Chuyện dọc đường chiến thắng

23/04/2015 06:28 GMT+7

Nguyên là Phó cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân VN, thiếu tướng Lê Phi Long đã tham gia lên kế hoạch cho hàng trăm trận đánh, mà trận lớn nhất chính là trận giải phóng Sài Gòn. Câu chuyện của chúng tôi với ông về trận đánh này bắt đầu từ một lệnh điều động gấp.

Nguyên là Phó cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân VN, thiếu tướng Lê Phi Long đã tham gia lên kế hoạch cho hàng trăm trận đánh, mà trận lớn nhất chính là trận giải phóng Sài Gòn. Câu chuyện của chúng tôi với ông về trận đánh này bắt đầu từ một lệnh điều động gấp.

Ở tuổi 88, thiếu tướng Lê Phi Long trông vẫn rất phong độỞ tuổi 88, thiếu tướng Lê Phi Long trông vẫn rất phong độ - Ảnh: T.L

Ông kể: “Đầu tháng 3.1975, tôi đang là tham mưu trưởng chỉ huy một cuộc tập trận ở Ninh Bình thì được lệnh về ngay Hà Nội. Lệnh do chính thiếu tướng Cao Văn Khánh, Phó tổng tham mưu trưởng ký. Tôi nhớ mình còn không kịp cả ăn bữa cơm mà lên ngay một chiếc xe commăngca cắm cờ ưu tiên đi một mạch về. Tướng Cao Văn Khánh tiếp tôi ở ngay phòng làm việc và đưa ra yêu cầu. Sau đó, ngày 24.3, tôi cùng anh Lê Trọng Tấn đi máy bay vào Quảng Bình, rồi tiếp tục đi ô tô vào Sở Chỉ huy Đoàn 559 chỗ anh Đồng Sỹ Nguyên ở Bến Tắt, ngay bên bờ sông Hiền Lương”.

Tác chiến thần tốc 

Thiếu tướng Lê Phi Long tâm sự, lần đi này có một cảm giác vô cùng khác lạ. Có một cái gì đó phấn khích xen lẫn hồi hộp, căng thẳng, gấp gáp, nhưng lại rất lạc quan, nhất là trong bối cảnh ta vừa thắng lớn ở Tây nguyên. “Nhiều năm làm ở Cục Tác chiến, kinh nghiệm cho tôi biết đây không giống những chiến dịch quân sự như trước mà chính là trận quyết chiến chiến lược, quyết định vận mệnh của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, ông nhớ lại.

Lúc đó, ông là Trưởng phòng Tác chiến cánh Đông, quả đấm chủ lực trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Cánh Đông (còn gọi là cánh quân Duyên Hải) do tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy. Cánh Đông có nhiệm vụ giải phóng các đô thị ven biển dọc theo trục bắc - nam, tiến tới phối hợp cùng các cánh quân khác giải phóng Sài Gòn. Ông Long và các cán bộ phòng tác chiến có nhiệm vụ theo dõi tình hình, bám sát các bước tiến quân của ta để kịp thời báo cáo về để tổng hành dinh ra chỉ đạo.

Ngày 26.3 giải phóng Huế. 29.3 giải phóng Đà Nẵng. Tiếp đó là Quy Nhơn, Nha Trang. Diễn biến tình hình ngày một gấp gáp. Thực tế chiến trường cho thấy quân VNCH đang mất tinh thần, nhưng chiến sự ở một số nơi vẫn còn rất căng thẳng, và trên chính trường, vẫn còn để ngỏ những khả năng có thể không thuận lợi: ví dụ như Mỹ có thể quay trở lại can thiệp để cứu vãn tình hình. Tốc độ tiến quân của ta rất nhanh, đòi hỏi ông Lê Phi Long và các cán bộ tác chiến phải liên tục theo sát, phân tích tổng hợp thật chính xác để có những đề xuất cách đánh hợp lý.

Bên cạnh những bộn bề của công việc, chiến dịch lịch sử này cũng để lại trong ký ức của ông Long những kỷ niệm có lẽ là đẹp nhất đối với một người mặc áo lính. Đó là niềm vui nghẹn lời mà tướng Mai Xuân Tần đã chia sẻ với ông khi trở thành người lính đầu tiên được đặt chân trở lại quê mình - chợ Truồi (Huế), với tư cách của một người chiến thắng.

Khi phòng tác chiến của ông vào đến Phan Rang, nhìn quần áo của các chiến sĩ Quân khu 6 ở Diên Khánh rách tả tơi sau những trận đánh, ông đã ký ngay quyết định thay toàn bộ quân phục, quân trang mới cho họ vì theo quan điểm của ông thì đoàn quân chiến thắng không thể trông bệ rạc được.

Góp phần làm nên dấu ấn  

Sau khi xóa sổ tuyến phòng thủ Phan Rang, cánh quân phía Đông tiếp tục tiến về Long Thành, phía đông nam Sài Gòn, chuẩn bị phối hợp cùng các cánh quân khác đồng loạt nổ súng bắt đầu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Theo kế hoạch, ngày nổ súng là 28.4, và ngày 30.4 các cánh quân sẽ tiến vào Sài Gòn từ các phía. Nhưng cánh Đông muốn được khai hỏa trước, vào ngày 26.4, do đường tiến quân có địa hình phức tạp, phải vượt qua hai sông lớn là Đồng Nai và Sài Gòn, và trên đường còn rất nhiều cứ điểm địch. Ông Lê Phi Long trực tiếp nhận lệnh của tướng Lê Trọng Tấn đi đến Bộ Chỉ huy chiến dịch ở Lộc Ninh để xin ý kiến về đề xuất này.

Có lẽ khi mang đề xuất này đi xuyên đêm qua những con đường tắt lau lách cứa rát người, ông Long chưa đoán được mình đang góp phần giúp cánh quân phía Đông ghi danh khi trở thành đơn vị đầu tiên vào đến Sài Gòn vào ngày 30.4 lịch sử. Bộ chỉ huy khi đó gồm Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Phạm Hùng... sau khi nghe Lê Phi Long báo cáo, đã nhất trí với đề xuất của cánh quân phía Đông. Ngày 30.4, chiếc xe tăng của Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, thuộc Quân đoàn 2, cánh Đông đã xô đổ cánh cổng dinh Độc Lập. Những người đồng đội của ông Long là người đầu tiên cắm lá cờ lên nóc dinh, đánh dấu sự kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm.

“Khi nhận được tin chiến thắng, cảm xúc của tôi là mừng vui khôn xiết”, thiếu tướng Long nhớ lại. Lúc đó, ông đang ở Sở Chỉ huy tiền phương trong rừng Ông Quế, bên cạnh tướng Lê Trọng Tấn. Hai người lính đã lặng đi, cảm giác nhẹ tênh. Rồi rất nhanh, họ lại nói về những việc cần làm tiếp theo. Tiếng súng đã tắt, nhưng còn rất nhiều việc phải làm: tiếp quản thành phố, bảo quản tài sản của dân, lo củng cố kho tàng, quản chế binh sĩ chế độ cũ...

Dòng suy nghĩ cũng dẫn về cả những người đã nằm xuống, và cả những người vô danh đã giúp những người lính cụ Hồ trong từng bước đường đến chiến thắng cuối cùng.

Trong suốt đời binh nghiệp của mình, thiếu tướng Lê Phi Long đã là chứng nhân hoặc là một phần của rất nhiều sự kiện lịch sử. Ngay từ năm 1953, ông đã là một trong 24 sĩ quan thuộc Tổ nghiên cứu lý luận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp phụ trách, để tìm ra cách đánh Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Mậu Thân, gần như ông ăn ngủ trong tổng hành dinh, theo sát tình hình chiến trường, mỗi ngày làm ba báo cáo, sáng (6 giờ), trưa (12 giờ), chiều (6 giờ) cho một số ủy viên Bộ Chính trị. Ông cũng từng là cán bộ đốc chiến ở mặt trận Quảng Trị, đã từng trải qua những trận đánh ác liệt ở Đường 9 Nam Lào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.