Chuyện đi tắt đón đầu công nghệ xử lý rác

17/08/2017 12:33 GMT+7

Việt Nam là một nước nghèo. Tuy nhiên không ai ngăn cản các nước nghèo áp dụng công nghệ tiên tiến nhất.

Hôm đầu tháng 8, trên tuyến QL 15A đoạn qua khối 13 thị trấn Hương Khê (Hà Tĩnh), hàng trăm người dân ở thị trấn Hương Khê, xã Lộc Yên và xã Phú Phong H.Hương Khê đã ra chặn xe chở rác của HTX Môi trường thị trấn Hương Khê vì cho rằng đơn vị này đổ rác thải bừa bãi.
Theo ông Chủ nhiệm HTX này, do họ thấy dân vứt bừa bãi quá nên cho người gom lại thành từng đống để tìm cách xử lý khi mà không còn chỗ chôn. Cách làm của HTX ông là gom lại, phơi khô, đốt. Bản thân ông có lẽ cũng không biết rằng, việc đốt rác không đúng kỹ thuật như vậy sẽ cực kỳ nguy hại đến sức khỏe.
Chuyện này cũng từng xảy ra với thị xã Sơn Tây, Hà Nội (cách trung tâm thủ đô chỉ gần 40 km). Rác đã khiến không khí cả thị xã vốn rất đẹp, thơ mộng, cổ xưa, là điểm đến của du khách trong nước và thế giới trở nên ngột ngạt mùi hôi thối.
Tôi vừa có cuộc gặp thú vị với giáo sư (GS), tiến sĩ khoa học Nguyễn Quốc Sỹ, Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học điện Liên bang Nga, giảng viên Đại học năng lượng Quốc gia Matxcơva - người đang theo đuổi công trình nghiên cứu xử lý rác thải bằng công nghệ plasma rất hiện đại, trong chuyến ông công tác cùng đoàn các nhà khoa học Nga tại Hà Nội.
GS Nguyễn Quốc Sỹ cho biết, để xử lý rác thải sinh hoạt có những phương pháp khác nhau như chôn lấp, xử lý vi sinh, đốt và hóa khí. Việc chôn lấp như lâu nay ta làm đòi hỏi diện tích lớn và gây ra thiệt hại không thể khắc phục cho môi trường. Xử lý vi sinh làm phân bón (compost), theo ông, thì thường không khả thi vì cần phải phân loại rác đầu vào rất kỹ lưỡng. Phương pháp thiêu hủy rác bằng phản ứng đốt (oxy hóa) cũng chỉ có tác dụng nếu rác trước đó được phân loại kỹ, tách các loại nhựa thải, rác điện tử và y tế… Hơn nữa các phương pháp sử dụng lò đốt bình thường ở nhiệt độ dưới 1.200 độ C lại thường sinh ra dioxin và furan rất độc hại. Các nước có công nghệ cao như Mỹ hay Nga cũng cần phải xử lý rác thải sinh hoạt, nhưng do đất đai quá rộng nên người ta vẫn chưa đến mức phải dùng đến các công nghệ xử lý triệt để như công nghệ plasma để đốt rác sinh hoạt mà vẫn theo lối chôn lấp.
GS Nguyễn Quốc Sỹ cho hay, hiện chưa có nước nào áp dụng được công nghệ plasma cho xử lý rác thải sinh hoạt vì giá thành của công nghệ này rất cao, mặc dù dòng plasma cho phép phân tách hóa học và xử lý các phân tử độc hại rất tốt.
"Việt Nam mình, mật độ dân số đông, đất chật, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt rất bức xúc và chúng ta cần phải có nhận thức mới trong công việc này. Nên tính đến cách sử dụng công nghệ plasma hiện đại một cách chủ động sẽ rất có lợi. Chí ít, ở phương diện môi trường, nó tránh được độc hại so với phương pháp đốt rác thông thường. Tuy phải dùng năng lượng điện nhưng công nghệ plasma đảm bảo không còn các chất dioxin, furan vì được đốt trong lò với nhiệt độ tới 1700-1800 độ C. Rất an toàn. Ngược lại, nếu đốt bình thường, các chất dioxin và furan thải ra cực kỳ độc hại cho môi trường", GS Nguyễn Quốc Sỹ trao đổi.
Theo GS Sỹ, nói là cao, nhưng giá thành xây dựng một nhà máy xử lý rác theo công nghệ plasma cũng là mức chấp nhận được trong điều kiện Việt Nam. Nếu dùng để đốt 250 tấn rác/ngày thì chỉ cần nhà máy điện rác plasma loại nhỏ, đầu tư khoảng 30 triệu USD. Nếu nhà máy công suất 1.000 tấn thì tổng vốn đầu tư chưa tới 100 triệu USD. Và với thủ đô Hà Nội, mỗi ngày xả rác khoảng 5.000 tấn, cần tới 5 nhà máy như vậy, tức là chỉ gần 500 triệu USD là đã giải quyết được vấn đề môi trường có ý nghĩa sống còn này.
Theo ông, ngoài việc sử dụng nguồn điện được phát ra từ xử lý rác, nó vẫn còn dư thừa khoảng 40% điện năng, có thể bán lại cho ngành điện. Sau 5 năm, nhà đầu tư có thể thu hồi vốn và bắt đầu có lời (so sánh với chỉ số của nhà máy nhiệt điện chạy khí thông thường cũng đã là 20 năm).
Công nghệ plasma này thực chất là công nghệ khí hóa ở nhiệt độ cao và có nhiều ưu điểm đặc biệt so với công nghệ đốt rác cổ điển trong các nhà máy xử lý rác thải. 70% chi phí của các nhà máy này là hệ thống làm sạch khí, vì mỗi tấn rác được đốt lại tạo ra từ 6 đến 12 tấn khí thải độc hại vào môi trường. Phương pháp khí hóa plasma rác thải làm giảm chỉ số này xuống còn 1 tấn khí từ 1 tấn rác thải và với thành phần không độc hại cho môi trường. Với nhiệt độ trung bình khí hóa plasma là 1.500 độ C tất cả các chất độc hại chắc chắn sẽ bị phân hủy.
Việt Nam là một nước nghèo. Tuy nhiên không ai ngăn cản các nước nghèo áp dụng công nghệ tiên tiến nhất. Cũng không ai bắt các nước nghèo thì phải dùng công nghệ lạc hậu, thải loại của thế giới nếu họ thông minh nhậm ra, đó sẽ là sai lầm cực kỳ tai hại.
Chúng ta còn nhớ, vào những năm cuối 80 đầu 90 của thế kỷ trước, công nghệ viễn thông của Việt Nam vô cùng lạc hậu. Khi đó, Tổng cục trưởng Bưu điện là ông Đặng Văn Thân đã dũng cảm bày tỏ quan điểm của ông trước Trung ương Đảng rằng không nên tiếp nhận nguồn viện trở đã lỗi thời, lạc hậu đến vài chục năm của Cộng hoà Dân chủ Đức khi họ muốn giúp chúng ta. Và chính sự mạnh mẽ, nhìn xa trông rộng ngày đó của ông Đặng Văn Thân và các cộng sự dưới quyền đã làm được một việc tuyệt vời để sau này, công nghệ viễn thông của Việt Nam không hề thua kém thế giới hiện đại hôm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.