Chuyên gia kinh tế chỉ 3 vấn đề lớn phải xử lý trong thương mại điện tử

14/08/2024 16:45 GMT+7

Thương mại điện tử đã len lỏi vào mọi ngóc ngách cuộc sống, từ sản xuất đến tiêu dùng và liên quan đến nhiều câu chuyện về thể chế, xử lý tranh chấp, bảo vệ người tiêu dùng để phát triển, đem lại lợi ích tốt nhất chứ không phải lúc nào cũng màu hồng.

Đó là quan điểm TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Phát triển thương mại điện tử - cơ hội, động lực và thách thức, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tại Hà Nội ngày 14.8.

Chuyên gia kinh tế chỉ 3 vấn đề lớn phải xử lý trong thương mại điện tử- Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành và bà Lại Việt Anh chia sẻ tại tọa đàm

NHẬT BẮC

Theo TS Võ Chí Thành, thương mại điện tử là lĩnh vực được nhắc đến nhiều năm trước nhưng phát triển rất mạnh trong vài năm trở lại đây. "Chưa bao giờ các nền tảng công nghệ số, thương mại điện tử lại len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống, vào sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng như hiện nay", ông Thành nhìn nhận.

Thương mại điện tử phát triển đang đóng góp lớn cho ngân sách, trong đó năm 2023 là 100.000 tỉ đồng, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần thu hẹp sự phát triển giữa thành thị, nông thôn. Ở khu vực nông thôn hiện nay, thương mại điện tử phát triển mạnh tiệm cận với thành phố.

Tuy nhiên, TS Võ Chí Thành đặt ra những vấn đề phải lưu ý trong phát triển thương mại điện tử, khi hiện nay, thương mại điện tử phát triển khiến thương mại truyền thống bị thu hẹp và có những tác động không mong muốn. Do đó, cần có chính sách quan tâm để không để ai bị thiệt thòi, bỏ lại phía sau.

Ngoài ra, thương mại điện tử đem lại sự phát triển vượt trội nhưng liên quan đến nhiều câu chuyện về xử lý tranh chấp, bảo vệ người tiêu dùng phải xây dựng thể chế làm sao để phát triển, đem lại lợi ích tốt nhất chứ không phải lúc nào cũng màu hồng.

Góp ý về thể chế cho thương mại điện tử, TS Võ Trí Thành cũng nêu 3 vấn đề lớn phải xử lý gồm: các văn bản, khung pháp lý ứng xử với dữ liệu, bởi đây là nguồn lực mới, một nhân tố sản xuất mới và toàn bộ các hoạt động, dù là công nghệ hiện đại đến đâu thì đều dựa trên dữ liệu, nhất là dữ liệu lớn (Big Data).

Thứ hai là các nền tảng kết nối, trao đổi điện tử với sự tham gia của rất nhiều bên liên quan, cùng các vấn đề về trách nhiệm, tranh chấp nếu có.

Thứ ba là tuân thủ các cam kết, thỏa thuận hợp tác và chuẩn mực quốc tế về dịch chuyển hàng hóa, dòng thông tin, dòng tài chính.

Đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt trên thương mại điện tử

Theo bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), hơn 80% người dùng internet đang mua sắm trực tuyến và tham gia hoạt động thương mại điện tử. So với thương mại truyền thống, thương mại điện tử không có nhiều rào cản khi doanh nghiệp muốn vươn ra thị trường toàn quốc, thậm chí là nước ngoài nếu tham gia vào các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Những năm qua, Bộ Công thương phối hợp với nhiều sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki... thúc đẩy tiêu thụ lượng lớn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng nông sản trong mùa vụ thu hoạch cao điểm.

Ngoài ra, Bộ Công thương đang nỗ lực phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn để xây dựng những thương hiệu trực tuyến, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài khi thương mại điện tử xuyên biên giới, xuất khẩu trực tuyến đang ngày càng phổ biến.

"Chúng tôi coi đây là vấn đề được ưu tiên trong thời gian tới", bà Lại Việt Anh nói.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam, nhìn nhận thương mại điện tử ở Việt Nam có những lợi thế đặc thù. Đó là chi phí tiếp cận internet thấp nhất trong ASEAN, hạ tầng công nghệ được đầu tư đồng bộ. Nhờ đó, người dân ở bất cứ vùng miền nào của đất nước cũng có thể tiếp cận thương mại điện tử, gần như không có rào cản. Đối với Shopee, người tiêu dùng đặt hàng nhiều đều nằm ở các thành phố nhỏ, vùng nông thôn chứ không phải địa bàn thành thị.

Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, thị trường Việt Nam có quy mô lớn, thu nhập người dân đang tăng và có nền sản xuất nội địa mạnh, nguồn nhân lực có kỹ năng và có nhiều cơ hội để phát triển. Đây cũng là lý do Shopee Việt Nam đang tiếp cận các doanh nghiệp sản xuất để phát triển thị trường từ nội địa đi ra thế giới.

Vẫn theo ông Tuấn Anh, Shopee Việt Nam đặt mục tiêu là từ nay đến cuối năm có 1.000 doanh nghiệp nhưng thực ra trong tương lai rất gần sẽ là 100.000 doanh nghiệp có khả năng đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam khẳng định, trải nghiệm khách hàng, giải quyết khiếu nại, bảo vệ người tiêu dùng là vấn đề sống còn của doanh nghiệp thương mại điện tử như Shopee khi đã đầu tư rất lớn vào Việt Nam.

"Chúng tôi có những cơ chế nhất định để kiểm soát, tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng như giao hàng nhanh hơn, tăng sự an tâm cho người tiêu dùng nhưng vẫn mong có sự hướng dẫn từ các bộ, ngành cũng như địa phương trong những trường hợp cụ thể", ông Tuấn Anh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.