Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Hậu Giang khóa VIII (diễn ra từ ngày 7 đến 9.12) đã đề cập nhiều đến chuyện dân sinh và có nhiều “hiến kế” hay cho sự phát triển của tỉnh.
Đừng để dân khổ mãi
Ông Đinh Văn Chung, Chủ tịch HĐND tỉnh, đưa ra một ví dụ khá hài hước, đó là chuyện Hậu Giang đã “nổi danh” với cam bưởi, nhưng người dân vẫn phải mua cây giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Ông Chung nói nhiều người dân khi đi mua cây giống được người bán giới thiệu là “xoài cát Hòa Lộc”, nhưng đến lúc thu hoạch thì thấy toàn là “cóc Hòa Lạc” chứ không phải trái xoài. “Vấn đề không mới, nhưng ngành chuyên môn cần sớm có hướng giải quyết, chứ để dân khổ mãi thì rất kỳ”, ông Chung nhấn mạnh.
Đại biểu Hồ Thanh Hà, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Châu Thành, thì nêu lên một thực trạng khác, đó là chuyện nông dân trồng cây nhưng không thể nào chờ đến ngày thu hoạch. Do thiếu vốn đầu tư, nhiều người phải chấp nhận bán “mão” cả vườn cây cho người ta mặc tình “xử lý”. Kết quả là hàng loạt vườn cây sum suê trong năm đầu nhưng kiệt quệ mùa sau. “Bài toán hỗ trợ đúng, hỗ trợ đủ cho nông dân vẫn còn bỏ ngỏ lời giải”, ông Hà băn khoăn.
Nhiều đại biểu thấy lo, vì trong 1.180 tỉ đồng đầu tư cho giao thông thủy lợi những năm qua, thì tỷ lệ đầu tư cho thủy lợi còn thấp. Từ đó không đảm bảo chống lũ, dẫn đến mùa lũ năm nay gây ngập úng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất nông-lâm-thủy sản trong tỉnh; dẫn đến thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.
Về những vấn đề này, lãnh đạo ngành nông nghiệp đã có phần trả lời được nhiều cử tri... thấy mừng với hy vọng những mùa lũ sau sẽ không còn sợ như năm 2011. Theo đó, năm 2012 tỉnh sẽ triển khai 3 dự án đó là thực hiện đê bao chống lũ cho 5.000 ha mía Phụng Hiệp, đê bao 10.000 ha cây ăn quả đặc sản tập trung ở huyện Châu Thành, Châu Thành A và TX.Ngã Bảy, dự án mở rộng 12.000 ha lúa thu đông trong toàn tỉnh...
Nhiều đại biểu cũng tỏ ra băn khoăn về những hiện tượng xã hội mới nảy sinh. Đại biểu Nguyễn Minh Trường (TP. Vị Thanh), bày tỏ một thực trạng đáng báo động là hiện nay có nhiều người muốn… nghèo, khi bình xét thoát nghèo thì nhiều người kỳ kèo xin cho họ… nghèo thêm một vài năm nữa!
|
Hỗ trợ cho cán bộ ấp
Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh đã thông qua những tờ trình quan trọng, được xem là nguồn sống cho những cán bộ hội, đoàn thể ở các ấp. Theo đó, công việc của những cán bộ ở ấp được ví như “trăm dâu đổ đầu tằm”, nhưng bí thư chi bộ và trưởng ấp, trưởng khu vực chỉ hưởng được 480.000 đồng/người/tháng. Các chức danh khác như Chi hội trưởng Cựu chiến binh chỉ được hưởng phụ cấp 200.000 đồng/tháng... Nhiều người cũng thẳng thắn nhìn nhận số tiền này chẳng đủ để đổ xăng.
Vấn đề này đã được giải quyết một bước, tuy mức hỗ trợ không cao. Theo đó, sẽ phụ cấp hàng tháng theo hệ số 1,00 nhân với mức lương tối thiểu đối với trưởng ấp, khu vực; hệ số 0,5 đối với công an viên, ấp đội trưởng. Còn đối với những người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu vực kiêm nhiệm chức danh hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu vực thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 20% mức phụ cấp hiện hưởng, kể cả trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh.
Cũng cần nói thêm rằng, những năm qua Hậu Giang đã “gánh” một số lượng lớn cán bộ ấp. Bởi theo quy định của Chính phủ, số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu vực được bố trí không quá 3 người, nhưng trên địa bàn tỉnh thì số lượng này đã “vượt khung”, lên đến 10 người.
Theo dõi cuộc họp lần này, nhiều cử tri thấy an lòng, khi HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết về điều chỉnh chế độ hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng và chính sách thu hút nhân lực tỉnh Hậu Giang. Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi về công tác tại địa phương sẽ được hưởng 100% lương và không qua tập sự. Người có trình độ thạc sĩ sẽ được hưởng 70 triệu đồng, bác sĩ chuyên khoa I là 50 triệu đồng, tiến sĩ là 100 triệu đồng, bác sĩ chuyên khoa II là 80 triệu đồng và đối tượng này sẽ được xem xét về nhà ở, đất ở... Nhiều đại biểu cho rằng, tuy mức hỗ trợ như thế chưa thể gọi là cao, nhưng với một tỉnh mới chia tách, còn nhiều khó khăn như Hậu Giang thì thật đáng ghi nhận.
Hoàng Nguyên
Bình luận (0)