Chuyển đổi số, người dân hưởng lợi gì?: Hết cảnh xếp hàng chờ quyết toán thuế

Mai Phương
Mai Phương
04/09/2024 05:49 GMT+7

Nhờ chuyển đổi số, hiện nay cá nhân, doanh nghiệp đều có thể thực hiện khai thuế, quyết toán thuế, nộp thuế, hoàn thuế… qua mạng mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế. Đặc biệt, không còn tình trạng "lều chõng" thâu đêm xếp hàng chờ quyết toán thuế vào cuối tháng 3 hằng năm.

Ngồi nhà khai thuế, hoàn thuế online

Anh Nguyễn Quân (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) là người đã nhiều năm tự quyết toán thuế để hoàn thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Trong những năm đầu tiên, anh phải đến chi cục thuế và đi tới đi lui mất 3 - 4 lần, mỗi lần chờ gần cả buổi mới xong thủ tục. Nhưng vài năm gần đây, việc kê khai để hoàn thuế TNCN anh đều thực hiện qua mạng. Có đợt cũng phải bổ sung thêm hồ sơ nhưng sau này đã quen nên đơn giản hơn.

"Nhiều người chưa làm nên thật sự nghe nói thủ tục thuế sẽ sợ vì ấn tượng là rườm rà, khó hiểu nên bỏ qua việc làm thủ tục hoàn thuế TNCN. Rất hiếm có người khai đúng ngay từ đầu mà phải chỉnh sửa, bổ sung. Nhưng nếu kiên nhẫn thì sau đó mình quen. Đến nay thủ tục cũng đã được đơn giản nhiều và chỉ khai báo qua mạng. Mình làm xong mỗi năm cũng nhận lại được tiền hoàn thuế gần 20 triệu đồng do nhiều đơn vị đã tạm thu trước đó. Nếu mọi người e ngại mà bỏ qua thì chỉ thiệt cho mình", anh Nguyễn Quân chia sẻ.

Chuyển đổi số, người dân hưởng lợi gì?: Hết cảnh xếp hàng chờ quyết toán thuế- Ảnh 1.

Các chi cục thuế không còn cảnh xếp hàng chờ đợi làm thủ tục nhiều như trước đây

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Chị Ngọc Anh (ngụ Q.3, TP.HCM) thì tâm đắc với sử dụng hóa đơn điện tử. Bình thường chị cũng không bao giờ "đụng" đến các thủ tục về thuế nhưng vẫn phải lấy hóa đơn khi sử dụng các dịch vụ, đi công tác để thanh toán lại với công ty. Trước đây khi đi công tác xa chị phải tập hợp và lưu giữ cả xấp hóa đơn giấy để mang về làm thanh toán sau. Đôi khi dù nhà hàng hay khách sạn có đăng ký kinh doanh nhưng vẫn hẹn cung cấp hóa đơn. Nhưng sau đó quên hoặc gửi theo đường bưu điện dễ thất lạc. Đó là chưa kể không thể biết được hóa đơn thật hay giả nên khá hồi hộp.

"Tôi thấy ngành thuế áp dụng hóa đơn điện tử là bước tiến thật sự. Giờ mình cứ mua hàng, sử dụng dịch vụ ở bất kỳ đâu cũng không phải lo. Nơi đó xuất hóa đơn điện tử gửi qua mail là xong, đỡ lo bị mất hay bỏ quên. Hay một số dịch vụ tài chính công như nộp thuế nhà đất, nộp phí các dịch vụ công… cũng qua online hết. Quá khỏe luôn", chị Ngọc Anh nhận xét.

Không chỉ cá nhân mà các doanh nghiệp (DN) cũng "nhẹ" hơn với thủ tục về thuế. Đặc biệt là mùa quyết toán thuế cuối tháng 3 hằng năm. Hồi chưa làm thủ tục qua mạng, đến hẹn lại lên, những ngày cuối cùng của tháng 3 thì cả người đến quyết toán và cơ quan thuế đều khổ vì xếp hàng chờ đợi thâu đêm cho kịp. Nhưng nay thì khỏe, tình trạng này bị xóa sổ không ai còn nhớ đến.

Bà Phạm Nga, kế toán trưởng của một DN thương mại tại Q.Tân Bình (TP.HCM), cho rằng thật sự ngành thuế đã có những thay đổi lớn. Ví dụ, nếu như trước đây DN phải có 2 kế toán thuế thì nay chỉ còn 1 người. Bởi từ việc kê khai thuế đến quyết toán thuế, nộp thuế đều thông quan phần mềm trên mạng. Chỉ riêng việc nộp hồ sơ thuế hằng quý, trước đây kế toán thuế phải đến chi cục thuế để bốc số chờ đến lượt, sau đó nộp tờ khai và chờ được xác nhận, mang về lưu trữ. Việc này thông thường sẽ mất 1 buổi. Còn nay mọi việc đều thực hiện online. Do đó DN sẽ tiết kiệm được thời gian, nhân sự. Đặc biệt, DN cũng giảm được việc lưu trữ cả núi chứng từ, hồ sơ giấy như trước đây mà đều được số hóa, lưu trữ trên đám mây.

Bà Phạm Nga nhận xét: Thời gian gần đây DN nhẹ nhất là thời gian thực hiện các thủ tục về thuế và công tác lưu trữ chứng từ. Việc lưu trữ tưởng đơn giản nhưng mất nhiều công sức, nhân sự. Bên cạnh đó, các bước thủ tục khi làm online, qua phần mềm nếu không đúng hệ thống sẽ trả lại ngay kèm theo thông báo chỗ nào chưa phù hợp thì người thực hiện sẽ biết xử lý luôn, khá nhanh chóng. Trong khi nếu lên nộp hồ sơ trực tiếp thì do quá đông, nhân viên thuế nhận hồ sơ cũng không thể giải đáp hết mọi thắc mắc nên đôi khi DN phải làm đi làm lại nhiều lần. Kèm theo đó là sẽ mất nhiều thời gian đi lại cơ quan thuế. Vì vậy, riêng điểm này sẽ giúp cho DN lẫn cơ quan quản lý thuế bớt "mặt nặng mặt nhẹ" với nhau. Tương tự, việc áp dụng hóa đơn điện tử cũng trở nên đơn giản cho các DN lẫn cơ quan thuế.

Nhiều lợi ích cho nền kinh tế

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, đánh giá ngành thuế nói riêng hay Bộ Tài chính những năm vừa qua luôn được đánh giá đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ, số hóa trong các dịch vụ. Hệ thống phần mềm kê khai thuế luôn được cập nhật, tạo thuận lợi cho người sử dụng. Hiện, đại đa số việc hoàn thuế đều được thực hiện điện tử. Hay như áp dụng hóa đơn điện tử giúp người xuất hóa đơn lẫn người nhận nhanh chóng, không bị thất lạc. Đồng thời, giải pháp này đã góp phần làm giảm đáng kể tình trạng gian lận về hóa đơn khi cơ quan quản lý dễ dàng kiểm tra, đối chiếu hay rà soát, giảm rủi ro cho người mua hàng.

Về phía cơ quan quản lý thuế, mọi quyết định liên quan về thuế cũng sẽ thông qua điện tử, email. Vì vậy thực tế đến các chi cục thuế đã không còn cảnh phải xếp hàng chờ đợi đông như trước đây. Nhìn chung, khi số hóa và ứng dụng công nghệ đối với các dịch vụ về thuế thì người dân hay DN rất ít khi phải tiếp xúc trực tiếp với nhân viên thuế. Điều này cũng làm giảm tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu của ngành thuế mà trước đây đã được các DN phản ánh.

Luật sư Trần Xoa nhấn mạnh: Đâu đó vẫn còn một số phiền hà hay DN gặp rắc rối về thủ tục thuế do quy định còn vướng mắc hay chưa nắm rõ quy định. Nhưng nhìn trên tổng thể thì ngành thuế đã ứng dụng số hóa khá tốt trong thời gian qua.

Đồng tình, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long đánh giá ngành thuế nói riêng và Bộ Tài chính nói chung đã có nhiều kết quả trong quá trình chuyển đổi số. Các công tác liên quan đến thuế, hải quan, kho bạc hầu hết đều được thực hiện qua mạng. Nhất là các dịch vụ về thuế liên quan đến hàng chục triệu DN, hộ kinh doanh và cá nhân đã đơn giản hơn trước. Đây là xu hướng chung và thực tế đã mang lại nhiều lợi ích cho cả người dùng lẫn cơ quan quản lý nhà nước.

Dù vậy theo ông Long, Bộ Tài chính cần tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ nhiều hơn, số hóa các dịch vụ liên quan đến người dân, DN. Ví dụ, đơn giản hóa các biểu mẫu, đơn từ cũng như nội dung ngắn gọn, súc tích để người dùng dễ hiểu, dễ thực hiện hơn nữa. Song song đó, công tác liên thanh kết nối với các ngành khác cần được đẩy mạnh để thông suốt hơn cũng như việc bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng cũng cần được đầu tư, thực hiện đúng quy định chung.

Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 của Bộ Tài chính

Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 837/QĐ-BTC về Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính năm 2024. Bộ Tài chính đã xây dựng phần mềm tiếp nhận dữ liệu hóa đơn điện tử và triển khai trên toàn quốc từ ngày 21.4.2022.

Đến nay đã có 100% DN, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử… Năm 2024, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã được phê duyệt tại Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đảm bảo cung cấp các dịch vụ tài chính số chất lượng phục vụ xã hội; Vận hành tối ưu các hoạt động của Bộ Tài chính…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.