Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển), 5 nước châu Á gồm Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pakistan và Singapore đứng đầu danh sách các đối tác nhập vũ khí nhiều nhất trong 5 năm qua. Các nước này chiếm 30% toàn bộ khối lượng nhập khẩu vũ khí trên thế giới trong giai đoạn nói trên. Cũng theo SIPRI, Trung Quốc không chỉ là một trong những nước mua nhiều vũ khí nhất mà còn đang trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nhiều vũ khí nhất.
Châu Á trong thời gian qua vẫn là khu vực tăng trưởng kinh tế trong khi nhiều nơi khác vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng. Các nước nói trên lại không thiếu lý do để tăng cường vũ trang. Họ theo đuổi 2 mục đích: thứ nhất, tăng cường tiềm lực quân sự để nâng vị thế ở khu vực và trên thế giới, sẵn sàng sử dụng sức mạnh để thực hiện lợi ích riêng. Thứ hai, họ có những đối thủ đáng nghi ngại và phải chạy đua vũ trang để đối phó. Có khả năng tài chính, lại có nhu cầu nên các nước mới tạo nên bức tranh được SIPRI phác họa về buôn bán vũ khí trên thế giới.
Từ báo cáo trên còn có thể rút ra 2 kết luận với tác động tới cục diện tình hình chung ở châu Á - Thái Bình Dương. Thứ nhất, nơi nào mua sắm nhiều vũ khí thì tiềm ẩn nhiều vấn đề và rủi ro về chính trị-an ninh đối với tất cả các đối tác trong khu vực. Thứ hai, nguy cơ mất an ninh và ổn định từ chạy đua vũ trang sẽ lại kích hoạt những vòng chạy đua vũ trang mới.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)