Chuyển động khó lường giữa khủng hoảng Ukraine

Văn Khoa
Văn Khoa
11/02/2022 11:00 GMT+7

Những hoạt động quân sự mới cho thấy căng thẳng Nga - phương Tây liên quan Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng nỗ lực ngoại giao vẫn đang diễn ra.

Nga tập trận

Chuyên trang The Drive hôm qua đưa tin chính phủ Nga được cho là đã đưa ra nhiều thông báo khuyến cáo những người đi biển và ngành hàng không tránh phần phía bắc của biển Đen và biển Azov gần đó do có các cuộc tập trận bắn đạn thật sắp diễn ra. Ông Andrii Klymenko thuộc Viện Nghiên cứu biển Đen chiến lược ở Ukraine cho hay các thông báo trên có hiệu lực từ ngày 13 - 19.2. “Chúng tôi không muốn có bất kỳ sự hoảng loạn nào, nhưng điều này tương tự như việc chuẩn bị “phong tỏa biển” đối với các cảng của Ukraine”, ông Klymenko viết trên Facebook.

Máy bay ném bom Tu-22M3 và chiến đấu cơ Su-35 của Nga trong cuộc tập trận chung với Belarus ngày 9.2

AFP

Ngoài ra, Nga đã bắt đầu cuộc tập trận chung kéo dài 11 ngày ở Belarus và NATO mô tả đây là đợt triển khai quân lớn nhất của Nga đến Belarus kể từ sau Chiến tranh lạnh, theo Reuters. Nga không tiết lộ số binh sĩ tham gia tập trận, trong khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trước đó dự đoán Nga điều khoảng 30.000 binh sĩ cùng các lực lượng đặc nhiệm, chiến đấu cơ Su-35 và hệ thống phòng không S-400. Điện Kremlin cho hay cuộc tập trận chung lớn hơn trước vì “tình hình căng thẳng hơn”, nhưng khẳng định binh sĩ Nga sẽ trở về nước sau khi cuộc tập trận kết thúc.

Dù vậy, Nhà Trắng ngày 9.2 nói rằng cuộc tập trận chung Nga - Belarus là hành động “leo thang” trong căng thẳng liên quan Ukraine, theo Reuters. Cùng ngày, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho hay Mỹ tiếp tục chứng kiến Nga triển khai thêm khí tài quân sự dọc biên giới giáp với Ukraine và ở Belarus. Ông Kirby khẳng định Nga đã triển khai 100.000 binh sĩ gần biên giới Ukraine.

Căng thẳng Nga-Ukraine tăng nhiệt, chuyện gì đang xảy ra?

Phương Tây đang lo sợ Nga tăng cường lực lượng sát Ukraine để chuẩn bị tấn công nước láng giềng, dù Moscow đã nhiều lần bác bỏ khả năng này. Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Ganna Malyar ngày 9.2 cho rằng lực lượng Nga tập trung gần biên giới dường như đang được sử dụng chủ yếu cho mục đích gây sức ép về chính trị và đe dọa” trong giai đoạn hiện nay, theo AFP.

Một tàu đổ bộ Nga trên đường đến biển Đen ngày 9.2 để tham gia tập trận

AFP

Động thái của phương Tây

Về phần mình, phương Tây cũng có động thái mới trong căng thẳng liên quan Ukraine. Tờ The Wall Street Journal ngày 9.2 dẫn lời một số quan chức Mỹ cho hay Nhà Trắng đã phê chuẩn kế hoạch điều binh sĩ đến Ba Lan để hỗ trợ sơ tán công dân Mỹ ở Ukraine. Tuy nhiên, một quan chức Nhà Trắng khẳng định Washington hiện không có kế hoạch sơ tán, theo báo The Hill. Vị quan chức nhấn mạnh lực lượng được điều đến Ba Lan “được huấn luyện và trang bị cho nhiều sứ mệnh khác nhau nhằm răn đe sự khiêu khích và trấn an các đồng minh NATO”. Cũng trong ngày 9.2, chính phủ Anh thông báo sẵn sàng triển khai thêm 1.000 binh sĩ để ứng phó bất kỳ cuộc khủng hoảng nhân đạo nào liên quan Ukraine.

Nhân tố thời tiết

CNN ngày 10.2 đưa tin các chuyên gia đang dự đoán động thái kế tiếp của Nga trong căng thẳng liên quan Ukraine. Một số chuyên gia cho rằng chiến tranh trong thế kỷ 21 bị ảnh hưởng bởi thời tiết và đó có thể là một yếu tố trong bất kỳ kế hoạch tấn công Ukraine của Nga. Theo đánh giá của Mỹ, một cuộc tấn công từ Nga sẽ diễn ra dễ dàng hơn nếu nhiệt độ xuống thấp và Tổng thống Vladimir Putin sẽ biết rằng ông cần hành động trước cuối tháng 3. Nhà nghiên cứu Dara Massicot thuộc tổ chức nghiên cứu RAND Corporation (Mỹ) thì cho rằng tuy mặt đất đóng băng sẽ là điều kiện tốt cho các lực lượng Nga, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định. Bà Massicot lưu ý những tên lửa dẫn đường chính xác và các cuộc không kích không bị ảnh hưởng bởi yếu tố này. Tiến trình của các cuộc đàm phán về những yêu cầu an ninh của Nga đối với Mỹ và NATO mới có thể là yếu tố mang tính quyết định, theo CNN.

Phương Tây cảnh báo "thời khắc nguy hiểm nhất" của cuộc khủng hoảng Ukraine

Dù các bên có động thái quân sự mới, giới quan sát nhận định vẫn có hy vọng rằng nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng liên quan Ukraine sẽ mang lại kết quả. Trong ngày 10.2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tiếp lãnh đạo của các nước vùng Baltic ở Berlin và tuyên bố trước cuộc gặp rằng ông thấy có “tiến triển” trên mặt trận ngoại giao, theo AFP. Trong tuần tới, ông Scholz sẽ đến Ukraine và sau đó gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng đã nhấn mạnh rằng “ngoại giao đang tiếp tục diễn ra để hạ nhiệt căng thẳng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.