Chuyên gia 'giải mã' động đất liên tiếp ở Điện Biên

10/01/2018 17:29 GMT+7

Trong 2 ngày 8 và 9.1, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy liên tiếp 4 trận động đất . Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây không phải là hiện tượng bất thường, mà là hoạt động xảy ra phù hợp với quy luật.

Theo Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu), lúc 20 giờ 31 phút ngày 9.1, một trận động đất có cường độ 3.3 độ Richter xảy ra tại khu vực biên giới Việt Nam - Lào, cách địa phận huyện Mường Nhé (Điện Biên) khoảng 7 km, với độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km.
Chỉ hơn 1 giờ sau, vào lúc 21 giờ 44 phút, lại có thêm trận động đất nữa xảy ra với độ lớn 2,5 độ richter tại huyện Điện Biên Đông (Điện Biên), với độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km.
Viện Vật lý địa cầu cho biết, trong ngày 9.1 đã xảy ra 3 trận động đất tại Điện Biên. Trước đó, trong ngày 8.1, cũng tại huyện Điện Biên Đông xảy ra trận động đất có cường độ 3,9 độ Richter. Trong năm 2017, tại Điện Biên cũng đã xảy ra 7 trận động đất có cường độ từ 2,1 đến 3,9 độ Richter tại các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà và thị xã Mường Lay.
GS - TS Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, cho biết đây là các trận động đất nhỏ không gây thiệt hại đổ nhà cửa, hay phá hủy các công trình xây dựng.
Lý giải nguyên nhân động đất liên tiếp xảy ra tại Điện Biên, ông Phương phân tích: “Do Biện Biên nằm trong khu vực có đới đứt gãy Điện Biên - Lai Châu nên hoạt động của đới đứt gãy này sinh ra động đất là hoàn toàn bình thường. Điểm đáng chú của các trận động đất liên tiếp lần này là xuất phát từ tiền chấn, sau đó có thể tăng dần lên và sau đó là những dư chấn giảm dần. Đây đều là những trận động đất cường độ yếu hoặc trung bình, không có khả năng gây thiệt hại về người và tài sản vì vậy người dân không nên quá lo lắng”.
Theo ông Phương, so với các nước trong khu vực châu Á như Nhật Bản hay Indonesia là những nước có nguy cơ xảy ra những trận động đất lớn đổ nhà cửa, thì Việt Nam nằm trong khu vực các đới đứt gãy hoạt động ổn định, chỉ xảy ra những trận động đất nhỏ. Tuy nhiên, người dân không nên quá chủ quan, đặc biệt là những khu vực thường xuyên xảy ra động đất như Điện Biên.
“Cơ quan chức năng cũng đã có những khuyến cáo bổ túc cho người dân nâng cao kiến thức về động đất. Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã ban hành tiêu chuẩn xây dựng ở những khu vực này khi xây dựng nhà cửa và các công trình xây dựng phải có thiết kế kháng chấn. Người dân cũng nên quan tâm để phòng tránh thiệt hại”, ông Phương chia sẻ.
GS - TS Phan Trọng Trịnh, Chủ tịch Hội Kiến tạo Việt Nam, đánh giá đới đứt gãy Điện Biên - Lai Châu hiện được xem là đứt gãy sinh chấn lớn nhất Việt Nam với các biểu hiện của các trận động đất xảy ra liên tiếp tại khu vực này. “Đới đứt gãy trượt bằng trong giai đoạn hiện tại đang dịch chuyển, tích lũy và giải phóng năng lượng sinh ra động đất. Do đó, tại Điện Biên khả năng xảy ra động đất thường nhiều hơn các khu vực khác”, GS - TS Phan Trọng Trịnh cho biết.
Ngoài đới đứt gãy Điện Biên - Lai Châu, theo ông Trịnh, tại Việt Nam còn có đới đứt gãy Sơn La, Sông Mã và Sông Cả được xem là các đới đứt gãy lớn có khả năng sinh ra các dư chấn. Để đánh giá mức độ nguy hiểm của động đất, theo GS - TS Phan Trọng Thịnh, các nhà khoa học cần tập trung nghiên cứu đứt gãy đang hoạt động, tính phân đoạn của đứt gãy đang hoạt động, tiếp đó là đánh giá chu kỳ lặp lại của các trận động đất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.