Bám trụ cả tháng để mua vé cho con vào Sài Gòn
Xin nói ngay, không phải người Sài Gòn “dạt” ra miền Trung ở rồi thành xóm, mà “địa danh” xóm Sài Gòn là do các bác tài xe khách đường dài đặt cho. Bởi chiều nào ở cái ngã ba giáp với QL1 này cũng náo nhiệt với hơn chục chiếc xe giường nằm lần lượt dừng đón khách đi Bến xe Miền Đông.
Tầm 5 - 8 giờ sáng, cũng chừng ấy chiếc dừng trả khách từ Sài Gòn về. Phỏng tính, có đến hàng trăm người Sa Huỳnh định cư hoặc tạm trú ở cái thành phố lớn nhất miền Nam này.
“Xóm Sài Gòn” ngày thường đã vậy. Ngày cận tết “nóng” gấp nhiều lần dù thời tiết lúc nào cũng se lạnh. Các bà mẹ, ông bố nháo nhào tìm mua cho người thân tấm vé về quê ăn tết.
|
“Mà đâu chỉ vé về. Tụi nhỏ còn đòi mua luôn vé vô, khứ hồi mà, cho chắc ăn để yên tâm chơi tết. Vậy mới khổ! Tui phải chạy đôn chạy đáo, nhờ đại lý điện thoại đặt vé tận trong Sài Gòn, liên hệ tuốt ngoài bến xe Quảng Ngãi”, chị Hiền kể.
Chị Hiền có hai đứa con học đại học. Một đứa gần ra trường, một đứa mới năm nhất. Vị chi là bốn vé. Chị “bám trụ” ở đại lý vé từ giữa tháng 11 mà gần một tháng sau mới có vé. “Trời ơi! Tui mừng hết lớn bà con ơi!”, rồi chị mắng yêu sắp nhỏ: “Mẹ cha nó! Học rồi hổng biết có làm vương làm tướng gì không mà tụi nó báo cô, tui chịu hết nổi”.
'Chạy sấp chạy ngửa' đổi vé tết
Chuyện đặt vé đầy “khổ ải” của chị Hiền cũng là chuyện của hàng trăm người mẹ, người cha ở cái xóm “Sài Gòn” này. Có người đặt vé xong yên rồi. Đùng một cái, con (làm công nhân) điện về nói: "Má ơi dời vé lại cho con. Công ty nói 22 cho nghỉ tết nhưng giờ đổi tới 27 mới nghỉ lận. Mình bỏ về trước là… khỏi nhận lương, mất quà, mất luôn tiền thưởng. Mẹ đổi vé cho con nghen".
Người mẹ tức nghẹn. Mua cặp vé về - vô cũng "chạy sấp, chạy ngửa" chớ đâu có dễ. Giờ nó biểu đổi, y như chuyện chơi vậy. Rồi cũng đổi được nhưng mất cả tuần. Lúa tháng giêng, tiền tháng chạp, mua cặp vé mất hơn hai triệu đồng. Có sao nói vậy, năm nào nó cũng đưa tiền lại nhưng lương nó thấp quá, làm cha làm mẹ thương nó hổng hết sao nỡ lấy tiền của nó. Rốt cuộc nó cười, nói cám ơn “mum”. Còn bày đặt ôm hun, nói mẹ… muôn năm!
Người dân "tay xách nách mang" về quê đón Tết
Ảnh minh họa: Thu Hương
|
Cũng với “điệp khúc” vé tết, chị Lã, có con bán chả cá online ở Q.Thủ Đức (TP.HCM), nói đang ngày làm tháng ăn mà tụi nó “réo vé” hoài. Chị phải bỏ công bỏ việc, ăn rồi xách nón lên đại lý chực chờ. Đại lý đang hẹn thì cha nó ngoài biển điện về hối thúc. Cha con nó làm như chị ở không! Mất cả chục ngày công làm cá mới mua được vé cho con. Ổng còn “rủ” chị sửa soạn, trang trí nhà cửa sớm. Nói, con nó đi đường xa về mệt, bắt nó dọn dẹp nhà cửa tội nó. Nó về chơi là “phúc” cho cặp vợ chồng già này.
Chị Thường (nhà cuối xóm “Sài Gòn”) kể: "Tui vừa giữ “con của con” mệt muốn chết, lại vừa lo vé cho vợ chồng nó. Chồng đi biển, chị phải nách cháu với cái bình sữa kè kè, ăn dầm nằm dề tại “phòng vé” của xóm. Cầm được cái vé, nói thiệt tui mừng tới mức tưởng chân đi… hổng chạm đất luôn".
Xóm “Sài Gòn” những ngày cận tết nói không hết chuyện Sài Gòn. Từ sáng đến tối, hễ gặp nhau là xôn xao chuyện mấy nhỏ có vé chưa, chừng nào tụi nó về, mùng mấy tụi nó vô?
Trong làng người ta đang rục rịch cúng tất niên. Riêng xóm “Sài Gòn” thì chắc nịch một câu: “Lật đật gì! Để mấy nhỏ về đông đủ cái đã. Tất niên sum họp mới vui”.
Bình luận (0)