12 vận động viên và 3 huấn luyện viên đại diện cho lớp vận động viên chạy, nhảy tiêu biểu đầu tiên của TP.HCM đã nhận trọng trách có chuyến đi lịch sử ra bắc thi đấu giải vô địch điền kinh toàn quốc ngay sau ngày đất nước thống nhất.
Đoàn điền kinh TP.HCM ra bắc thi đấu năm 1976 - Ảnh: Trần Văn
|
Ông Trần Văn Mui, khi đó là vận động viên chạy 400 m, bồi hồi kể lại: “Chúng tôi rất hạnh phúc khi được chọn ra bắc thi đấu. Không ai bảo ai, mọi người rất hồ hởi, ai nấy đều tập luyện hăng say, nghiêm túc và giữ gìn sức khỏe để trước là ra thăm miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã chịu nhiều đau thương mất mát để chi viện cho cuộc đấu tranh giải phóng ở miền Nam. Sau là được giáp mặt với các vận động viên tên tuổi của thủ đô để biết mình đang đứng ở đâu, còn yếu gì nhằm học hỏi vươn lên”.
Tháng 10.1976, 12 VĐV và 3 HLV của đoàn TP.HCM với những cái tên như Trần Thị Hương Thủy, Trần Thị Ngọc Anh, Phan Thiện Tư, Nguyễn Duy Hảo, Huỳnh Quốc Tân, Tăng Đạt Cường, Mai Huệ Lý, Nguyễn Thị Hoàng Nga, Trần Văn Mui, Nguyễn Trung Hinh, Nguyễn Hữu Nam... cùng các HLV Đặng Bá Dũng, Vũ Đức Thượng, Trần Văn Đạo đã vinh dự đại diện cho đông đảo tài năng của thể thao phía nam ra bắc. Khi đó, được đi máy bay là một kỷ niệm khó quên, nhưng máy bay thời đó không đủ nhiên liệu để bay thẳng mà phải “transit” ở Đà Nẵng. Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm, nhiều người xôn xao, ngỡ ngàng với những nét cổ kính và dấu vết chiến tranh còn sót lại của thủ đô. Anh em phía bắc ra đón rất nồng hậu, chân thành khiến mọi người như quên đi những cảnh tượng đập vào mắt khi điều kiện sân bay còn quá nhiều thiếu thốn, nhà ga nhỏ, đường sá còn gồ ghề và nhiều xác máy bay B52 nằm lăn lóc ở dọc đường về.
Những ngày trước và trong thi đấu, đoàn điền kinh TP.HCM vẫn chưa hết háo hức khi được đích thân Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Duy Hưng tiếp, được Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Tạ Quang Chiến đón và chiêu đãi, được thăm lăng Bác, thành Cổ Loa và còn được sắp xếp xem Đoàn ca múa nhạc Trung ương trình diễn ở khách sạn Thắng Lợi. Những người được kỳ vọng khi đó gồm đội tiếp sức 4 x 100 m nam với Cường, Hinh, Tân và Nam, ngoài ra còn có Nguyễn Duy Hảo, từng là tuyển thủ vô địch quốc gia nhiều năm liền trước 1975 ở nội dung chạy 400 m. Bên cạnh đó, 2 cự ly ngắn của Hương Thủy và Quốc Tân cũng được chờ đợi sẽ đứng lên bục chiến thắng.
VĐV Trần Văn Mui tại giải vô địch điền kinh toàn quốc 1977 - Ảnh: tư liệu
|
Thế nhưng dàn sao “khủng” của TP.HCM đã đụng phải ngọn núi lớn khi Hà Nội cũng đưa ra dàn sao “khủng” khác với nhiều tên tuổi lẫy lừng dù khi đó phần đông trong số họ đã lớn tuổi, chẳng hạn như nhảy cao có Hoàng Vĩnh Giang, chạy rào có Trịnh Quốc Trung và nhất là Trần Hữu Chỉ, người từng vô địch Đại hội thể thao Ganefo. Chính Hữu Chỉ giành HCV khi đã đánh bại cả 2 đại diện của TP.HCM là Duy Hảo (bạc) và Văn Mui (đồng) ở nội dung 400 m. Ở cự ly ngắn, Hương Thủy cũng thua Trần Thị Thanh Vân còn Quốc Tân chấp nhận về nhì sau Hà Văn Canh. Tóm lại, đoàn TP.HCM chỉ giành 5 HCB và 4 HCĐ, không có một cái vàng nào.
Chính chuyến đi lịch sử và kết quả không thật như mong muốn này đã để lại cho điền kinh TP.HCM nhiều bài học suy ngẫm. Lớp cựu trào quyết tâm tìm cái hay cái mới để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và đầu tư lớp kế thừa. Bằng nỗ lực không mệt mỏi cộng với sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo TP.HCM khi đó, điền kinh TP đã làm lại một cách ngoạn mục để sau đó 23 năm liền (đến năm 1999) trở thành thế lực luôn đứng đầu cả nước trong các giải vô địch và Đại hội TDTT toàn quốc 3 kỳ liền 1985 - 1990 - 1995.
Chỉ tiếc rằng giờ đây sau hơn 10 năm tuột lại, điền kinh TP đang hối hả làm lại và chưa biết bao giờ sẽ lấy lại vị thế dẫn đầu.
Bình luận (0)