Chuyện đời Giáo sư Trần Văn Khê

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
24/06/2019 06:14 GMT+7

Tác giả kịch bản phim, nhà báo Nguyễn Chương, từng có thời gian gần gũi và hầu chuyện với Giáo sư (GS) Trần Văn Khê.

Cuốn sách Giáo sư Trần Văn Khê những câu chuyện để lại do NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành của anh (ảnh) là tập hợp những câu chuyện đời thường về GS mà anh ghi nhận được trong quá trình ấy.
Mất mẹ từ lúc 9 tuổi, rồi mồ côi cha năm lên 10 nên GS Trần Văn Khê luôn có nỗi lòng của một đứa trẻ bị thiệt thòi. GS kể lại những ngày tháng khốn khó đầy cảm động: “Sau này lớn lên, dù có tiền, tôi vẫn xài xe cũ. Tôi cũng không đi ăn tại những hiệu ăn sang trọng mà vẫn chọn những hiệu ăn của sinh viên để trả tiền ít nhưng vẫn ăn cơm đầy đủ...”.
GS Trần Văn Khê “vướng” phải một cuộc tình không thể nào quên trong cuộc đời. Đó là vào năm 1960, thời gian này ông hơi... nhàn rỗi nên hay lên núi vào mùa đông. Tại đây, tình cảm giữa ông và một người bạn gái nảy nở. Chỉ sau một tuần gặp gỡ, tiếng sét ái tình đã “mê man” đến mức cảm thấy không thể nào sống thiếu nhau được. Theo ông tiết lộ: “Nếu chỉ nghe tiếng con tim réo gọi thì chúng tôi có thể bỏ tất cả gia đình và công việc để chung sống với nhau”. Đến lúc mọi rung động qua đi, nhường chỗ cho lý trí, GS bùi ngùi trước cuộc tình tan vỡ: “Thỉnh thoảng cô gửi cho tôi vài bài thơ, trong đó có bài với tựa đề Nhớ thu, đọc kỹ ra có thể đoán là cô vẫn nhớ tôi...”.
Cuốn sách còn nhắc nhiều về tình bạn đẹp của GS Trần Văn Khê và nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, hay “Giận thì giận mà thương thì thương” với Phạm Duy. Chuyện cô Bảy Phùng Há sang Pháp, “mang chuông đi đánh xứ người” đề nghị ông tìm người vào vai Điêu Thuyền khó như mò kim đáy biển, việc nghệ sĩ Năm Châu tặng ông danh hiệu “Nghệ sĩ danh dự”... được GS Trần Văn Khê nhớ mãi đến tận cuối đời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.