Chuỗi quán cà phê nổi tiếng ngừng hoạt động
Cụ thể, anh Tùng cho biết sẽ đóng cửa quán cà phê Monkey in Black có tuổi đời hơn 10 năm, nằm ở đường Sư Vạn Hạnh, Q.10, TP.HCM. Đây là cửa hàng cuối cùng của chuỗi quán cà phê Monkey in Black. Trước đó, thương hiệu này từng có thời điểm tồn tại cả 4 chi nhánh đều ở TP.HCM.
Chia sẻ với PV Báo Thanh Niên, anh Tùng cho biết có nhiều lý do dẫn đến quyết định này. Trong số đó có chuyện mô hình quán cà phê kiêm vườn ươm khởi nghiệp của Monkey in Black không còn phù hợp với thị trường kinh doanh hiện nay. Đấy là chưa kể, theo thời gian, đã nhận ra quán không còn tiềm năng phát triển, chẳng còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho các thương hiệu khác trong hệ sinh thái mà anh đang kinh doanh. Ngoài ra, chi phí mặt bằng ngày càng tăng cao khi một năm lên đến cả nửa tỉ đồng, còn tình hình kinh doanh bị "xịt keo" (không khả quan, nguồn thu ít) cũng là một nguyên nhân.
"Không những vậy, tôi nhận thấy bản thân vận hành quán cà phê chưa tốt. Trong khi không thể tìm được một người đồng hành hỗ trợ các khâu mà tôi còn thiếu sót như chăm sóc khách hàng, phát triển sản phẩm... Thế nên tôi phải đóng cửa quán cà phê", anh Tùng chia sẻ.
Cũng theo anh Tùng, dù rằng khi thông báo quyết định đóng cửa quán cà phê cuối cùng trong chuỗi Monkey in Black lên mạng xã hội, đã nhận được những ý kiến của mọi người cho rằng nên tiếp tục duy trì, hay đọc thấy những bình luận: "Địa điểm quen thuộc của sinh viên học ở khu vực Q.10, TP.HCM", "Quán cà phê gắn với cả quãng đời sinh viên"… "Nhưng tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải dừng lại, chứ không thể… quăng tiền ra cửa sổ", anh Tùng cho hay và kể thêm: "10 năm 3 tháng tồn tại, quán cà phê ấy cũng đem lại lợi nhuận chứ không phải lỗ".
Có phải thất bại?
Ngay sau khi thông báo về việc đóng cửa quán cà phê của anh Tùng, đã có không ít ý kiến cho rằng: "Chuyên gia dạy khởi nghiệp mà cũng rơi vào tình cảnh này ư" (tức phải ngừng hoạt động kinh doanh quán cà phê – PV), "Việc đóng cửa quán cà phê khác nào thừa nhận thất bại?"…
Khi được PV đề cập đến vấn đề này, anh Tùng cho biết: "Tôi đóng quán cà phê không phải là thất bại. Mà đóng quán cà phê mới chính là cách làm của chuyên gia khởi nghiệp".
Anh Tùng lý giải: "Vì bản thân tôi nhìn ra thấy câu chuyện kinh doanh quán cà phê ấy không còn phù hợp với thị trường. Thời thế đã thay đổi thì phải thay đổi để thích ứng. Nhưng nhiều người không hiểu điều đó. Thật ra ở các nước khác, việc mở quán, ngừng hoạt động quán là câu chuyện hết sức bình thường. Khi thấy cơ hội phát triển không còn mà vẫn cứ… đâm đầu, theo kiểu "lỡ đâm lao thì phải theo lao" thì không nên".
"Chúng ta nên cởi mở hơn, bình thường hóa hơn việc kinh doanh không suôn sẻ. Có thể quán cà phê ấy thất bại, nhưng tôi không hề thất bại. Bản thân tôi vẫn đang tiếp tục đầu tư, điều hành, tìm cơ hội mới ở rất nhiều dự án khởi nghiệp khác", anh Tùng nói thêm.
Anh Tùng cũng cho biết câu chuyện đóng cửa quán cà phê của mình sẽ được chuyển tải qua những tiết dạy khởi nghiệp sắp tới cho những người trẻ thích kinh doanh. "Mọi người hay nói về câu chuyện thành công, chỉ nói về những khởi sắc, nói về chuyện đi lên, chứ ít ai dám nói hoặc hạn chế đề cập đến chuyện thất bại, đi xuống. Thế nên vô tình tạo ra những "điểm mù" trong việc ý thức thất bại. Nhiều người trẻ còn mơ hồ, không có nhiều thông tin về chuyện thất bại của người khác, về những tình cảnh phải sang quán… Nên tôi nghĩ rằng "bài học xương máu" của mình sẽ đem lại những giá trị cho người khác", anh Tùng cho hay.
Chia sẻ thêm với những người trẻ muốn khởi nghiệp, anh Tùng nói: "Cần có ý thức rằng việc kinh doanh không phải lúc nào cũng suôn sẻ, trơn tru. Có lúc thăng thì cũng có lúc trầm. Có lúc đi lên thì cũng có lúc đi xuống. Quan trọng là phải có kế hoạch cho lúc trầm, lúc xuống ấy, đặc biệt là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi chạm tới câu chuyện lỗ thì phải có kế hoạch để dừng lại kịp thời. Với gia đình, người thân, cần thông cảm chứ đừng trách hay chỉ trích người khởi nghiệp thất bại. Ngoài ra, dù có thể chạnh lòng và buồn khi thất bại, nhưng hãy coi đó là bài học, đúc rút những kinh nghiệm để làm tốt hơn trong những dự án khởi nghiệp khác".
Bình luận (0)