 700 triệu đồng. Số tiền này đã được chia cho 32 người tham gia trong nhóm đào đãi vàng.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay trên các khe suối thuộc các xã Yên Na, Yên Tĩnh và Yên Hòa, nhiều người dân địa phương vẫn mang máy hút ra đào đãi vàng. Chủ tịch UBND xã Yên Hòa Lô Thái Sinh cho biết thực tế thì việc đãi vàng sa khoáng trên các khe suối của xã đã diễn ra từ nhiều năm nay. Ngoài vàng cám, thỉnh thoảng người dân vẫn đãi được một số vàng cục nhỏ cỡ năm bảy chỉ hoặc một cây vàng. Sự kiện nhóm anh Lô Văn Ối đào được 2,1 kg vàng thuộc khe Pu, địa bàn giáp ranh giữa hai xã Yên Hòa và Yên Na là điều chưa từng xảy ra nơi đây. Khu vực này lâu nay ít người vào đào đãi vì lượng vàng sa khoáng không nhiều.
Ông Vi Khăm Mun, nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Na, cho rằng tin đồn có kho báu chôn giấu vàng trên núi chỉ là truyền thuyết xa xưa. Tuy nhiên ông Mun khẳng định tại khu vực núi Pu Đức thuộc bản Xiềng Líp (xã Yên Hòa) vài chục năm trước, người dân bản địa đã phát hiện một số khuôn đúc vàng được làm bằng đất sét do người xưa khai thác vàng để lại.
Theo báo cáo về tài nguyên khoáng sản của Sở TN-MT tỉnh Nghệ An, vàng sa khoáng phân bố rải rác ở các khe suối, sông ngòi của huyện Tương Dương. Điều tra về địa chất cho thấy một số thân quặng có chứa hàm lượng vàng. Khu vực bản Xiềng Líp, Yên Hòa là nơi tập trung nhiều vàng gốc nhất của huyện Tương Dương, tuy nhiên, hàm lượng vàng lại phân tán và trữ lượng không cao.
Năm 2009, có 4 công ty đã được Bộ TN-MT và UBND tỉnh Nghệ An cấp phép cho thăm dò khai thác vàng gốc và vàng sa khoáng trên địa bàn xã Yên Hòa, Yên Na, Yên Tĩnh. Theo lời một cán bộ lãnh đạo huyện Tương Dương, đây là biện pháp để đẩy đuổi số người dân từ các tỉnh phía Bắc vào khai thác trái phép vốn từng là vấn nạn cho chính quyền địa phương từ nhiều năm nay.
Khối vàng tìm thấy trong tự nhiên lớn nhất thế giới nặng hơn 70 kg
Trọng Kha |
Khánh Hoan
Bình luận (0)