Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 4: Đạt đạo cõi thơ

21/09/2013 00:30 GMT+7

Chiều qua (20.9), dự lễ tưởng niệm Bùi Giáng ở Nghĩa trang Gò Dưa (TP.HCM) xong, lão thi sĩ Trần Đới, 82 tuổi - tác giả thi phẩm Tảo mộ lênh đênh, đã nói chuyện với chúng tôi một cách say mê về Bùi Giáng, mở đầu vỏn vẹn với bốn chữ Bùi Giáng đạt đạo.

>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 3: Cuốn sổ nợ 'đoạn trường
>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 2: Thiên tài không thể định nghĩa
>> Chuyện đời Bùi Giáng: Ai đưa Bùi Giáng vào nhà thương điên ?

Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 4: Đạt đạo cõi thơ
Bùi Giáng làm thơ trên xe xích lô - Ảnh: Tư liệu

Đạt đạo như thế nào? Nghe hỏi, Trần Đới nói với giọng khá to:

- Đạt đạo ở chữ “mỹ”. Có người vào đạo qua chữ “chân”, hoặc chữ “thiện”, còn Bùi Giáng đạt đạo ở cõi thơ tức vào đạo qua chữ “mỹ”. Giống như muốn vào một thành phố có nhiều cửa, người ta chỉ cần vào một cửa là được - Bùi Giáng đã theo cửa “mỹ” ấy để vào, thì cả “chân” và “thiện” cũng thành tựu một lần theo bước chân ông.

Trần Đới nói: “Mình bắt đầu quen Bùi Giáng tại Đại học Vạn Hạnh - Sài Gòn năm 1972”, lúc ấy đại học này quy tụ một số tài danh thi văn như Phạm Công Thiện, Phạm Thiên Thư, Tuệ Sỹ, Trần Xuân Kiêm… Những ngày sống với Bùi Giáng tại một căn phòng vừa rộng vừa trống trải tại Tổng vụ thanh niên Phật tử, mỗi sáng hễ rủng rỉnh vài ba đồng trong túi là họ kéo qua quán phở Vũ Hùng gần đó ăn, xong về nằm “mỗi người làm việc của mình” trên những cái giường sắt trải nệm vừa cũ vừa mòn, nhưng có thể nhún nhảy tha hồ nhờ đám lò xo bên dưới. Chính ở đó Trần Đới đã làm thơ rồi đưa Bùi Giáng đọc, có lần Bùi Giáng đọc xong đã nhắc ông hãy tránh lối nói đao to búa lớn: “Chuyện như kia mà nói lời như thế, đó là lời tục tĩu của bọn phàm phu muốn bắt chước các ông thánh. Siêu thực không phải chỉ là chuyện ở trên mây. Càng không nên bắt chước lối nói của Phật, Chúa, Khổng, Lão. Phật, Chúa, Khổng, Lão đang nằm nhún nhảy, giỡn cười và hút thuốc trên giường đây nè! Chú mày hãy nghe tiếng cút kít của chiếc giường và nhận ra pháp âm của đạo. Ngôn ngữ của thi ca là cảm tính đi trước, tư tưởng đi sau…”. Và muốn làm thơ lục bát nên đọc và ngẫm các câu: “Đồn xa quằn quại bóng cờ/Phất phơ buồn tự thời xưa trở về… Người lên ngựa kẻ chia bào/Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san… Cặp trên của ai vậy anh? - Huy Cận. - Dưới thì Kiều… - Ừ. - Rứa còn của anh? câu nào mà anh cho là đạt nhất? - Ông lộn xộn hoài… Muốn gì đấy? Mưa nguồn và Lá. Nhưng đọc xong thì quên tuốt mẹ nó đi. Hãy quên, tất cả những gì mà từ trước đến nay đã biết. Hãy quên đi rồi hãy viết. Hãy viết như viết trong chiêm bao: nơi đó mọi thứ đã trộn lẫn. Một thứ trộn lẫn đầy cảm động và mãnh liệt. Đừng có chằm hăm vào một cái gì, một chỗ nào. Hãy nên chằm hăm vào rạt rào, như vậy, như vậy… - Vậy vậy!”.

 

Lão thi sĩ Trần Đới nói đại ý người “đạt đạo” không ngự trên mây xanh mà hòa lẫn với vạn duyên trong trời đất, không từ chối niềm xôn xao chào đón của những hạt bụi, cỏ  hoang, hoa dại và sương khói bên đường. Có thể nghiệm ra điều ấy qua hành trang của một Bùi Giáng lang thang, khi thì ngồi làm thơ trên “xô xích le” (xe xích lô), khi thì lượm bao ni lông, giấy vụn…

Vừa nói, Trần Đới vừa đưa chúng tôi xem tập san kỷ niệm Bùi Giáng in đã lâu nhưng chỉ phổ biến rất hạn chế trong vòng thân hữu chứ chưa rộng rãi và bảo chúng tôi nếu thấy được hãy trích giới thiệu với bạn đọc trẻ ngày nay, trong đó có đoạn Trần Đới hỏi: “- Lô hỏa thuần thanh là chi rứa anh Bùi?”  - “Ngọn lửa đã xanh… Lửa đã xanh thì tươi mát như ngọn lá đa mới nở. Nhưng sức nóng mãnh liệt của nó xuyên thủng bất cứ thứ cứng rắn nào”. Trần Đới cũng nhắc đến một người: Phạm Mạnh Hiên - tác giả của một bài viết khác trong tập san trên, trích dưới đây:

“Tôi nhớ năm 1973, nhà văn Mai Thảo (đã chết ở Mỹ) và Nguyễn Xuân Hoàng lúc đó đang trông coi tập san Văn có ý muốn làm số đặc biệt về Bùi Giáng. Tôi vốn mê thơ Bùi Giáng từ lâu, dù chưa được gặp anh, tôi xăng xái viết cho Văn một lúc hai bài (ký bút danh Nam Chữ và Thục Khưu). Báo ra, một bữa tôi đến tòa soạn lãnh nhuận bút, bất ngờ gặp Bùi Giáng ở đấy. Sau lời giới thiệu của N.X.H rồi cùng kéo nhau ra quán cóc bên hông tòa soạn uống lave. Thế là tôi đã được gặp Bùi Giáng, một Bùi Giáng bằng xương bằng thịt hẳn hoi! Tôi cảm thấy vô cùng mãn nguyện đồng thời cảm thấy nhỏ bé trước anh vô cùng. Từ đó giữa anh Bùi Giáng và tôi trở nên thân thiết. Anh Bùi Giáng ở một góc nhỏ trong căn phòng rộng với vài vị sư khác trong Viện đại học Vạn Hạnh. Tôi thường lên anh chơi. “Tài sản” của anh chỉ có chiếc giường sắt cá nhân, manh chiếu mỏng, dưới gầm giường lủ khủ đủ thứ loại sách. Tôi rất ngạc nhiên, sau bao nhiêu năm thân thiết với anh, chẳng bao giờ tôi thấy anh ngồi bàn viết (mà bên chỗ anh nghỉ ngơi cũng không có chiếc bàn chiếc ghế nào). Lúc nào anh cũng nằm ngửa viết, nằm ngửa đọc trên chiếc giường cá nhân của mình. Anh viết nhanh, viết nhiều bằng những cuốn vở tập học sinh, những cuốn sổ dày kẻ ca-rô. Tôi thường cùng anh ngao du khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, bất kể đêm ngày. Những lúc đó tôi thấy anh làm thơ sao mà dễ dàng, ngồi đứng gì chữ cũng cứ theo ngòi bút trên tay anh trào ra ào ạt. Anh làm thơ bất cứ đâu, bất cứ chỗ nào, miễn là trên tay anh có bút giấy hay những trang sách nào đó cũng được, đặc biệt sách nào anh đọc qua đều thấy chằng chịt những ghi chú lẫn cả thơ anh viết. Được đi ngao du với anh như thế cũng là đã lắm rồi. Có lần say ngất ngưởng, sáng tỉnh dậy, thấy mình đang nằm ở vỉa hè. Thú vị xen lẫn với ngỡ ngàng, ngơ ngác!”. (Còn nữa).

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.