Anh Trương Văn Dũng (45 tuổi), quê ở thị trấn Bồng Sơn, H.Hoài Nhơn, Bình Định. Mẹ ruột anh, bà Lê Thị Tâm, nay đã 91 tuổi hiện sống một mình ở quê với tiền trợ cấp xã hội. Còn anh Dũng, khi xã hội vừa thừa nhận những nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ của mình, cũng chính là lúc cơn bạo bệnh quái ác quật ngã anh.
Đam mê nghiên cứu
Năm 1989, sau khi trượt đại học, anh Dũng ở lại TP.HCM học nghề đông y, sau đó đến thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh hành nghề. Tại mảnh đất miền Đông Nam Bộ nắng gió, anh Dũng cưới được vợ, rồi định cư luôn ở quê hương mới.
Ngày ấy, trong những lần lui tới thăm bệnh, anh Dũng và con gái gia chủ trò chuyện tâm đầu ý hợp. Thấy vậy cha mẹ cô gái đã gả con cho anh và nhận anh về ở rể, xem như con trai của họ. Từ ngày có chỗ ở ổn định và không phải lo chuyện áo cơm, anh Dũng tập trung thời gian, tiền bạc, trí lực vào việc làm thuốc, nghiên cứu y học. Có người bệnh, dù đêm hay ngày, anh cũng tìm cách đến nơi thăm khám.
Ngoài những lúc khám bệnh, bốc thuốc, thời gian còn lại anh Dũng không rời những quyển sách chất đầy phòng và màn hình máy vi tính. Đọc, ghi chép, tra cứu và thực hành cả ngày, đến tận đêm khuya nhưng anh chưa bao giờ thấy chán.
Gục ngã khi thành công vừa đến
Nhưng mối lương duyên ở mảnh đất mới không bền lâu, vợ chồng anh sớm chia tay. Từ đó, anh Dũng sống một mình trong căn phòng trọ nhỏ, tiếp tục làm nghề đông y.
Trong một lần đi khám chữa bệnh, nghe thân chủ than, muỗi nhiều như trấu làm sao mà không bị sốt xuất huyết được, anh Dũng nảy sinh ý định nghiên cứu chế phẩm diệt muỗi.
Sau một thời gian tìm tòi, anh gần như đã thành công với chế phẩm diệt muỗi và các sinh vật hút máu. Nhưng anh chợt nhận ra, không nhiều thì ít, chế phẩm đó cũng ảnh hưởng sức khỏe con người. Nên thay vì “diệt”, anh Dũng chuyển sang hướng “đuổi”, từ đó tập trung nghiên cứu chế phẩm “Xua đuổi sinh vật hút máu”.
Với các thảo dược thông thường, các chất thiên nhiên thân thiện với môi trường như Bạch truật, A nguy, bánh men rượu cùng một số chất khác, anh Dũng đã tạo ra chế phẩm “Xua đuổi sinh vật hút máu” dưới dạng bột và kem. Chế phẩm có tác dụng xua đuổi các loại côn trùng hút máu gồm các loài muỗi, ruồi trâu, vắt, đỉa, bọ chét, rận, rệp, chấy và các loài tương tự. Người sử dụng chế phẩm này không sợ bị đỉa cắn khi ngâm mình dưới nước hay bị vắt bám đi rừng và trong mọi trường hợp đều không lo bị sinh vật hút máu gây hại.
Năm 2004, anh Dũng nộp hồ sơ đề nghị cấp bằng sáng chế độc quyền cho chế phẩm mà mình sáng tạo ra.
Với việc chế tạo thành công chế phẩm “Xua đuổi côn trùng hút máu”, lương y Trương Văn Dũng được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng sáng chế vào cuối tháng 4.2015.
Tháng 1.2016, Đài Truyền hình Việt Nam mời anh Dũng tham gia chương trình “Sáng tạo Việt” số 45 phát sóng lúc 9 giờ ngày 3.1.2016 trên sóng VTV3.
Nhưng bất hạnh đã ập đến với người thầy thuốc đông y này.
Cô độc đối đầu bệnh tật
Sau nhiều năm sống kham khổ, ăn uống thiếu thốn, đạm bạc, anh Dũng suy kiệt, bị viêm mô cầu não thần kinh, liệt cả người. Anh ngã bệnh khi chưa tìm được đối tác sản xuất chế phẩm “Xua đuổi sinh vật hút máu”.
Ngày 3.6, chủ nhà trọ phát hiện anh Dũng nằm bất động trên giường, đã cùng bà con lối xóm đưa đến bệnh viện điều trị. Lúc này, trong người anh Dũng chỉ có 20.000 đồng. Trong căn phòng khoảng 8 m2, ngoài chiếc giường xếp, chiếc bàn nhỏ, chỉ có những chồng sách chất cao là tài sản đáng giá.
Sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, ngày 19.7, anh Dũng quay về lại Bình Định, nhập Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định trong tình trạng liệt toàn thân.
Không người thân bên cạnh, không một đồng trong túi, anh Dũng được đưa vào danh sách bệnh nhân lang thang cơ nhỡ và hiện đang chống chọi với căn bệnh quái ác tại Khoa Hồi sức cấp cứu nội.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Phan Anh Ngọc, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nội, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, cho biết: "Anh Dũng bị vi rút tấn công dây rễ thần kinh, gây tổn thương tủy. Khi đưa đến Khoa Hồi sức cấp cứu nội, tình trạng sức khỏe của anh rất xấu, đến nay có dấu hiệu tiến triển tốt. Hiện nay anh Dũng phải thở máy. Bệnh anh Dũng có thể sẽ thuyên giảm nếu tủy hồi phục. Tuy nhiên lúc này chưa nói trước được điều gì...".
Bình luận (0)