TNO

Chuyên gia Anh: Việt Nam tự sản xuất tên lửa diệt hạm theo mẫu của Nga

11/06/2016 07:00 GMT+7

(Tin Nóng) Hai chuyên gia về quốc phòng tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh) vừa có bài viết cho rằng Việt Nam đã tự sản xuất được tên lửa diệt hạm phiên bản Uran của Nga để tự chủ về nguồn cung lẫn nâng cao khả năng phòng thủ hàng hải.

(Tin Nóng) Hai chuyên gia về quốc phòng tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh) vừa có bài viết cho rằng Việt Nam đã tự sản xuất được tên lửa diệt hạm phiên bản Uran của Nga để tự chủ về nguồn cung lẫn nâng cao khả năng phòng thủ hàng hải.

Tên lửa diệt hạm KCT 15 và dàn phóng tên lửa diệt hạm Uran loại dùng trên tàu chiến, do Việt Nam sản xuất - VOV

Theo bài viết đăng trên chuyên san của IISS ngày 5.6 qua, cuối năm 2015 Việt Nam đã công khai hình ảnh tên lửa diệt hạm mang tên KCT 15 trông giống hệt loại tên lửa 3M24 dùng trong hệ thống tên lửa diệt hạm 3K24 Uran của Nga.

Mẫu tên lửa này trưng bày tại một triển lãm về công nghệ quốc phòng ở Hà Nội tháng 11.2015, bên cạnh đó còn có 1 dàn phóng tên lửa diệt hạm KST 15 loại 2 ống, thường dùng trên tàu chiến, cũng y hệt dàn phóng tên lửa Uran mà Việt Nam đang sử dụng trên 2 tàu hộ tống lớp Gepard 3.9 và các tàu tên lửa lớp Molnyia, tàu tên lửa BPS-500.

Chuyên gia Anh nhận xét rằng chương trình tự chế tạo tên lửa diệt hạm cùng dàn phóng của Việt Nam sẽ đẩy mạnh ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, giúp thuận tiện trong việc cung ứng tên lửa cho hải quân, qua đó kéo giảm giá thành thay vì nhập nguyên chiếc.

Theo bài viết, Việt Nam là nước thứ hai ở châu Á – Thái Bình Dương sản xuất được tên lửa diệt hạm trên cơ sở mẫu tên lửa thuộc hệ thống Uran của Nga. Nước đầu tiên là Triều Tiên khi công bố clip chiếu cảnh thử nghiệm tên lửa “tự chế tạo” mà rất giống loại Uran.

Tuy nhiên khác với Triều Tiên, Việt Nam chế tạo tên lửa KCT 15 từ sự phối hợp và chuyển giao công nghệ từ Nga, dù chưa rõ là tự sản xuất hoàn toàn hay chỉ là lắp ráp giai đoạn cuối theo giấy phép, hay cả hai, theo bài viết.

Tên lửa diệt hạm KCT 15 do Việt Nam sản xuất, dựa trên cơ sở mẫu tên lửa 3M24E Uran của Nga

Tên lửa diệt hạm 3M24E của Nga, loại xuất khẩu dùng cho hải quân (trên) và không quân (dưới)

Việt Nam và Nga được cho đã thảo luận về việc sản xuất tên lửa diệt hạm 3M24E Uran tại Việt Nam từ những năm 2011 - 2012.

Hệ thống tên lửa diệt hạm Uran được Liên Xô phát triển từ những năm 1980, sử dụng loại tên lửa hành trình 3M24 có lắp radar dẫn đường mảng pha chủ động, tự tìm đến mục tiêu, có tầm bắn tối đa 130 km. Tên lửa Uran có thể đánh chìm tàu chiến có lượng giãn nước đến 5.000 tấn.

Loại này được nhiều nhà phân tích phương Tây cho là “giống hệt” tên lửa diệt hạm Harpoon của Mỹ.

Tên lửa diệt hạm thuộc hệ thống Uran trên tàu tên lửa lớp Molniya do Việt Nam đóng theo giấy phép của Nga - Ảnh: Mai Thanh Hải

Phiên bản tên lửa diệt hạm Uran loại dùng trên bộ, bảo vệ bờ biển, gọi là Bal - Ảnh: Hải quân Nga

Tên lửa Uran ngoài biến thể dùng cho tàu chiến còn có loại phóng từ máy bay là Kh-35 (NATO gọi là AS-20 Kayak), và loại phóng từ đất liền (tên lửa bờ biển, gọi là 3K60 Bal). Uran được Nga, Việt Nam, Ấn Độ, Algeria và nhiều nước sử dụng.

Bài viết của IISS cho rằng có thể Việt Nam đã nhận được công nghệ của Nga để sản xuất cả 3 phiên bản tên lửa diệt hạm nói trên, và tầm bắn của KCT 15 là gấp đôi so tên lửa 3M24E hiện tại, tức gần 300 km.

Tên lửa hành trình diệt hạm 3M24E Uran dài 3,8 - 4,4 m, sải cánh 1,33 m, nặng 520 - 610 kg, tầm bắn từ 120 km - 260 km (tuỳ biến thể trong nước hoặc xuất khẩu), mang đầu đạn nặng 145 kg, tốc độ 980 km/giờ. Loại tên lửa này khi bắn đi sẽ bay cách mặt biển 10 - 15 m và còn 4 m khi tiếp cận mục tiêu. Radar của tên lửa có thể khoá mục tiêu từ khoảng cách 20 km hoặc hơn.

Xem clip giới thiệu hệ thống tên lửa diệt hạm Uran cả 3 phiên bản (Nguồn: RIA):

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.