Chuyển đổi số tạo ra tài nguyên mới trong lịch sử loài người

29/05/2024 11:52 GMT+7

Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển, con người đang tạo ra những tài nguyên mới thay vì tiêu hao những gì đã sẵn có nhờ chuyển đổi số.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số tạo ra một loại tài nguyên mới là dữ liệu. Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của mình, con người thay vì tiêu dùng và làm cạn kiệt tài nguyên thì đang tạo ra tài nguyên mới.

"Trước đây, loài người càng phát triển thì càng làm cạn kiệt tài nguyên. Ngày nay, càng phát triển thì càng sinh ra nhiều tài nguyên", người đứng đầu Bộ lý giải tại sự kiện Vietnam - Asia DX Summit 2024 diễn ra chiều 28.5 ở Hà Nội.

Ông cho rằng chuyển đổi số cũng là cách để con người thoát ly khỏi thế giới vật lý. Trong một thế giới số phi vật chất, không có khoảng cách và thời gian thì quá trình đổi mới sáng tạo sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều trên không gian mạng, khi thành công sẽ ánh xạ ngược lại vào thế giới vật lý. "Quốc gia nào chuyển đổi số nhanh hơn sẽ giàu có hơn", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng chuyển đổi số đang tạo ra nguồn tài nguyên mới

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng chuyển đổi số đang tạo ra nguồn tài nguyên mới

Anh Quân

Hiện nay, Việt Nam vẫn xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược, trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Năm 2020, kinh tế xanh đã đóng góp khoảng 2% GDP của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng trên 10%. Cùng năm, kinh tế số Việt Nam đã đóng góp 12% trong GDP. Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2023 kinh tế số đã đóng góp 16,5% GDP và tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm.

Nhưng đây cũng là một trong những ngành tiêu thụ nhiều năng lượng và gây phát thải. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), các trung tâm dữ liệu trong năm 2022 đã tiêu thụ 240 - 340 tỉ kWh, tương đương 1 - 1,3% nhu cầu điện năng toàn cầu và tiếp tục tăng. Tiêu thụ điện của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông chiếm từ 6 đến 10% tổng tiêu thụ điện năng thế giới, thải ra 3,7% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu.

Những con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2025, dự báo chiếm 14% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu vào năm 2040. "Bởi vậy chuyển đổi số phải dùng công nghệ xanh", Bộ trưởng nói.

Cũng tại sự kiện, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đồng hành là "xu thế tất yếu của thế giới", không chỉ riêng Việt Nam, đồng thời đánh giá Việt Nam đang có lợi thế và đã có các chủ trương, đường lối để phát triển chiến lược này. Tuy nhiên, ông nhận thấy vẫn còn những hạn chế tồn tại.

Tuy nhiên, ông cũng nêu ra các hạn chế còn tồn tại ở Việt Nam hiện nay là: Không phải ai cũng quan tâm đến vấn đề này, kể cả những người có trách nhiệm; Cơ chế chính sách chưa tạo được "đường băng để cất cánh"; Hạ tầng số phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; Nguồn lực chưa được ưu tiên và xem như một lĩnh vực tiên phong. Về chỉ số tận dụng chuyển đổi xanh trong phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam vẫn đứng thứ 150, là mức thấp trên thế giới.

Do vậy, Phó thủ tướng cho rằng cần nhìn nhận đúng về vấn đề cũng như dành sự ưu tiên cho lĩnh vực này, chú trọng đầu tư hạ tầng số, nhất là ở những khu vực có nhu cầu phát triển cũng như phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Phó thủ tướng gợi ý một số giải pháp như huy động nguồn lực ngoài ngân sách, có thêm cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp (startup), khai thác, vận dụng tốt thành tựu của những quốc gia đã đi trước trên thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.