Các nhà nghiên cứu từ Viện quốc gia Sinh lý học (National Institute of Physiological Science) mới đây đã công bố kết quả nghiên cứu sâu hơn về những gì diễn ra bên trong não khi chúng ta nhìn vào mắt nhau.
Ảnh chụp màn hình Medical Daily |
Phát hiện của họ, theo Medical Daily, sẽ cung cấp cái nhìn độc đáo và lý giải tại sao giao tiếp bằng mắt lại cần thiết trong tương tác xã hội.
Quá trình nghiên cứu diễn ra bằng cách các nhà khoa học kiểm tra mắt của 96 người tham gia chưa từng gặp nhau trước đây bao giờ. Trong suốt hai ngày, người tham gia duy trì giao tiếp bằng mắt với nhau ở ba thí nghiệm riêng biệt. Sau mỗi thí nghiệm, các nhà khoa học đã chụp cộng hưởng từ fMRI để giám sát hoạt động của não.
Theo kết quả thí nghiệm, người tham gia có sự đồng bộ trong hoạt động chớp mắt khi giao tiếp bằng ánh mắt, điều này xảy ra tự nhiên, hoàn toàn không phải do họ bắt chước nhau. Những hình ảnh quét fMRI cho thấy, một khu vực trong não gọi là nếp cuộn trán phát ra tín hiệu để giao tiếp trực diện bằng mắt. Khi một người bắt gặp ánh mắt của một người khác, vùng não này từ hai người sẽ phát ra tín hiệu đồng bộ.
“Chúng tôi mong rằng sự đồng bộ hóa trong hoạt động chớp mắt sẽ là một dấu hiệu của sự chú ý khi thực hiện một nhiệm vụ đòi hỏi sự quan tâm chung, do đó có thể phát triển khả năng tương tác, giao tiếp xã hội”, Takahiko Koike, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ trong một thông cáo báo chí.
Một nghiên cứu khác được tiến hành bởi nhóm nghiên cứu từ Đại học Leiden (Hà Lan) cũng khẳng định mắt có năng lực trong việc xây dựng lòng tin. Họ phát hiện ra nếu hai người xa lạ nhìn thẳng vào mắt nhau, đồng tử mắt giãn nở và họ có cảm giác tin tưởng tăng gấp ba lần so với trường hợp không giao tiếp bằng mắt nhau.
“Dựa vào việc tăng cường đồng bộ hóa hành vi và thần kinh não bộ trong giao tiếp bằng mắt, chúng ta có thể hiểu sự quan tâm, chia sẻ khó có thể thiết lập trọn vẹn nếu thiếu đi cách giao tiếp đặc biệt này. Tiếp tục nghiên cứu các hoạt động giao tiếp bằng mắt có thể giúp phát hiện ra vai trò, chức năng cụ thể của đồng bộ hóa thần kinh giữa người với người,” Norihiro Sadato, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Bình luận (0)