Chuyện già làng Ha Xuyên làm kinh tế giỏi

22/09/2023 08:00 GMT+7

Đến H.Đam Rông (Lâm Đồng), khi nhắc đến Kră Jăn Ha Xuyên dường như các cán bộ và người dân đều biết ông là cựu Tư lệnh Quân khu 4 Fulro, nhưng lại đi đầu trong lao động, sản xuất phát triển buôn làng.

Ảnh: Lâm Viên  Già làng Ha Xuyên trò chuyện với phóng viên

Già làng Ha Xuyên trò chuyện với phóng viên

Ảnh: Lâm Viên

Ngôi nhà của già làng Kră Jăn Ha Xuyên nằm cạnh đường nhựa ở trung tâm thôn Đa Tế xã Đạ M'Rông (Đam Rông), rợp bóng mát của cây xanh. Dù ở tuổi 73, nhưng hằng ngày già làng Ha Xuyên vẫn lên nương rẫy chăm sóc cà phê, vườn cây ăn trái, cùng gia đình con gái chăm vườn dâu nuôi tằm. Già làng Ha Xuyên cho rằng, nếu không nghe bọn xấu, không phải mất đi 12 năm hoang phí theo Fulro, cuộc sống gia đình ông sẽ khác hơn, nhà cửa đàng hoàng hơn...

Già làng Ha Xuyên giới thiệu trại nuôi tằm của gia đình (thứ 2 từ phải sang)

Già làng Ha Xuyên giới thiệu trại nuôi tằm của gia đình (thứ 2 từ phải sang)

Một thời lầm lạc

Nhớ lại một thời lầm lạc, già làng Ha Xuyên kể, lúc đó ông là một thầy giáo đang gieo con chữ ở trường làng Đa Tế, do nghe theo kẻ xấu dụ dỗ nên bỏ gia đình, buôn làng đi theo tổ chức Fulro suốt 12 năm. Ông cho biết ngày đầu gia nhập tổ chức Fulro, ông được bố trí hoạt động trên địa bàn H.Lạc Dương (Đam Rông và Lạc Dương ngày nay), sau đó được điều qua Đắk Lắk sống chui nhủi, nay đây mai đó, phải đào củ năng, củ mì, ăn rau rừng để sống qua ngày. Từ năm 1980 ông được lệnh qua Campuchia tập huấn để ra nước ngoài; nhưng ở Campuchia cũng sống trong rừng lạnh lẽo, thiếu ăn, bệnh tật nên nhiều người bỏ mạng lại giữa rừng.

Cuối năm 1986, trung tá Ha Xuyên cùng 7 người khác quyết định băng rừng từ Campuchia về lại buôn làng. Khi về đến Đưng K'Nớ, H.Lạc Dương, Ha Xuyên liên lạc với chính quyền địa phương để đầu thú. Ha Xuyên nhớ lại: "Tôi nghĩ ra đầu hàng chắc sẽ bị bắt bỏ tù. Thế nhưng nhóm chúng tôi rất bất ngờ lại được đoàn cán bộ huyện, lãnh đạo Công an tỉnh đưa ô tô đến Đưng K'Nớ đón như đón người thân trở về, mọi người ân cần hỏi thăm, động viên. Tối đó, chính quyền còn mổ lợn đãi tiệc mừng chúng tôi đã trở về".

Giấy khen nông dân SXKD giỏi của già làng Ha Xuyên

Giấy khen nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của già làng Ha Xuyên


Chung tay xây dựng buôn làng

Được về với gia đình và buôn làng là niềm mong ước của Ha Xuyên đã thành hiện thực. Nhưng điều bất ngờ hơn, Ha Xuyên được bố trí làm cán bộ thủy nông, làm Trưởng trạm thủy lợi nhiều năm liền. Với trình độ và khả năng, Ha Xuyên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cơ sở, được tặng hàng chục bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương từ Trung ương tới địa phương.

Ông Liêng Hót Ha Hai, Phó chủ tịch UBND H.Đam Rông, cho biết thêm già Làng Ha Xuyên còn chăm chỉ lao động sản xuất, luôn đi đầu trong việc thay đổi giống cây trồng, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền. Già làng Ha Xuyên còn làm công tác mặt trận rất tốt, nhiều năm liền ông được công nhận là người có uy tín ở địa phương.

Già làng Ha Xuyên (hàng đứng thứ 3 phải qua) cùng đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng viếng lăng Bác năm 2012

Già làng Ha Xuyên (hàng đứng thứ 3 phải qua) cùng đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng viếng lăng Bác năm 2012

Được sự động viên và định hướng của già làng Ha Xuyên, chị Liêng Hót Ka Diệu (49 tuổi, con gái đầu của già làng) tiên phong lập trang trại trồng dâu nuôi tằm ở thôn Đa Tế. Nhờ đó cho thu nhập cao và cuộc sống ổn định. Ha Xuyên tỏ ra mãn nguyện khi 3 người con của ông đều được ăn học đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định. Cô con gái thứ 2 Liêng Hót Ka Min học ngành y, đang công tác ở Trạm y tế xã Đạ M'Rông; cậu con trai út Liêng Hót Ha Siêng (33 tuổi), học ngành luật hiện làm cán bộ tư pháp xã Đạ M'Rông.

"Thấy các con được trọng dụng đó cũng là niềm vui của đời tôi. Nhờ ơn Đảng, Nhà nước mà gia đình tôi có được cuộc sống ổn định như hôm nay. Tôi muốn góp chút khả năng của mình để xây dựng buôn làng ngày càng phát triển", già làng Ha Xuyên nói trong xúc động.




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.