Xe

Chuyện gì đang xảy ra với thế giới?

Ngọc Mai
Ngọc Mai
03/06/2021 22:57 GMT+7

Nhờ có vắc xin, những tâm dịch như Mỹ hay Anh giờ đây dần bước vào thời kỳ hậu Covid-19 , trong khi nhiều nơi từng là thành trì chống dịch đang chật vật với các làn sóng thứ hai, ba thậm chí thứ tư.

Các nhà hàng, quán bar ở Mỹ đang dần đông khách trở lại, các chuyến bay nội địa đã hết vé và người dân cũng đặt chỗ cho các kỳ nghỉ. Tại các sự kiện ngoài trời, nhiều người không đeo khẩu trang ôm nhau và reo hò. Các bữa tiệc nướng được tổ chức nhiều hơn hẳn một năm về trước. Bên kia bờ Đại Tây Dương, Anh cũng sẵn sàng cho việc trở lại. Ghé qua Israel, cuộc sống gần như không còn bị ảnh hưởng quá nhiều bởi đại dịch.
Có người gọi đó là may mắn, có người gọi đó là sự hồi sinh. Nhưng điều đó không phải tự nhiên có được.

Ánh sáng cuối đường hầm

Cần nhớ rằng Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới và nước này đã trải qua gần một năm vô cùng tàn khốc. Chỉ cách đây nửa năm, Mỹ liên tục chứng kiến hơn 300.000 ca nhiễm và 4.000 ca tử vong vì Covid-19 trong một ngày. Con số khiến hệ thống y tế và một nước Mỹ giàu có bị quật lên quật xuống. Các bang của Mỹ lần lượt ban hành quy định nghiêm ngặt phòng dịch, truyền thông đăng tải hàng loạt hình ảnh về những nhân viên y tế kiệt sức.

"Tiêm vắc xin và uống cốc bia": Tổng thống Biden mời gọi người Mỹ chích ngừa Covid-19 trong "tháng hành động"

 
May mắn thay, giữa cơn hỗn loạn đó, các hãng dược trên thế giới công bố kết quả thử nghiệm vắc xin Covid-19 với hiệu quả khả quan. Thông tin được đưa ra cuối năm 2020 được ví như “ánh sáng cuối đường hầm”. Với lợi thế có nguồn lực lớn và cũng là nơi đặt trụ sở các hãng dược Pfizer và Moderna, Mỹ nhanh chóng có được vắc xin và triển khai tiêm chủng đại trà từ ngày 4.1 năm nay. Mỹ đã tiến hành chiến dịch tiêm chủng thần tốc và củng cố niềm tin về chìa khóa chống dịch.
Tại Mỹ, hơn 297 triệu liều vắc xin đã được tiêm. Hơn 168 triệu người đã tiêm ít nhất một liều vắc xin, trong đó hơn 136 triệu người đã tiêm đủ liều. Số liệu nhiễm mới và tử vong ở nước này đều ở mức thấp nhất trong vòng một năm qua.
Ở châu Âu, sau nhiều tháng đóng cửa vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, Anh cũng có được vũ khí hữu hiệu là vắc xin, với các hãng dược và công trình nghiên cứu ngay tại nước này. Hơn 60 triệu liều vắc xin được tiêm cho hơn 39 triệu người ở Anh. Hôm 1.6, lần đầu tiên kể từ tháng 3.2020, Anh không ghi nhận bất kỳ ca tử vong vì Covid-19 nào. Và Anh đã nói về tương lai hậu đại dịch.

Một thế giới khác

Khoảng hai tỉ liều vắc xin đã được tiêm chủng cho người dân ở 176 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, theo Bloomberg. Đây là chiến dịch chủng ngừa lớn nhất và nhanh nhất trong lịch sử, nhưng không phải ở đâu cũng vậy. Và Anh, Mỹ là những điển hình ít ỏi cho các nước có nguồn lực lớn, đi nhanh hơn, trong khi phần còn lại của thế giới vẫn loay hoay và chờ đợi giữa làn sóng dịch kinh hoàng hơn trước.
Sự xuất hiện của những biến chủng SARS-CoV-2 mới với độc lực và khả năng lây lan mạnh hơn, cùng với tỷ lệ chủng ngừa vắc xin thấp đang đe dọa hàng loạt quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả những nơi từng là hình mẫu chống dịch.
Từ tháng 4 đến nay, châu Á trở thành điểm nóng với một Ấn Độ tang thương, các quốc gia Đông Nam Á chật vật trước các làn sóng dịch mới.
 

Nhờ vắc xin, thành phố Brazil thành ốc đảo yên lành giữa dịch Covid-19

Ấn Độ, nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, gánh chịu hậu quả nặng nề với số người nhiễm và tử vong mỗi ngày ở mức cao chưa từng có trên toàn cầu. Hệ thống y tế quốc gia Nam Á trong tình trạng sụp đổ, không thể tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, không đủ ô xy, không đủ thiết bị y tế. Người chết vì Covid-19 không đủ chỗ để hỏa táng, có hàng trăm hàng ngàn người bị thả trôi trên sông Hằng. Cảnh tượng không khác gì địa ngục.
Giới phân tích đánh giá lý do vỡ trận của Ấn Độ là biến chủng mới, ý thức người dân, chính sách của chính quyền và công tác tiêm chủng chậm chạp.
Tại Đông Nam Á, từng được xem là thành trì chống dịch vào năm 2020 khi Covid-19 tấn công dữ dội ở phương Tây, giờ đây đang chứng kiến những kỷ lục buồn. Malaysia, Philippines, Campuchia, Thái Lan, Lào đều trải qua đợt dịch mạnh nhất bắt đầu vào tháng 4. Các lệnh phong tỏa chống dịch được đưa ra rồi lại gia hạn vì diễn biến phức tạp.
Hướng lên Đông Á, nơi có các hình mẫu chống dịch như Đài Loan, Hàn Quốc cũng đang phải chống chọi với tình trạng các ca nhiễm tăng đột biến.
Mỹ Latinh cũng đang chật vật với dịch bệnh. Peru báo cáo tỷ lệ tử vong vì Covid-19 trên đầu người cao nhất thế giới. Brazil có số người nhiễm và người chết ở mức cao nhất khu vực. Nghĩa trang ở Peru và Brazil giờ đây chẳng còn chỗ để an táng cho các nạn nhân Covid-19. Châu Phi cũng không nằm ngoài làn sóng đó. Theo tờ The Washington Post dẫn một nghiên cứu gần đây, châu Phi ghi nhận tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới trong những ca nghiêm trọng do thiếu thốn về mặt y tế.

Chưa đủ để an toàn

Hai mảng màu của thế giới hiện nay được cho là nằm ở khoảng cách tiêm chủng vắc xin. Dĩ nhiên sẽ còn nhiều lý do khác nhưng rõ ràng khả năng tiếp cận vắc xin không đồng đều đã ảnh hưởng rất quyết định đến khả năng phòng chống dịch.
Các tổ chức quốc tế và nhiều nước trên thế giới vì thế kêu gọi vắc xin được phân phối công bằng và mở rộng năng lực sản xuất vắc xin. Bởi lẽ những nước nghèo và thu nhập thấp sẽ càng khó khăn nếu như không được tiếp cận vắc xin, đứng trước các làn sóng dịch ngày càng dữ dội sẽ chỉ thêm thương tổn. Và cũng chính điều đó khiến các biến chủng virus có cơ hội phát triển và lan tràn. Nước giàu khi đó liệu có tránh được?

Xử lý đại dịch Covid-19 chậm, sai sót, WHO đứng trước những thay đổi lớn

Đó cũng là lời cảnh báo của các chuyên gia khắp thế giới. Vắc xin đúng là chìa khóa. Nhưng nếu một phần lớn thế giới vẫn gặp nguy hiểm thì vắc xin chắc chắn chưa đủ để là chốt chặn an toàn và kể cả những nước giàu đã tiêm chủng cũng đứng trước nguy cơ mắc sai lầm lần nữa. Ít thì phải đóng cửa ngăn dịch lan tới, nhiều là không đảm bảo được hiệu quả của vắc xin trước những biến chủng nguy hiểm hơn.
Tờ The Guardian dẫn lời chuyên gia dịch tễ hàng đầu nước Mỹ Anthony S. Fauci cũng cảnh báo: “Đến khi vẫn còn mức độ hoạt động khắp thế giới thì vẫn luôn có nguy cơ từ các biến chủng nguy hiểm xuất hiện và xóa bỏ hiệu quả của vắc xin”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.