(TNO) Chuyên gia hóa trang Lilian Trần vừa được mời tham gia thuyết trình về vẻ đẹp châu Á tại Global Face Art 2014 ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) từ ngày 4 - 6.5 tới. Phóng viên Thanh Niên Online đã có trao đổi nhanh với chị.
|
* Chị có thể cho biết thêm về Global Face Art 2014?
- Lilian Trần: Đây là sự kiện hoạt động nghệ thuật lần thứ 5 do hãng Kryolan tổ chức, nhằm tập trung nhiều chuyên gia trang điểm hàng đầu thế giới, những người đã nhận giải Oscar, BAFTA về hóa trang và hiệu quả đặc biệt cho nghệ thuật thứ 7 cũng như trên các sàn diễn thời trang và quảng cáo quốc tế, để giới thiệu mọi thứ xuất sắc nhất về vẻ đẹp, thời trang, sân khấu truyền hình và phim ảnh của các nước.
Hoạt động này sẽ được diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật và Nhà hát cộng đồng Dubai từ ngày 4 - 6.5. Tôi là một trong 11 khách mời đến từ các nước khác nhau được mời tới đây để thuyết trình về đề tài thuộc chuyên môn của mình.
* Từng tốt nghiệp cao học chuyên ngành mỹ phẩm, làm đẹp và hóa trang cho phim và hóa trang hiệu quả đặc biệt tại Trường đại học George Brown (Canada), chị thấy việc học và hành nghề hóa trang tại Việt Nam gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
- Tôi thấy nước mình chưa có trường lớp đào tạo bài bản và theo đúng quy chuẩn của ngành nghề này. Đây không phải là một ngành nghề mới, nó đã có từ rất lâu đời với nhiều thế hệ nghệ sĩ rất giỏi được đào tạo từ thời Xô Viết nhưng lại bị mai một nhiều và cũng không có truyền nhân vì ngành phim ảnh Việt Nam còn rất hạn chế.
Chỉ vài năm gần đây, khi ngành công nghiệp phim ảnh ở nước ta khởi sắc và phát triển mạnh mẽ thì công việc cho nghề hóa trang mới có đất để làm. Nhưng các nghệ sĩ có chuyên môn giỏi lại bị hạn chế vì tuổi đã cao, không đủ sức khỏe để đi theo đoàn phim rong ruổi khắp nơi.
Nhu cầu cần những chuyên viên hóa trang cho các bộ phim rất cao nhưng cung không đáp ứng đủ cầu. Hầu hết, những lớp trẻ sau này vào nghề hóa trang đều do từ học trang điểm, không được đào tạo bài bản.
|
Với những người đam mê nghề hóa trang, họ phải tự mày mò học hỏi. Đôi lúc, học hỏi được một số các kỹ thuật từ những thế hệ đi trước nhưng cái đó chưa đủ để có thể bắt kịp với kỹ thuật máy móc quay phim tiên tiến của thế giới. Bị hạn chế về sử dụng nguyên vật liệu mới chuyên dụng được dùng một cách hiệu quả cho các loại máy quay phim.
Vài năm gần đây, ở nước ta bắt đầu dùng máy quay HD, Red One, nhưng vì không được cập nhật kiến thức nên các bạn làm nghề hóa trang phải loay hoay, mất nhiều thời gian để tự rút kinh nghiệm trang điểm sao cho phù hợp với loại máy quay đó.
Tôi cũng phải thường xuyên cập nhật các kiến thức mới như hóa trang cho máy Blue Ray, hay 3D…, các nguyên vật liệu mới sử dụng ra sao, có tác dụng như thế nào. Khi không có những trường lớp đào tạo chuyên nghiệp thì các bạn yêu thích nghề hóa trang tại Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công việc của mình.
* Hóa trang hiệu quả đặc biệt trong điện ảnh ở nước ta hiện thiếu những gì và làm thế nào để khắc phục?
- Hóa trang hiệu quả đặc biệt ở nước ta thiếu nguồn nguyên vật liệu trầm trọng. Tôi vẫn phải nhập các loại nguyên vật liệu từ Mỹ về cho các dự án phim. Hiện tất cả các mỹ phẩm chuyên nghiệp và đồ làm hiệu quả được nhập về Việt Nam theo đường tiểu ngạch và xách tay là chủ yếu. Tôi đang cố gắng thương thảo để có thể đưa các nhãn hiệu mỹ phẩm chuyên nghiệp này về Việt Nam một cách chính thức.
|
Kỷ niệm nhớ nhất là khi làm phim Lời nguyền huyết ngải của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, nhân vật chính là một ông lang già huyền bí.
Do kinh phí không cho phép nên đầu tiên, bên sản xuất chỉ yêu cầu hóa trang bôi màu trắng lên tóc để làm tóc bạc và vẽ các nếp nhăn, dán râu giả như các bộ phim trước kia từng làm. Nhưng khi tôi bàn bạc với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, thấy anh trăn trở với nhân vật thầy Hoàn Sinh sao cho ra được chất là một ông giáo già có đầu hói với vài sợi tóc bạc hoa râm lơ thơ trên đỉnh đầu, chỉ biết nghiên cứu nhưng lại có gì đó ẩn giấu bên trong; tuy nhiên, NSƯT Thành Lộc, người vào vai thầy Hoàn Sinh, lại có bộ tóc dày và đen, và vẫn phải giữ bộ tóc đen của anh cho những cảnh thời trẻ.
Nếu như ở nước ngoài, chi phí hóa trang thay đổi nhân vật như vậy sẽ rất cao nhưng tôi vẫn quyết định làm cho tới nhân vật mà đạo diễn mong muốn, mặc dù kinh phí hạn hẹp và không có nhiều thời gian để chuẩn bị.
Tôi phải mất hơn 60 tiếng đồng hồ để đan từng sợi tóc bạc làm bộ tóc giả hói cho nhân vật. Suốt quá trình quay phim, sau khi đã làm việc 18 tiếng ở trường quay, khi về nhà mỗi ngày tôi phải đổ khuôn đầu cao su giả cho nhân vật mất 3 tiếng đồng hồ.
Kết quả, khi bộ phim đóng máy, tôi sụt 8 ký vì thiếu ngủ. Nhưng đổi lại, được nhìn thấy nhân vật đẹp như mong muốn, tôi lại quên hết đi những khó khăn mà mình phải trải qua.
* Chị có lời khuyên gì cho người muốn theo đuổi nghề hóa trang trong phim?
- Với các bạn muốn theo đuổi nghề hóa trang thì nên chọn lựa các trường hay trung tâm dạy nghề chuyên nghiệp để được đào tạo bài bản. Đọc sách tham khảo và chịu khó thực hành để trau dồi kiến thức. Và cái quan trọng nhất là phải có đam mê, ham học hỏi thì mới có những thành quả trong công việc.
Các bạn trẻ hoàn toàn có thể kỳ vọng sống được với nghề hóa trang vì ngành công nghiệp phim ảnh nước ta đang hội nhập với thế giới và đang ngày càng đầu tư nhiều hơn cho phần hóa trang trong các dự án phim.
Lilian Trần sinh năm 1976, từng khẳng định được tài năng hóa trang của mình qua các bộ phim truyện nhựa: Lời nguyền huyết ngải, Dòng máu anh hùng, Scandal, Cô dâu đại chiến 2, Quả tim máu… và một số show truyền hình làm đẹp của Đài Truyền hình Việt Nam. Trước đó, khi còn ở nước ngoài, chị từng tham gia hóa trang trong Love letter from an open grave (phim hài về zombie), Death warriors (phim nhựa của hãng phim Buck Production)..., một số chương trình truyền hình của Đài CBC Canada. Hiện chị đã mở trường đào tạo hóa trang chuyên nghiệp Vietlooks Beauty Academy tại Hà Nội, liên kết với trường ở Mỹ. |
Ngọc Bi
>> Hội thi hóa trang Halloween kỳ bí 2012
>> Nỗi lòng “phù thủy” hóa trang
>> Rực rỡ vũ hội hóa trang
>> Lễ hội hóa trang
Bình luận (0)