Chuyển đổi số hướng đến phục vụ người dân chu đáo hơn

Gia Bách
Gia Bách
28/04/2023 09:27 GMT+7

Cùng với các địa phương trong tỉnh, TP.Cà Mau đã và đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số theo mục tiêu đã đề ra, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Tận tâm phục vụ người dân

Thời gian qua, được sự quan tâm của các ngành, các cấp, TP.Cà Mau đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện công tác chuyển đổi số từ thành phố đến xã, phường.

Theo đó, các địa phương bám sát mục tiêu kế hoạch của Thành ủy và UBND thành phố về triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau và Đề án của UBND tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu trong các cơ quan nhà nước; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số. Từ đó, để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội, phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Chuyển đổi số hướng đến phục vụ người dân chu đáo hơn - Ảnh 1.

Đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Ảnh: Gia Bách

Để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên địa bàn, UBND TP.Cà Mau chỉ đạo 17 xã, phường thành lập 115 tổ công nghệ số cộng đồng tại ấp, khóm, với hơn 500 thành viên tham gia để triển khai các nền tảng số.

Cụ thể, hình thức thực hiện là trực tiếp đến từng hộ gia đình, khu dân cư, qua điện thoại, qua các cuộc họp, hội nghị, tập huấn làm mẫu, hướng dẫn cho từng hộ gia đình trên địa bàn cài đặt, sử dụng ứng dụng chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau (CaMau-G), VNeID, sàn thương mại điện tử (Voso, Postmart), dịch vụ thanh toán điện tử (Viettel Money, VNPT Money), phần mềm VnCare, hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia..., đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Đối với nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chỉ đạo, triển khai đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức thành phố và xã, phường phải gương mẫu, đi đầu trong nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Đồng thời, tăng cường thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người thân, gia đình, người quen... tạo tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến.

Đến nay, 100% cán bộ, công chức, nhân viên thành phố có tài khoản để giao dịch trực tuyến; 100% các phòng chuyên môn và UBND xã, phường đã được cấp chữ ký số chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Chuyển đổi số hướng đến phục vụ người dân chu đáo hơn - Ảnh 2.

Tình nguyện viên hỗ trợ người lớn tuổi thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Ảnh: Gia Bách

Đẩy mạnh thanh toán điện tử

Thời gian qua, để đẩy mạnh tuyên truyền thanh toán điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thanh toán không dùng tiền mặt, thành phố đã phối hợp Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Cà Mau mở tài khoản ngân hàng miễn phí trực tiếp tại nhà cho người dân trên địa bàn, nhằm phục vụ nhu cầu giao dịch.

Song song đó, thành phố triển khai, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử; mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng kinh doanh và quan trọng nhất là cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng cho khách hàng…

TP.Cà Mau hiện có 5 cơ sở kinh doanh được Sở Công thương phê duyệt hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tử. Qua đó các doanh nghiệp có thêm kênh quảng bá, xúc tiến thương mại bên cạnh các kênh hiện hữu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, tiết kiệm chi phí.

Bên cạnh đó, chợ an toàn thực phẩm P.5 là đơn vị tiên phong trong thí điểm chợ 4.0 - không dùng tiền mặt, thực hiện hình thức thanh toán trực tuyến thông qua quét QR-Code. Hiện thành phố có 3 đơn vị (P.2, P.5 và xã Tắc Vân) thực hiện thí điểm mô hình chợ 4.0; hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn đều ứng dụng hình thức bán hàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến; triển khai kết nối, đăng ký thành công 2.008 công ty, doanh nghiệp và 478 hộ kinh doanh trên địa bàn thực hiện kê khai hóa đơn điện tử.

Chuyển đổi số hướng đến phục vụ người dân chu đáo hơn - Ảnh 3.

Chợ P.2, TP.Cà Mau thực hiện mô hình chợ 4.0, khách hàng chỉ cần quét mã QR thanh toán

Ảnh: Gia Bách

Đến nay, 100% các trường mầm non - mẫu giáo, tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố đã triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu phí, lệ phí theo quy định. Trong lĩnh vực y tế, đang triển khai hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng sổ sức khỏe điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt trong bệnh viện và cơ sở y tế theo hướng dẫn.

Ông Tô Hoài Phương, Chủ tịch UBND TP.Cà Mau, cho rằng thanh toán trực tuyến không chỉ mang lại các lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, mà còn hỗ trợ các cơ quan nhà nước theo dõi tiến trình giải quyết hồ sơ, thủ tục góp phần cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này còn hình thành thói quen cho người dân, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

"Bên cạnh đó, thanh toán trực tuyến còn đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa trong các giao dịch thanh toán, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực", ông Phương nhận định.

Để tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả các mục tiêu về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số trên địa bàn, theo kế hoạch năm 2023, UBND thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình như: Tuyến phố không dùng tiền mặt, chợ không dùng tiền mặt, và các hình thức giao dịch khác không dùng tiền mặt... để phục vụ nhu cầu của người dân ngày càng tốt hơn.

Ngoài ra, thành phố sẽ nâng cấp hệ thống camera an ninh để phục vụ công tác bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trên địa bàn; tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kỹ năng phục vụ vận hành các hoạt động chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức...

Đặc biệt, UBND TP.Cà Mau chỉ đạo Bộ phận một cửa thành phố và UBND xã, phường nâng cao chất lượng trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua dịch vụ công trực tuyến; qua hệ thống bưu chính công ích và thực hiện thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt.

TP.Cà Mau cũng đang rà soát để kiến nghị cấp thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các quy định trong lĩnh vực kinh tế số nhằm tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thông qua phương thức điện tử, để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số.





Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.